Điện ảnh Hà Nội và những thăng trầm

NDO - NDĐT - Trong lịch sử điện ảnh, đã từng có nhiều bộ phim về Hà Nội để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng như Em bé Hà Nội, Sao Tháng Tám, Tiền tuyến gọi, Hà Nội mùa đông 1946... Nhưng thời gian gần đây, dường như trên màn ảnh rộng vắng bóng những bộ phim ấn tượng, thấm đẫm chất Hà Nội như đã từng có trong quá khứ...

Từ những thước phim đầu tiên....

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã dày công nghiên cứu và tìm hiểu về điện ảnh Hà Nội từ thủa sơ khai. Ông cho biết, bộ phim đầu tiên quay tại Hà Nội và do người Hà Nội đóng là Kim Vân Kiều năm 1923, dài 1.500m của hãng IFEC (Indochine film et cinema) quay, diễn viên là các đào và kép của rạp tuồng Quảng Lạc, phim trường là khu chùa Láng và đình làng Thọ ở Bưởi. Thời Pháp thuộc, một vài tác phẩm điện ảnh cũng ra đời nhưng chỉ liên quan đến người Hà Nội đóng chứ chưa thể hiện gì về vùng đất và con người Hà Nội.

Ông Nguyễn Vinh Phúc cho hay, nói về điện ảnh Hà Nội đích thực, phải đến những năm 70, mới thực sự có những bộ phim đậm chất Hà Nội, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người xem: Em bé Hà Nội năm 1974 của đạo diễn Nguyễn Hải Ninh, với hoàn cảnh và con người đặc trưng của Hà Nội thời chiến, đã gây xúc động mạnh mẽ.

Hình ảnh em bé Ngọc Hà 12 tuổi với tiếng đàn violon trong trẻo đã trở thành một biểu tượng đối lập với sự huỷ diệt tàn khốc của chiến tranh. Em bé Hà Nội đã trở thành một dấu ấn trong cuộc đời nghệ thuật của nghệ sĩ Lan Hương... Bộ phim giành giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1975.

Năm 1976, bộ phim Sao Tháng Tám ra đời, được công chúng yêu thích và cũng giành giải Bông sen vàng năm 1977. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc nhận xét Sao Tháng Tám là một bộ phim mà “cảnh và người đều là Hà Nội đáng yêu”.

Những bộ phim khác như Sống mãi với Thủ đô, Vùng trời, Hà Nội mùa đông 1946, Hà Nội 12 ngày đêm, Đêm hội Long Trì, Khi đàn chim trở về..., những phim truyền hình về Hà Nội tiêu biểu như Người Hà Nội... khắc hoạ những con người, những nhân vật lịch sử gắn bó với mảnh đất hùng thiêng.

Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, không chỉ phim truyện, mảng phim tài liệu trong nhiều năm qua cũng khẳng định vị trí của điện ảnh Hà Nội, trong đó không thể không nhắc đến hai bộ phim Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế. Hai bộ phim này của đạo diễn Trần Văn Thuỷ đã khiến giới làm phim tài liệu sôi nổi hẳn lên, qua những bài học trị nước yên dân thủa xưa mà phản ảnh tinh thần và tư tưởng của xã hội đương thời. Ông Nguyễn Vinh Phúc nhận xét: “Riêng trường đoạn về Bùi Xuân Phái trong phim thật tuyệt. Tôi vẫn cho rằng, sau này ai làm phim về ông Phái thì phải trích ở Hà Nội trong mắt ai”.

Thiếu vắng những tác phẩm mang dấu ấn Hà Nội

Với một bề dày như vậy, đúng ra điện ảnh Hà Nội phải phát triển tương xứng, có những tác phẩm phản ánh được hơi thở cuộc sống và con người hiện đại hôm nay. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, nếu nói về điện ảnh Hà Nội, nếu không kể đến những bộ phim tiêu biểu nói trên, thì khán giả có lẽ cũng không biết nói thêm về phim nào nữa.

Sự thay đổi từ làm phim kiểu bao cấp sang làm phim thị trường đã khiến phần lớn các nhà làm phim phải tìm cho mình cách nào thu lợi nhuận về nhanh hơn cả. Sự lấn át của dòng phim thị trường đã khiến cho phim nghệ thuật, đặc biệt là phim về đề tài Hà Nội ngày càng trở nên thưa thớt, vắng bóng dần. Không ít nghệ sĩ đã tỏ ra trăn trở về sự vắng bóng này.

NSND Thế Anh từng chia sẻ: “Ngay cả trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, cũng không có những bộ phim về Hà Nội hiện tại. Nhẽ ra chúng ta phải làm điều này từ rất lâu rồi, chứ không phải để đến bây giờ chấp nhận việc vắng bóng những tác phẩm đó.”.

Người nghệ sĩ tài hoa cho rằng, một phần nguyên nhân nhân là hiện nay do hoàn cảnh xã hội, mọi người cũng không còn quan tâm đến điện ảnh về Hà Nội như trước đây. Bên cạnh việc xuất hiện nhiều loại hình giải trí phong phú, đa dạng, thì giờ đây mọi người cũng có nhiều mối quan tâm khác. Ông bày tỏ: “Vì vậy, tôi cho rằng, làm phim về các vấn đề lớn, Nhà nước phải tham gia. Trồng cây 10 năm, trồng người trăm năm, phải làm cho con cháu đừng quên lịch sử cha ông. Giữ lịch sử phải bắt đầu từ hôm nay, từ chính bây giờ. Con cháu sau này khi muốn tìm những hình ảnh về con người, về xã hội, về cuộc sống Hà Nội của thế kỷ 21, sẽ tìm ở đâu?”

Còn đạo diễn Trần Văn Thuỷ, tác giả của Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế chia sẻ: “Để tạo nên một tác phẩm hay thực sự về Hà Nội, hay về điều gì cũng thế, phải có một tình yêu thực sự, một tình yêu từ trong gan trong ruột mình. Thẳng thắn mà nói, bây giờ chúng ta không có những tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ về Hà Nội như các cụ ngày xưa, thời Tự Lực Văn Đoàn, Thạch Lam hay Vũ Bằng... Văn hoá nghệ thuật lại đòi hỏi một tình yêu thực sự, nếu tìnhyêu đó vá víu khiên cưỡng thì không thể lay động được ai. Ngày xưa có ai phải đề nghị viết hay sáng tác về Hà Nội đâu....”

Thiếu vắng những tình cảm thực sự với Hà Nội từ phía các nhà làm phim, vì thế cho nên có lẽ khán giả sẽ vẫn còn tiếp tục phải chờ đợi lâu nữa mới có lại được những Em bé Hà Nội, Hà Nội mùa chim làm tổ hay Hà Nội mùa đông 1946...