Ngày mới ở bản Rào Tre

Hơn 20 năm, kể từ ngày hòa nhập với cộng đồng, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng, đời sống của đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã có sự đổi thay đáng kể.

* Một góc bản Rào Tre. Ảnh: DƯƠNG QUANG
* Một góc bản Rào Tre. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Bản đổi thay từng ngày

Con đường từ thị trấn Hương Khê vào bản Rào Tre dài tầm 20 km, nhưng có nhiều đoạn đường quanh co, khúc khuỷu. Cách đây hơn 10 năm, tôi có dịp ghé Rào Tre thăm các chiến sĩ biên phòng và đồng bào dân tộc Chứt. Hồi ấy, con đường gập ghềnh, nhiều đoạn đất đá xen kẽ, mặt đường nham nhở do ảnh hưởng từ những cơn mưa rừng, muốn qua được, cách duy nhất là… đi bộ. Bây giờ, đường đã được đổ nhựa chắc chắn, ô-tô có thể vào đến tận bản. Chỉ về hướng bản Rào Tre, một người dân địa phương bảo: “Cứ men theo đường dây điện cao áp là đến”. Thế là bây giờ, điện đã về tận bản.

Vào bản, tiếp chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Văn Thiên (Tổ công tác bản Rào Tre, Đồn Biên phòng 575, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) vui mừng chia sẻ: “Bản đã có nhiều nhà được xây dựng khá khang trang. Nhiều nhà sắm được xe máy, ti-vi… Từ cuộc sống du canh, du cư, phải trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước và Bộ đội Biên phòng, giờ đây bà con đã biết cách làm ăn, dần đẩy lùi được đói nghèo, lạc hậu. Nhiều hộ còn xây dựng được mô hình sản xuất hiệu quả. Ngoài trồng lúa, còn trồng rừng, khai thác lâm sản…, không chỉ đủ ăn mà còn nuôi được con cái ăn học tử tế. Có người đã mạnh dạn đi làm ăn xa. Những hủ tục lạc hậu cũng đã được đẩy lùi”. Nói rồi, Thiếu tá Thiên cùng các chiến sĩ dẫn chúng tôi đi thăm khu tái định cư mới, nơi có 11 ngôi nhà vừa được xây dựng khang trang. Thượng úy Trần Mạnh Hùng (Tổ công tác bản Rào Tre) cho biết, những ngôi nhà này được xây dựng nhờ nguồn vốn từ Đề án 2571 về bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt đến năm 2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Các ngôi nhà được thiết kế vừa bảo đảm sự kiên cố, vừa phù hợp lối sống, phong tục của địa phương. Các quá trình từ thiết kế đến thi công, đều được Bộ đội Biên phòng cùng tham gia. Không chỉ có những căn nhà mới, khu tái định cư sẽ bao gồm cả trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng và nhiều điều kiện thiết yếu khác nhằm giúp bà con yên tâm tạo lập cuộc sống trên vùng đất mới.

Tiếp khách trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, mái ngói đỏ au, vợ chồng anh Võ Quốc Anh, chị Hồ Thị Đình Xuân khoe với chúng tôi về bộ bàn ghế, cái ti-vi vừa mới sắm được. Chị Xuân bảo, trước đây, dân bản chỉ ở trong những mái nhà tuềnh toàng, những đợt gió nam thổi mạnh cũng đủ làm nghiêng ngả. Cuộc sống của dân bản rất khó khăn cho nên chẳng ai dám nghĩ sau này sẽ xây cất được nhà cửa đàng hoàng. Thế rồi tin vui đến, khi nhiều hộ dân được hỗ trợ xây cất những ngôi nhà sàn bê-tông, vừa vững chãi, rộng rãi, lại có vị trí trước mặt là sông, sau là núi rừng, thuận tiện cho việc đánh bắt cá, làm nương rẫy…

Trưởng bản Rào Tre Hồ Thị Kiên chia sẻ, cũng chẳng phải lâu lắm, mới hơn chục năm trước, chuyện đi học, biết chữ, biết cách làm ăn vẫn là một cái gì đó xa lạ đối với đồng bào nơi đây. Bây giờ, đồng bào ở đây nhiều người đã tốt nghiệp THPT. Cả bản đã có bảy đảng viên. Trước đây, đồng bào “đói không lo, no không mừng”, vì mọi thứ đã có Nhà nước và Bộ đội Biên phòng lo giúp. Nay, mặc dù vẫn sống chủ yếu dựa vào ruộng, vào rừng nhưng đồng bào dân tộc Chứt đã tự mình tìm được lối đi để thoát nghèo, hòa nhập tốt với cuộc sống hiện đại. Toàn bản đã có 3,3 ha đất sản xuất lúa; 0,6 ha sản xuất hoa màu. Nhiều hộ tự nuôi lợn, nuôi gà… để ổn định cuộc sống.

Điều đáng chú ý khác ở Rào Tre, là không ít đồng bào dân tộc khác cũng đang sinh sống, dựng cửa cất nhà ở đây. Thượng úy Hùng cho biết ở bản còn có một số hộ dân tộc Kinh, Mã Liềng, Rục chuyển đến đây ở, sinh sống, rồi chọn đây làm nơi “an cư lạc nghiệp”, dựng vợ, gả chồng. Đó cũng là kết quả của những cố gắng không biết mệt mỏi của tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê và những “ông mai bà mối” của Đồn Biên phòng 575 trong nỗ lực bảo vệ và phát triển dân tộc Chứt trước nỗi lo về tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Hiện tại, trong bản đã có sáu cặp vợ chồng người Chứt và người dân tộc khác. Đáng mừng là những thành viên mới đến đây không chỉ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng, mà còn chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, tăng gia sản xuất để nhận thức của đồng bào dân tộc Chứt ở bản được nâng cao.

Việc thầm lặng của chiến sĩ quân hàm xanh

Để có được một bản Rào Tre như ngày hôm nay, công lao lớn nhất có lẽ thuộc về các chiến sĩ biên phòng cắm bản. Những người luôn gắn bó, sát cánh bên đồng bào ngay những ngày đầu từ rừng sâu ra hòa nhập với cộng đồng. Vì thế, người dân ở đây dành tình cảm đặc biệt cho những người lính biên phòng. “Không có các chú, các anh bọn tui cũng không biết mần răng (làm sao - PV)! Tình cảm của bộ đội dành cho đồng bào lớn lắm! Các chiến sĩ gắn bó với dân, cùng lợp nhà, cuốc đất, trồng lúa, phát gạo, phát thuốc cho bà con… Thậm chí, phụ nữ trong bản trở dạ, chính các chiến sĩ trở thành “bà đỡ”. Trong khi vẫn còn nhiều người mù chữ, lớp học được mở ra và các chiến sĩ biên phòng phải đến từng nhà vận động người dân đi học để thoát nghèo. Rồi chuyện cấy lúa, trồng ngô, trồng sắn, cũng chính những người thầy quân hàm xanh ở đây hướng dẫn cho dân bản”, Trưởng bản Rào Tre Hồ Thị Kiên nói.

Ngày mới ở bản Rào Tre ảnh 1

* Bộ đội Biên phòng giúp dân bản Rào Tre thu hoạch lúa.Ảnh: NGÂN GIANG

Chia sẻ về công việc của mình, Thiếu tá Nguyễn Nam Giang, bác sĩ quân y Đồn Biên phòng 575 cho biết, trước đây đồng bào Chứt sống trong rừng, sau khi đưa về bản họ vẫn duy trì phong tục, tập quán lạc hậu là khi có bệnh đều chỉ tin vào thầy mo, chữa bệnh bằng lá cây rừng. Vì thế ở đây, bác sĩ chỉ biết chữa bệnh thôi là không đủ. Thầy thuốc còn phải biết vận động khéo léo để tuyên truyền, giải thích cho người dân về tác hại của việc tự chữa bệnh qua những hủ tục. Và quan trọng nhất, bác sĩ phải thật sự quan tâm đến đồng bào, có trách nhiệm, mới được tin tưởng.

Dân tộc Chứt được phát hiện từ những năm 50-60 của thế kỷ trước. Nhưng do tập quán di canh di cư cho nên họ không chịu ra khỏi rừng để sống ổn định. Năm 1991, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Đồn Biên phòng 575 ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên giới còn có trách nhiệm hỗ trợ giúp đồng bào dân tộc Chứt ổn định cuộc sống. Thời gian đó, vào được đến đồn, cách duy nhất để định hướng là men theo dòng suối, đi miết mải cả ngày trời. Lương thực, thực phẩm rất thiếu thốn, suốt ngày phải ăn rau rừng, cá suối. Hằng tháng, một vài chiến sĩ lại lặn lội xuống dưới xuôi, gùi thịt, cá lên đồn để muối ăn dần. Những miếng thịt muối trong veo, mặn đắng là nguồn đạm cải thiện duy nhất. Sống trong chốn rừng thiêng nước độc, chiến sĩ nào cũng đã trải qua một vài cơn sốt rét. Có đợt cả đơn vị sốt rét, không ai chăm sóc được ai. Số thuốc mang vào cũng san sẻ gần hết cho dân bản.

Ngày đó, do tập tục và cuộc sống thiếu ổn định, bà con dân tộc Chứt đang phải đối mặt với nỗi lo hôn nhân cận huyết. Người ở bản ít ỏi, hầu hết cùng huyết thống, lại sống tách bạch với cuộc sống bên ngoài. Chuyện người trong bản có cùng huyết thống yêu nhau cũng không phải là hiếm. Chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng phải thường xuyên vào từng nhà tuyên truyền, vận động thanh niên của bản phải đi tìm vợ, tìm chồng ở các dân tộc chung quanh, nhất là dân tộc Chứt, dân tộc Rục ở Quảng Bình. Thậm chí, cách đây nhiều năm, một đôi nam nữ là con chú, con bác nhưng đem lòng yêu nhau. Để tránh tình trạng hôn nhân cận huyết, lực lượng biên phòng đã cùng gia đình bí mật đưa cô gái sang vùng khác để sống và làm ăn. Đôi uyên ương xa nhau lâu rồi cũng quên được nhau. Thượng tá Nguyễn Văn Sâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 575 chia sẻ, lực lượng biên phòng thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu giữa đồng bào Chứt ở đây với đồng bào Mã Liềng, đồng bào Rục… ở những địa phương khác để làm cầu nối cho các đôi bạn trẻ. Từ những buổi tiếp xúc đó, nhiều cặp đôi đã tìm hiểu nhau và nảy sinh tình cảm, rồi tính đến chuyện trăm năm. Bộ đội Biên phòng lúc đó sẽ tham mưu, phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ gần như toàn bộ kinh phí để gia đình các đôi trẻ làm đám cưới. Đám cưới nào cũng vui vẻ, rôm rả. Anh em biên phòng xắn tay giúp đỡ từ đám hỏi, dạm ngõ cho đến làm chủ hôn trong đám cưới.

Chúng tôi chia tay Rào Tre vào chiều muộn, cũng là lúc đồng bào dân tộc Chứt vừa đi rừng, làm nương, làm rẫy về. Nhiều người vẫy tay chào. Có người còn đến hỏi chuyện, khác hẳn với ánh mắt lạ lẫm, dò xét của họ khi tôi vào đây hơn 10 năm trước. “Đồng bào vẫn cần một nghề gì đó để ổn định, phát triển sản xuất bền vững hơn, ít phụ thuộc vào ruộng vườn, nương rẫy. Trước đây, chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng đã đưa mô hình sản xuất mây tre đan về đây để hướng dẫn đồng bào làm, nhưng không hiệu quả. Vì vậy, cũng cần một hướng đi mới, để không chỉ tính chuyện Rào Tre của ngày hôm nay, mà có thể tính chuyện Rào Tre của tương lai…”, Thiếu tá Nguyễn Văn Thiên chia sẻ.