Hướng đến kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam và 75 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” sẽ chính thức khai mạc vào ngày 16-11. Tuy nhiên, từ đầu tháng nay, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tấp nập du khách đến tham quan, vãn cảnh, tìm hiểu và trải nghiệm các hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc dân tộc, vùng miền. Đặc biệt vào hai ngày cuối tuần trong tháng, với nhiều hoạt động điểm nhấn hấp dẫn, lượng du khách về làng đông hơn khiến “ngôi nhà chung” - biểu tượng cho sự đoàn kết các dân tộc trở nên rộn ràng, ấm áp.
Dưới ánh nắng vàng những ngày đầu đông, tại không gian các làng dân tộc Tày, Dao, H’Mông, Nùng, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Khmer Nam Bộ… thấp thoáng sắc màu những bộ trang phục đặc trưng của hơn 100 đồng bào từ 16 dân tộc anh em, vừa tái hiện cuộc sống đời thường, vừa cùng tham gia trình diễn các điệu dân vũ, dân ca, hướng dẫn du khách trải nghiệm các trò chơi dân gian như kéo co, ném còn, đi cà kheo, nhảy sạp… Văng vẳng tiếng đàn tính, đàn then, khèn môi của dân tộc Tày, Nùng, H’Mông khiến không khí ở làng rộn ràng như đón Xuân mới. Khu vực thung lũng hoa tam giác mạch của vùng núi đá Hà Giang trở thành sân khấu thực cảnh, tái hiện cuộc sống đồng bào dân tộc H’Mông nơi cao nguyên đá với câu chuyện tình Khâu Vai được đặt cạnh cụm cảnh sắc Tây Nguyên như gắn kết sức mạnh, vừa thể hiện nội lực vừa tạo thành khối không gian vững mạnh. Nằm cạnh nhau, làng dân tộc Thái có nét tương đồng với đồng bào Khơ Mú qua nét ẩm thực được chế biến công phu, từ nguyên liệu bản địa tự nhiên, đặc sắc như xôi mầu, thịt trâu hun khói, măng chua... Không cần đi đâu xa, du khách có thể được trải nghiệm và cảm nhận được đất và người Tây Nguyên giữa lòng Hà Nội, với các phần trình diễn văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng.
Để tăng thêm các sự kiện cho du khách tham dự dịp cuối tuần, chương trình nghệ thuật “Huyền thoại hoa của đá” mang đến nhiều tiết mục về quê hương, đất nước, các bài hát ca ngợi truyền thống dân tộc anh em qua sự tham gia trình bày của sinh viên Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Việt Bắc và đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó, gần 40 bức ảnh về cao nguyên đá Hà Giang, về cuộc sống và con người nơi đây trong trưng bày giới thiệu ảnh “Sắc hồng cao nguyên” giúp du khách có những cảm nhận về vùng đất và con người Hà Giang.
Hoạt động điểm nhấn trong tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2020” từ ngày 16 đến 23-11 là triển lãm ảnh với chủ đề “90 năm một chặng đường vẻ vang của MTTQ Việt Nam” và “Sắc màu di sản văn hóa”, trình diễn không gian Đờn ca tài tử, giới thiệu ẩm thực Nam Bộ, giao lưu văn hóa, quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nghề truyền thống, hoạt động thể thao, thi đấu võ thuật cổ truyền vừa thể hiện sự đa dạng về văn hóa, vừa hội tụ sức mạnh toàn dân tộc. “Ngôi nhà chung” không chỉ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị qua các chương trình du lịch trải nghiệm, làm bánh, trò chơi dân gian, hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer Nam Bộ, tháp Chăm, qua đó còn giúp du khách có thêm hiểu biết, trải nghiệm về đặc trưng văn hóa, hiểu thêm về sự liên kết của khối đại đoàn kết 54 dân tộc anh em, đây cũng chính là cội nguồn sức mạnh dân tộc Việt Nam.
Với chủ đề “Đại đoàn kết - Cội nguồn dân tộc”, các hoạt động tại Làng trong tháng 11 sẽ mang đến không gian thưởng thức văn hóa đa dạng của 54 dân tộc anh em, tạo điểm đến thu hút khách du lịch và góp phần củng cố truyền thống gắn bó, sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau, tôn vinh và khích lệ tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam cũng như các giá trị di sản văn hóa Việt Nam.