Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới (3-3) được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thế giới động vật, thực vật hoang dã, từ đó góp phần bảo tồn nền tảng đa dạng sinh học.
Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới năm nay có chủ đề: "Rừng và Sinh kế: Duy trì con người và hành tinh", như một cách để nêu bật vai trò trung tâm của rừng, các loài rừng và các dịch vụ của hệ sinh thái trong việc duy trì sinh kế của hàng trăm triệu người trên toàn cầu, và đặc biệt của các cộng đồng bản địa và địa phương có mối quan hệ lịch sử với rừng và các khu vực giáp ranh với rừng.
Điều này phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc và các cam kết trên phạm vi rộng của các quốc gia về xóa đói giảm nghèo, bảo đảm sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo tồn sự sống trên mặt đất.
Trái đất là nơi sinh sống của vô số loài, và mỗi loài đều đóng một vai trò quan trọng trong việc cân bằng môi trường. Động, thực vật hoang dã có thể được tìm thấy trong tất cả các hệ sinh thái, sa mạc, rừng nhiệt đới, đồng bằng và các khu vực khác.
Theo báo cáo của Wildlifeday.org, khoảng 200 đến 350 triệu người sống trong hoặc gần các khu vực có rừng ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, những người phụ thuộc vào các dịch vụ hệ sinh thái khác nhau do rừng cung cấp.
Điều quan trọng nhất là con người nhận ra tầm quan trọng của việc các loài khác nhau và môi trường sống tự nhiên của chúng tồn tại, để cuối cùng chúng có thể sống an toàn cùng con người.
Tàn phá thiên nhiên và tận diệt động vật hoang dã đang đe dọa tới hành tinh và cuộc sống của chúng ta. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cho thấy mối liên hệ giữa việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã với nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Theo đó, khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm trong 30 năm qua có nguồn gốc lây lan từ động vật sang người, bao gồm HIV/AIDS, cúm gia cầm, cúm lợn, SARS, Ebola, MERS và hiện nay nhiều khả năng là cả đại dịch Covid-19.
Nhân ngày này, UNESCO đã kêu gọi bảo vệ các khu rừng Di sản Thế giới của UNESCO bao gồm nhiều diện tích rừng ở tất cả các vùng khí hậu khác nhau (rừng khoan, rừng ôn đới, rừng cận nhiệt đới và đất gỗ, rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn). Với quy mô những di sản rừng chỉ từ 18 ha (Khu bảo tồn thiên nhiên Vallée de Mai, ở Seychelles), đến rừng 5,8 triệu ha (Khu phức hợp Bảo tồn Trung tâm Amazon ở Brazil), các khu rừng Di sản Thế giới có tổng diện tích bề mặt hơn 75 triệu ha, và chiếm hơn 13% tất cả các khu rừng được bảo vệ từ cấp I-IV của IUCN trên toàn thế giới.
Ngoài ra, danh sách còn bao gồm các khu rừng có nhiều loài động vật rừng mang tính biểu tượng nhất trên thế giới. Thí dụ, Khu bảo tồn Động vật hoang dã Okapi chiếm khoảng 1/5 diện tích rừng Ituri ở phía đông bắc Cộng hòa Dân chủ Congo. Lưu vực sông Congo, trong đó có khu bảo tồn và rừng (bao gồm Vườn quốc gia Salonga, Cộng hòa Dân chủ Congo), là một trong những hệ thống thoát nước lớn nhất ở châu Phi. Khu bảo tồn có các loài linh trưởng và chim đang bị đe dọa và khoảng 5.000 trong số 30.000 chim Okapi ước tính còn sống trong tự nhiên.
Ở phía tây nam Uganda, nơi giao nhau giữa đồng bằng và rừng núi, Vườn quốc gia bất khả xâm phạm Bwindicó diện tích 32.000 ha và được biết đến với sự đa dạng sinh học đặc biệt bao gồm cả loài khỉ đột núi cuối cùng còn sót lại trên thế giới. Các địa điểm Công viên Quốc gia Bwindi, Virunga và Công viên Quốc gia Kahuzi-Biega cùng nhau nắm giữ gần như toàn bộ quần thể Khỉ đột phương Đông.
Các khu rừng trong Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO thường là những khu rừng còn lại nguyên vẹn và lớn nhất, chúng cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng ở quy mô toàn cầu, bao gồm cả các bể chứa carbon. Các khu rừng Di sản Thế giới cũng là chìa khóa để duy trì con người trên hành tinh, đó là lý do tại sao chúng ta cần bảo đảm rằng nhiều khu rừng trong số này cần được bảo vệ khỏi các mối đe dọa ngày càng tăng.
Rừng, các loài động, thực vật rừng và các sinh kế phụ thuộc vào chúng hiện đang đứng trước ngã tư của nhiều cuộc khủng hoảng hành tinh mà chúng ta đang phải đối mặt, từ biến đổi khí hậu, nạn phá rừng đến mất đa dạng sinh học và sức khỏe, tác động xã hội và kinh tế của đại dịch Covid-19. Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO cùng với một số đối tác đang làm việc không mệt mỏi để bảo vệ các khu rừng.
Nhân Ngày Động, thực vật hoang dã Thế giới hôm nay, UNESCO kêu gọi thể hiện tầm quan trọng của sinh kế dựa vào rừng và tìm cách thúc đẩy các mô hình và thực hành quản lý rừng và động vật hoang dã rừng phù hợp với cả con người và bảo tồn lâu dài rừng, các loài động, thực vật hoang dã sống trong rừng và các hệ sinh thái mà chúng duy trì, đồng thời phát huy giá trị của các thực hành và kiến thức truyền thống góp phần thiết lập mối quan hệ bền vững hơn với các hệ thống tự nhiên quan trọng này.
Ngày 20-12-2013, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố ngày 3-3 là Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới của Liên hợp quốc để kỷ niệm và nâng cao nhận thức về động vật và thực vật trên hành tinh của chúng ta.
Trong nghị quyết của mình, Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ động thực vật và tái khẳng định giá trị nội tại và những đóng góp khác nhau của động vật hoang dã.
Liên hợp quốc tuyên bố rằng Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới là để giúp mọi người nhận thức và cập nhật về sự thay đổi tự nhiên của thế giới và các loài động thực vật đang bị đe dọa liên tục bởi các hoạt động của con người.
Ngày nay, ngày này đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng nhất đối với loài hoang dã.
Một số chủ đề Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới của các năm trước: "Duy trì mọi sự sống trên trái đất" (2020), "Cuộc sống dưới nước: vì con người và hành tinh" (2019), "Mèo lớn - những kẻ săn mồi đang bị đe dọa" (2018), "Lắng nghe tiếng nói trẻ thơ "(2017).