Năm 2020, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các sự kiện chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ bảy (từ ngày 19-4 đến 10-6) và triển lãm sách kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ ngày 19-5 đến 30-5) đều được tổ chức theo hình thức trực tuyến, thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Đây không chỉ là giải pháp tình thế nhằm ứng phó dịch bệnh mà còn là dấu ấn của xu hướng công nghệ, góp phần tăng kết nối giữa tác giả, tác phẩm với bạn đọc và tạo điều kiện thuận lợi để ngành xuất bản thực hiện quá trình chuyển đổi số.
Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, một hội sách trực tuyến có quy mô quốc gia thu hút hơn 10.000 ấn phẩm đến từ nhiều đơn vị trong cả nước; gần 20 cuộc tọa đàm với các nhà văn, nhà thơ, diễn giả tên tuổi thuộc nhiều lĩnh vực; khoảng hai triệu lượt xem; hơn 10.000 lượt tương tác mua, bán... Bên cạnh tín hiệu đáng mừng, vẫn còn những hạn chế trong quá trình vận hành chuyển đổi số. Về kết quả, mức doanh thu khoảng một tỷ đồng là chưa cao, chưa tương xứng với quy mô ngày hội sách quốc gia. So sánh doanh thu này với một vài hội sách như: Hội sách thực địa tại phố đi bộ Nguyễn Huệ ở TP Hồ Chí Minh dịp đầu năm 2020, doanh thu hội sách trực tuyến chỉ bằng khoảng một phần ba; hội sách trực tuyến của Thái-lan với gần 150 nhà xuất bản tham gia, doanh thu ở Việt Nam chỉ bằng một phần mười nước bạn. Chưa nói, các hội sách trực tuyến trong nước gần như miễn phí hoàn toàn cho các đơn vị tham gia, còn ở các nước trong khu vực, các đơn vị phải trả phí xây dựng nền tảng hội chợ. Về hình thức, bất cập phổ biến mà ngành xuất bản phải đối diện khi chuyển đổi số là khâu tổ chức, vận hành yếu kém, lúng túng. Hầu hết các đơn vị xuất bản, kinh doanh sách chưa có sẵn, có đủ trang thiết bị và nhân sự vận hành nền tảng số, vì vậy thời gian triển khai hội sách trong khoảng một tháng bỗng trở thành sức ép, gánh nặng. Khó khăn đó dẫn tới thực trạng, nhiều giao diện không tương thích, không vận hành được; nhiều thông tin, nội dung bị sai lệch, khó tra cứu; quá trình phát hành trực tuyến xảy ra sai sót; các cuộc tọa đàm, hội thảo gián đoạn về in-tơ-nét, kỹ thuật… Bên cạnh đó, vẫn còn trường hợp không ít đơn vị chưa hào hứng tham gia các sự kiện trực tuyến vì nghi ngờ tính hiệu quả và do nhân lực còn hạn chế.
Tính đến hết tháng 12-2020, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã cấp phép cho 12 đơn vị tham gia xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử. Một số nhà xuất bản đã nhập cuộc thị trường sách điện tử với những bước đi đầy triển vọng, như các nhà xuất bản: Trẻ, Kim Đồng, Tổng hợp TP Hồ Chí Minh…; đồng thời xuất hiện thêm những nhà xuất bản mới giàu tham vọng qua việc đầu tư chiều sâu, từng bước tạo dựng hệ sinh thái số cho mình như Nhà xuất bản Xây dựng. Chuyển đổi số trong xuất bản không đơn thuần là việc số hóa dữ liệu, đó còn là quá trình chuyển đổi sản phẩm thành giá trị mới, đem đến hiệu quả mới. Theo đánh giá từ các chuyên gia công nghệ, chúng ta có đầy đủ nền tảng để ngành xuất bản tự tin chuyển đổi số. Bởi Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ thông tin nhanh. Đến tháng 1-2020, có 68,17 triệu người (chiếm 70% dân số) đang sử dụng in-tơ-nét với hơn 145,8 triệu kết nối mạng dữ liệu di động. Cuối năm 2019, Việt Nam lọt vào tốp 15 thị trường có số lượng người dùng điện thoại thông minh cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, cơ chế khuyến khích chuyển đổi số ngày càng hoàn thiện. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã thể hiện ý chí mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, xác định tận dụng cơ hội này để vươn lên bắt kịp với thế giới trong một số ngành, lĩnh vực. Hiện thực hóa chủ trương này, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17-4-2020 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW. Tiếp đó, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo các chuyên gia, những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng chậm trễ trong chuyển đổi số của ngành xuất bản gồm: Thiếu kinh phí đầu tư, trình độ nhân lực hạn chế, tư duy thụ động, khâu kết nối với các lĩnh vực khác còn yếu kém… Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử chưa được ngăn chặn hiệu quả, trở thành mối lo ngại cho nhiều đơn vị muốn phát triển xuất bản điện tử.
Thời gian tới, hàng loạt các sự kiện lớn của ngành xuất bản sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến, song, nhìn chung, sau một năm tập dượt, nền tảng chuyển đổi số ở các đơn vị xuất bản, kinh doanh sách vẫn chưa thật sự bứt phá. Để nâng cao hiệu quả, ngành xuất bản cần có những giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực mang tính đặc thù nhằm tăng cường năng lực của các đơn vị xuất bản, in và phát hành; nâng cao chất lượng chuyển đổi số theo hướng đồng bộ; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành, đồng thời phối hợp các doanh nghiệp ngoài ngành để phát triển phần mềm hỗ trợ công tác vận hành quy trình chuyển đổi số, từng bước tiến tới thí điểm xây dựng mô hình nhà xuất bản số theo chuẩn quốc tế. Đáng chú ý, cần xây dựng đội ngũ quản lý chuyên ngành có năng lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp vận hành quá trình chuyển đổi số.