Công nhân nghỉ việc, nông dân chuyển đổi đất mía
Mấy niên vụ trở lại đây, nông dân trồng cây mía nguyên liệu cho Nhà máy đường Nông Cống dần chuyển đất chuyên canh lúa sang trồng các loại cây trồng khác. Ở xã Công Liêm, hơn 100 ha chuyên trồng cây mía đường được nông dân chuyển sang trồng các loại cây keo, sắn, riềng.
Nguyên nhân là do lợi nhuận thấp, nhà máy giảm đầu tư ứng trước, nông hộ dần chuyển diện tích mía sang trồng cây trồng khác.
Gia đình anh Nguyễn Công Trình ở thôn Cự Phú từng trồng 13 ha mía nhưng chỉ cày sâu, bón vôi bằng máy còn trực tiếp làm và thuê thêm nhân công trồng, chăm sóc, thu hoạch mía. Chi phí nhân công chiếm tới 50% tổng mức đầu tư cho mỗi ha mía và nhiều chuyến anh không thể theo xe vận chuyển mía lên nhà máy chờ cả đêm để nhập mía, thành thử sản lượng mía hao hụt, thất thoát. Thuê máy làm đất, đầu tư phân bón lót, bón thúc, phun thuốc trừ rệp, bóc lá mía ba lần trong năm nhưng năng suất mía trung bình chỉ đạt 55 tấn/ha, rồi tăng lên 60 tấn/ha. Những năm nhà máy thu mua mía giá 900 nghìn đồng đến một triệu đồng/tấn, người trồng mía còn có lãi, nhưng có niên vụ nhà máy mua giá 750 nghìn đồng/tấn, nông hộ lấy công làm lãi là chủ yếu. Theo đó, gia đình anh dần chuyển hơn 10 ha đất trồng mía sang trồng keo và riềng bởi hai loài cây này dễ trồng, chi phí đầu tư, chăm sóc thấp nhưng hiện giá bán riềng cho thu nhập 100 triệu đồng/ha, cây keo đạt lợi nhuận 20 triệu đồng/ha/năm.
Được biết, sau cổ phần hóa, thoái hoàn toàn vốn nhà nước, Nhà máy đường Nông Cống thuộc sở hữu của Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn (Lasuco), rồi tiếp tục chuyển nhượng quyền sở hữu cho đơn vị khác. Doanh nghiệp chỉ đầu tư bón lót, bón thúc, thu mua nguyên liệu theo chữ đường, duy trì hết vụ ép 2018-2019 rồi dừng hoạt động từ đầu năm đến nay. Nhiều lao động được thỏa thuận nghỉ việc không lương hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, tìm việc làm khác.
Vợ chồng anh Lê Trọng Phương, Nguyễn Thị Nhung ở thôn Vạn Thành, xã Thăng Long gắn bó với nhà máy đường Nông Cống đã 20 năm, giờ thỏa thuận nghỉ việc, anh làm hồ sơ được hưởng trợ cấp thất nghiệp 2,4 triệu đồng/tháng trong thời gian 11 tháng. Chị Nhung may mắn xin được việc làm tại Công ty giày da Kim Việt, đạt thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội. Hiện anh Phương lo phần việc chăm sóc, đưa con đi học, cố gắng tìm kiếm việc làm theo thời vụ bởi đã 46 tuổi, rất khó xin việc làm thường xuyên.
Nhà máy đường Nông Cống ngừng hoạt động, hàng trăm lao động mất việc làm thật sự gây đảo lộn, hụt hẫng trong mỗi gia đình công nhân viên chức, người trồng cây mía nguyên liệu. Gia đình ông Nguyễn Đức Thuận ở cùng thôn từng có 22 xe ô-tô IFA làm dịch vụ vận tải, tham gia vận chuyển mía nguyên liệu cho nhà máy, giờ bán bớt phương tiện, chỉ giữ lại hai đầu xe chở nguyên liệu cho gia đình và khách hàng có nhu cầu. Gần 18 ha chuyên trồng mía, gia đình ông chuyển sang trồng sắn, chỉ còn giữ 6 ha mía lưu gốc, trong đó có hơn 3 ha mía trồng trên đất nhận thầu của xã Thăng Long, huyện Nông Cống.
Bí thư Đảng ủy xã Thăng Long Nguyễn Xuân Khanh trao đổi: Quan điểm của cấp ủy, chính quyền xã là vẫn giữ 240 ha mía nguyên liệu nhưng nhà máy dừng hoạt động, nông dân không còn “mặn mà” với cây mía, giảm đầu tư thâm canh, thậm chí có hộ không đầu tư, chăm sóc nên cây mía phát triển chậm, năng suất mía, chữ đường đạt thấp. Công nhân, người người lao động gắn bó với nhà máy hiện không có việc làm, đảng ủy xã mới tiếp nhận hơn 50 đảng viên chuyển sinh hoạt về đảng bộ, chi bộ nông thôn. Người trồng mía đề xuất chuyển diện tích chuyên canh mía sang trồng cây khác và cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục nghiên cứu định hướng chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng có tiềm năng cho năng suất cao, gia tăng giá trị trên ha canh tác. Tại thời điểm này, Lasuco đầu tư ứng trước để thâm canh 450 ha mía khu vực này và cam kết thu mua mía nguyên liệu cho nông dân.
Vùng nguyên liệu giảm, tiêu thụ đường đứt gãy
Cây mía là cây xóa đói, giảm nghèo, đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ nông dân ở Thanh Hóa. Nhưng một thời gian dài cây mía đứng chân trên đồi, núi thấp, phân bố phân tán, diện tích bé nên đất bị rửa trôi, dần bạc màu, năng suất thu hoạch thấp.
Cùng với việc vận động nông dân đổi điền, dồn thửa, khuyến kích tích tụ, tập trung đất đai, tăng cường đầu tư thâm canh mía nhằm chuyển diện tích mía đứng chân trên đất dốc hơn 15 độ sang trồng cây lâm nghiệp, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa thực hiện chuyển đối cơ cấu cây trồng linh hoạt theo hướng nâng cao giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác. Hiện bình quân nông hộ bố trí 0,97 ha đất trồng mía; có gần 3.000 ha chuyên canh mía chuyển sang trồng sắn, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây thức ăn chăn nuôi, rau màu và ngược lại có 650 ha đất chuyên trồng lúa, rau màu, cây lâm nghiệp chuyển sang trồng mía.
Huyện Thọ Xuân từng trồng tới 3.000 ha mía nguyên liệu ở 27 xã, thị trấn; giờ vùng nguyên liệu được quy hoạch tập trung chủ yếu ở 12 xã vùng đồi chung quanh nhà máy đường Lam Sơn với diện tích 2.027 ha, trong đó có gần 700 ha mía của Công ty TNHH hai thành viên Lam Sơn-Sao Vàng. Huyện có chính sách khuyến kích 27 hợp tác xã tích tụ đất đai, vận động nhân dân đổi điền, dồn thửa và có 26 hợp tác xã đã tạo quỹ đất tập trung thâm canh mía. Theo đó năng suất mía bình quân đạt 65 tấn/ha, riêng cây mía đứng chân trên đất bãi cho năng suất 70-80 tấn/ha, có thời điểm từng đạt hơn 100 tấn/ha. Dẫu vậy, niên vụ này nắng hạn kéo dài, có nông hộ bị chết tới 4 ha mía và giá thu mua mía nguyên liệu giảm khiến người trồng mía không vui.
Anh Nguyễn Văn Sáu ở thôn Tân Thành, xã Thọ Hải trồng 16 ha mía ở ngoại đê sông Chu bộc bạch: Diện tích mía của gia đình anh đạt năng suất 85-90 tấn/ha và niên vụ qua lợi nhuận không đáng kể bởi giá thu mua mía nguyên liệu chỉ đạt 750 nghìn đồng/tấn trong khi chi phí đầu tư, giá thuê nhân công tăng cao; người trồng mía không được giám sát khâu đánh giá chữ đường, trừ tỷ lệ tạp chất.
Ông Lê Thanh Toại ở Phấn Thôn cùng xã Thọ Hải từng vươn tới huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An thuê 16,5 ha đất trồng mía trong thời kỳ “cây mía vàng lên ngôi”, giờ thâm canh 4,5 ha mía trên đất bãi sông cho hay: Năng suất vụ này đạt hơn 80 tấn/ha, nhà máy thông báo mua 900 nghìn đồng/tấn mía có chữ đường 10CCS, người trồng mía sẽ lãi gần 30 triệu đồng/ha. Tuy nhiên bộ phận thu mua còn trừ tạp chất, không phải xe mía nào cũng đạt chữ đường nêu trên và với giá thu mua mía nguyên liệu bình quân chỉ đạt 750 nghìn đồng/tấn như niên vụ vừa qua, thì hạch toán người trồng mía “lấy công làm lãi” là chủ yếu.
Cơ quan chuyên môn phân tích, niên vụ 2018-2019 mức chi phí sản xuất là 44,15 triệu/ha, năng suất đạt 60,9 tấn/ha, với giá thu mua mía từ 750-800 nghìn đồng/tấn, doanh thu từ mỗi ha mía gần tương đương giá thành, nên lợi nhuận bình quân chỉ đạt 920 nghìn đồng/ha, thấp hơn cùng kỳ 16 triệu đồng/ha lợi nhuận. Người trồng mía lấy công làm lãi là chủ yếu và với mức lợi nhuận này tác động lớn đến tâm lý người trồng mía cũng như doanh nghiệp. Theo quy hoạch đến năm 2020 toàn tỉnh có gần 26 nghìn ha mía nhưng thực tế vùng nguyên liệu mía giảm nhanh. Niên vụ 2018-2019, nông dân trong tỉnh Thanh Hóa trồng được 24.762 ha mía, đạt 90% kế hoạch, đến niên vụ 2019-2020 diện tích giảm xuống còn 22.426 ha, đạt 87% kế hoạch. Qua tổng hợp của bộ phận chuyên môn, niên vụ này nông dân, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa chỉ trồng được khoảng 17 nghìn ha mía, giảm hơn 5.000 ha so với cùng kỳ.
Tổng Giám đốc Lasuco Lê Văn Tân cho biết: Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hầu hết các đơn vị sản xuất, thương mại có sử dụng nguyên liệu và kinh doanh đường đều giảm sản lượng mua hàng. Hàng xuất sang thị trường Trung Quốc, Singapore bị lùi thời gian giao hàng, tăng chi phí lưu kho, thậm chí bị hủy đơn hàng xuất bán 3.000 tấn đường cho khách hàng Trung Quốc. Có thời điểm, các loại đường tồn kho gần 40 nghìn tấn, chiếm hơn 80% sản lượng sản xuất. Dòng tiền cạn kiệt, tổng nợ vay ngân hàng và các nhà cung cấp lên tới 445 tỷ đồng. Từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay, nắng nóng gay gắt kéo dài trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khiến cây mía sinh trưởng, phát triển chậm, không vươn lóng, làm giảm năng suất, sản lượng, chất lượng mía. Thu nhập của người trồng mía thấp, người dân không mạnh dạn đầu tư chăm sóc mía, nhiều hộ chuyển đất mía sang trồng keo nhằm giảm thuê lao động, chi phí sản xuất. Hiện công ty cố gắng đa dạng hóa sản phẩm đầu ra, đầu tư mở rộng thêm các sản mới để tìm kiếm nguồn thu, bảo đảm duy trì hoạt động. Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này nhưng doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng còn rất hạn chế. Lasuco kiến nghị các ngân hàng tạo điều kiện duy trì, tăng thêm hạn mức tín dụng, cơ cấu lại nợ vay, cho Lasuco vay theo lãi suất ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nỗ lực từ nhiều phía
Lường trước những thách thức đặt ra trên tiến trình hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới, nhiều năm qua Lasuco nỗ lực làm mới cây mía, hạt đường Lam Sơn; các doanh nghiệp sản xuất đường phát triển thêm các sản phẩm bên đường, sau đường như sản xuất phân bón, điện từ bã mía, men sinh học, nước dinh dưỡng tế bào mía...
Hiện các nhà máy đường ở Thanh Hóa tái sử dụng phụ phẩm sau chế biến đường để sản xuất được 65.256.300 KW điện từ bã mía, đáp ứng 40% nhu cầu điện sử dụng tại nhà máy còn lại bán điện, cung ứng điện năng lên lưới điện quốc gia và nhà máy đường Lam Sơn đã sản xuất được 32 nghìn tấn phân hữu cơ vi sinh từ bã bùn mía và tro lò.
Hằng năm các công ty mía đường đầu tư 307 tỷ phát triển vùng mía nguyên liệu thông qua các hình thức: đầu tư ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện chính sách thu mua bọ hung hại mía, hỗ trợ trồng giống mới, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi đất lúa sang trồng mía, làm đường vận chuyển; hỗ trợ vốn mua thiết bị tưới nước, sắm máy thực hiện cơ giới hóa quy trình thâm canh mía nguyên liệu; thưởng cho các địa phương, hộ trồng mía có diện tích, năng suất mía vượt kế hoạch.
Nhiều năm qua tỉnh Thanh Hóa ban hành, thực thi chính sách hỗ trợ chọn tạo, nhân giống mía nuôi cấy mô; hỗ trợ 25% giá thành đối với doanh nghiệp, cá nhân mua máy thu hoạch mía; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng vùng mía có tưới mức 15 triệu đồng/ha.
Theo đó có 8,5 triệu giống mía nuôi cấy mô đã được trồng hơn 6.000 ha. Riêng Lasuco sản xuất được giống mía LS1 và LS2, đầu tư tám máy thu hoạch mía, trong đó có sáu máy tiếp cận chính sách hỗ trợ; toàn tỉnh có hơn 4.000 ha mía thâm canh, trong đó 3.539 ha mía có tưới.
Dù vậy, cây mía đứng chân trên đất dốc cao còn chiếm tỷ lệ 13% tổng diện tích, đầu tư phát triển mía nguyên liệu chưa được quan tâm đúng mức, gắn kết giữa người trồng mía và cơ sở chế biến thiếu bền vững. Cơ giới hóa đạt 93% khâu làm đất nhưng diện tích cày sâu, bón vôi để trồng mía mới đạt 20% diện tích; trồng mía bằng máy đạt 4,9%, chăm sóc đạt 12%, thu hoạch đạt 4% và tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ mới đạt 3% tổng diện tích vùng mía nguyên liệu. Chi phí thuê nhân công khâu thu hoạch chiếm tỷ trọng 15-20% tổng mức đầu tư cho mỗi ha mía và kéo dài thời gian thu hoạch ảnh hưởng đến hiệu quả, kế hoạch sản xuất.
Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa Vũ Quang Trung trao đổi: Tỉnh khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để hình thành cánh đồng lớn, thuận lợi cho cơ giới hóa đồng bộ và đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thực tế cho thấy ở đâu cây mía được tưới, năng suất tăng 30-40%, do vậy cần tăng cường khâu tưới mía, tiếp tục chuyển đất trồng cây khác hiệu quả thấp sang trồng mía, giảm dần diện tích mía trên đồi cao; rà soát, bổ sung chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư chiều sâu, sản xuất sản phẩm phụ sau đường, hỗ trợ phát triển các hình thức kinh tế hợp tác ở vùng mía. Cơ quan chuyên môn đang đánh giá, đề nghị bổ sung, kéo dài các chính sách; triển khai đồng bộ các biện pháp thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Cụ thể, đẩy mạnh nhân giống mía nuôi cấy mô, cung cấp giống sạch bệnh cho sản xuất đại trà, bảo đảm 80% diện tích trồng giống mía mới cho năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện đất đai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phấn đấu cơ giới hóa toàn bộ khâu làm đất, bảo đảm làm đất sâu 40-50 cm, mở rộng cơ giới hóa khâu chăm sóc mía; tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, phòng trừ, quản lý dịch bệnh; nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến như: cơ giới hóa đồng bộ, sử dụng phân tổng hợp, phân bón chuyên cho cây mía, các mô hình tưới mía, cày sâu bón vôi, luân canh cải tạo đất, xây dựng cánh đồng mía lớn.
Tỉnh Thanh Hóa cũng tập trung chỉ đạo xây dựng 15 nghìn ha vùng mía thâm canh có năng suất, chất lượng cao và cùng doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu bền vững, đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Bản thân doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư cải tiến công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tận thu phế phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất và điều tiết hài hòa quan hệ lợi ích giữa người trồng mía với doanh nghiệp sản xuất đường, các sản phẩm sau đường, bên đường cùng hệ thống phân phối, bán sản phẩm.
Cơ quan chức năng cùng tăng cường quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công, nhất là thực hiện giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện hợp đồng sản xuất, mua bán mía, bảo đảm an ninh trật tự trong thu mua, chế biến nguyên liệu mía, đồng thời tăng cường đấu tranh với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, tạo lập môi trường bình đẳng trong kinh doanh, phát triển ngành công nghiệp mía đường trong thời kỳ hội nhập, cùng phát triển.