Ngang nhiên chặt phá lim, san lấp rừng quốc gia Tam Đảo

NDO -

Thời gian vừa qua, hàng trăm cây lim trên rừng Phù Mây thuộc xã Đạo Trù và thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã bị chặt hạ hoặc bị bơm hóa chất làm chết khô. Trong khi các tổ chức liên quan đang đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, thì thủ phạm gây ra vụ việc vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Những cây lim chết khô do bị đầu độc.
Những cây lim chết khô do bị đầu độc.

Triệt hạ cây bằng nhiều thủ đoạn

Theo chân những người nông dân chân chất lên núi Phù Mây vào một ngày nắng nóng, càng đi chúng tôi càng cảm nhận rõ sức tàn phá rừng lim nơi đây. Rừng khá dầy với nhiều tầng thực vật, những thân cây to lớn vượt lên là đều là loại lim quý hiếm. Nhiều cây có tuổi đời hàng trăm năm, đường kính to hai người ôm mới xuể. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những cây lim chết khô, có cây bị chặt trụi cành lá, giơ những cánh tay khô khốc lên bầu trời như kêu cứu.

Gạt những bụi cây rậm rạp sang một bên, chúng tôi phát hiện nhiều gốc lim bị cưa ngang. Những cành lim đường kính 20-30cm nằm ngổn ngang, mùn cưa còn mới. Có cả những gốc lim bị đốt cháy nham nhở để xóa dấu vết mới bị cưa. Một người dân địa phương bảo: Lim bị triệt hạ bằng đủ mọi thủ đoạn, từ cưa gốc, chặt cành, khoan lỗ tiêm hóa chất, chặt đứt rễ chính. Có cây bị chúng khoét sâu vào thân rồi đốt từ trong. Thủ đoạn phổ biến nhất là lột vỏ quanh gốc lim để cây chết từ từ một cách đau đớn.

Anh Chu Văn Hinh và những người dân đưa chúng tôi đi rừng kể: “Họ phá rừng chặt cây lúc nào chúng tôi đều biết. Tiếng máy cưa kêu to, tiếng cây lớn đổ ầm ầm. Mấy lần thấy họ chặt cây chúng tôi kéo lên, thế là họ bỏ chạy, để lại cả những đoạn dây buộc vào thân cây để kéo đổ”. Anh Hinh khẳng định: “Mỗi khi phát hiện chặt cây, chúng tôi đều báo với ủy ban xã, kiểm lâm, nhưng hoặc là họ kêu bận, hoặc là mãi mới đến. Chúng tôi gọi kiểm lâm mấy lần rồi nhưng không giải quyết được gì, do vậy người dân chúng tôi mới báo cáo lên tỉnh và nhờ cơ quan báo chí vào cuộc”. Người dân còn kể: Trước năm 2013 thời ông Đỗ Đình Tiến làm Giám đốc quốc gia Tam Đảo, rừng lim được bảo vệ tốt. Sau khi ông Tiến nghỉ người ta bắt đầu phá. Họ chặt triền miên, mỗi tháng một vài cây rồi dùng xích tời gỗ xuống núi.

Quan sát thực địa chúng tôi thấy trên núi vẫn còn nguyên nhiều vết bánh xe tải. Quanh chân núi cứ đi một đoạn lại thấy những cây lim lớn chết khô, cây nhỏ bị xới tung cả gốc do đào bới. Vườn quốc gia Tam Đảo đếm được tổng số 229 cây lim chết. Việc chặt phá lim diễn ra nhiều năm, nhưng ồ ạt trong 2 năm gần đây với mục đích là lấy gỗ, chiếm đất để xây dựng trái phép.

Ai chịu trách nhiệm?

Ông Lý Ngọc Một, Chủ tịch UBND xã Đạo Trù và ông Đàm Văn Nam là cán bộ địa chính – xây dựng của xã tham gia chuyến leo rừng cùng chúng tôi. Tại khu vực rừng bị chặt phá, những cán bộ xã khẳng định đã biết việc này nhưng cho rằng khu vực rừng lim thuộc quản lý của Vườn quốc gia Tam Đảo, không thuộc thẩm quyền của xã. Việc chặt phá lim xã nắm bắt được từ tháng 12/2021 nhưng việc xử lý và quản lý phần gỗ thuộc về Kiểm lâm tỉnh và Vườn quốc gia Tam Đảo.

Ông Lê Xuân Cường, một người dân được khoán bảo vệ rừng, kể: Vườn quốc gia giao rừng cho các hộ dân, trả tiền trông nom bảo vệ rừng từ năm 1997. Có mốc bê-tông hẳn hoi. Chúng tôi đánh số từng cây lim, chỉ trồng dứa dưới tán rừng thôi. Mấy năm gần đây họ không trả tiền khoán bảo vệ rừng thì người ta bắt đầu phá. Một số người dân sống gần khu rừng khẳng định, người phá rừng là người trong xã vì người ngoài xã không thể vào được rừng. Do đó phải làm rõ trách nhiệm của chủ rừng.

Bên cạnh đó, trong khu vực rừng lim có nhiều hộ tự ý xây dựng công trình, cải tạo đất. Tháng 9/2021, Đoàn Kiểm tra của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ ra những vi phạm rất nghiêm trọng tại khu vực này. Trong đó, khu vực rừng lim Phù Mây thuộc thôn Lục Liễu, xã Đạo Trù có diện tích 106,22ha. Người dân tự ý canh tác trên diện tích gần 1,2ha. Có 76 hộ dân trong thôn đang canh tác dưới tán rừng, trồng các loại cây bạch đàn, keo, cây dược liệu và cây ăn quả trên diện tích 102,26ha. Còn lại 23,8ha chưa xác định được người sử dụng.

Diện tích rừng lim thuộc thôn Sơn Đình và Đồng Lính, thị trấn Đại Đình rộng 188,13ha. Ngoài 3 hộ xây nhà kiên cố được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có 80 hộ gia đình và cá nhân xây dựng nhà ở, công trình phụ và trồng cây ăn quả không có giấy tờ hợp pháp. Hầu hết diện tích còn lại chưa xác định được tên chủ hộ canh tác dưới tán rừng.

Trong khu vực rừng lim, tại thôn Đồng Giếng có 1 ngôi nhà mới xây của ông Nguyễn Văn Xô. Ông Xô cho biết: Đất xây nhà trước đây là nương sắn. Nhà ông không có giấy phép xây dựng. Khi ông xây nhà năm 2019 cán bộ xã không hỏi han gì, kiểm lâm cũng không đến. Cũng tại thôn Đồng Giếng có một số hộ phân lô, bán nền, một số hộ xây dựng chuồng trại chăn nuôi nhưng chưa bị xử lý. Về vấn đề này, ông Năm, cán bộ địa chính – xây dựng xã Đạo Trù cho rằng: Kể cả việc lấn chiếm, vi phạm trong khu vực rừng thì Vườn quốc gia Tam Đảo phải chịu trách nhiệm. Xã báo cáo vi phạm cho Vườn quốc gia nhưng họ không xử lý.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vườn quốc gia Tam Đảo, diện tích đất rừng Phù Mây không thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo, mới quy hoạch vào diện tích của Vườn quốc gia, do đó cơ quan này không có thẩm quyền  quản lý, xử lý số lim chết và những cây lim khác. Phó Hạt trưởng Kiểm lâm Vườn quốc gia Nguyễn Đức Toàn cho biết: Khi phát hiện vi phạm về xây dựng trên rừng Phù Mây, Vườn quốc gia đã báo cáo cho các xã biết để xã xử lý. Trao đổi về trách nhiệm liên quan, ông Phạm Đình Hùng, Chi cục trưởng Kiểm lâm Vĩnh Phúc khẳng định: Vườn quốc gia là một chủ rừng và có trách nhiệm quản lý theo diện tích được quy hoạch cho Vườn.

Rõ ràng, rừng lim Phù Mây thuộc sự quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức song không ai đứng ra chịu trách nhiệm đối với 229 cây lim chết. Đất rừng vẫn bị đào bới, tạo lập các công trình trái phép. Vụ việc này cho thấy các cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.

Người dân mong muốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương cần thống nhất phương án quản lý rừng lim Phù Mây, phân định rõ đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất và đất ở nông thôn. Cần sớm làm rõ trách nhiệm quản lý của các cơ quan hữu quan trong vụ việc chặt phá rừng. Cơ quan chức năng cần khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án phá rừng lim, làm rõ đối tượng vi phạm và việc tiêu thụ hàng trăm mét khối gỗ lim trị giá nhiều tỷ đồng.