Ngân hàng Nhà nước cần sớm điều chỉnh Thông tư 01 giúp doanh nghiệp vượt khó

NDO -

Những diến biến mới của dịch Covid-19 trên thế giới cũng như trong nước đã khiến nhiều điểm trong Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) không còn phù hợp, đòi hỏi Ngân hàng nhà nước cần sớm gỡ khó cho doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ kép của Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu.

Trụ sở NHNN Việt Nam (Ảnh minh họa: NHNN)
Trụ sở NHNN Việt Nam (Ảnh minh họa: NHNN)

Còn nhiều khó khăn

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 diễn ra đâu tháng 7. Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến 29-6-2020 tín dụng tăng 3,26%.

Trước đó, tháng 3 tín dụng mới chỉ tăng khoảng 1,13%; tháng 4 tăng 0,12%; nhưng đến tháng 5 đã tăng lại 0,53% và đến 29-6 thì mức tăng so với tháng 5 là 1,28%.

Mặc dù mức tăng được ghi nhận là đã cải thiện so đầu năm nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với con số 7,33% của nửa đầu năm 2019 và thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu 14% theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Thống đốc NHNN ngày 3-1 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020.

Theo tổng hợp số liệu của Công ty dữ liệu Fiin Group tại 12/18 ngân hàng niêm yết cho thấy xu hướng giảm lợi nhuận diễn ra phổ biến. Dự kiến lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng sẽ giảm khoảng 11,9% trong năm 2020.

Nhóm phân tích của Fiin Group cho biết, việc các ngân hàng đặt chỉ tiêu lợi nhuận thấp là do tác động của dịch Covid-19 và định hướng chính sách của NHNN về việc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Theo Kết quả điều tra "Xu hướng tín dụng" tháng 6-2020 vừa được Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) công bố ngày 31-7-2020, các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn đánh giá nhu cầu tín dụng “tăng” trong 6 tháng đầu năm 2020, tuy nhiên đã điều chỉnh mạnh từ mức 91% TCTD kỳ vọng “tăng” (tại kỳ điều tra tháng 12-2019) xuống còn 64%. Đặc biệt điều chỉnh kỳ vọng đối với nhu cầu vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ, xuất nhập khẩu, mua nhà để ở, đầu tư và kinh doanh du lịch.

Nguyên nhân chủ yếu do diễn biến tăng trưởng kinh tế, sự thay đổi nhu cầu đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, cơ hội đầu tư xuất nhập khẩu, thị trường bất động sản chịu tác động bất lợi của dịch Covid-19.

“Theo đánh giá của các TCTD, mức độ rủi ro tín dụng của các khoản vay trong 6 tháng cuối năm 2020 tăng ít hơn so với 6 tháng đầu năm 2020. Tính chung trong cả năm 2020, các TCTD nhận định mặt bằng rủi ro tín dụng chủ yếu “tăng” lên so với năm 2019” - Vụ Dự báo Thống kê nêu rõ trong kết quả điều tra.

ĐIều này cho thấy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Các TCTD không cho vay được như kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng không đồng đều trong toàn hệ thống.

Nhiều điểm của Thông tư 01 không còn phù hợp

Nhằm tháo gỡ khó khăn, NHNN đã chủ động ban hành ngay Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Tuy nhiên nhiều quy định tại Thông tư 01 đã không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Theo quy định tại Thông tư 01, TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài (NHNg) được giữ  nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm gần nhất trước ngày 23-1-2020 đối với các số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01.

Theo đó, chỉ có các khoản giải ngân trước ngày 23-1-2020 mới có kết quả phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm gần nhất trước ngày 23-1-2020, do đó quy định trên được hiểu rằng, Thông tư 01 không áp dụng đối với số dư nợ giải ngân sau ngày 23-1-2020.

Lý do theo Ngân hàng nhà nước (NHNN), tại thời điểm xây dựng Thông tư 01, NHNN xác định sau ngày 23-1-2020, các TCTD, chi nhánh NHNg đã nắm bắt được cơ bản thực trạng dịch Covid-19 tại Việt Nam, vì vậy, đối với các khoản giải ngân sau ngày 23-1-2020, TCTD, chi nhánh NHNg phải chủ động thảo luận, thống nhất với khách hàng về lịch trả nợ phù hợp với năng lực trả nợ và mức độ chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của khách hàng. 

Tuy nhiên, trên thực tế, dịch Covid-19 diễn biến rất nhanh, phức tạp, mức độ ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế trong nước, gây ra khủng hoảng kinh tế xã hội nghiêm trọng trên toàn cầu.

Do không lường trước được các tác động của dịch đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nên đối với các khoản giải ngân sau ngày 23-1-2020, việc xác định lịch trả nợ cho khách hàng của TCTD, chi nhánh NHNg chưa phù hợp với mức độ chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 của khách hàng.

Vì vậy, theo phản ánh của nhiều TCTD, chi nhánh NHNg và một số doanh nghiệp, phần lớn các khoản giải ngân sau ngày 23-1-2020, đặc biệt là các khoản cho vay ngắn hạn, khách hàng vẫn không có khả năng trả nợ theo kỳ hạn, thời hạn tại hợp đồng, thỏa thuận cho vay.

Hơn nữa, Điều 3 Thông tư 01 quy định: “Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 thực hiện theo quy định tại Thông tư này; các nội dung liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, phân loại nợ không quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.”

Căn cứ quy định nêu trên, việc phân loại đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 nhưng do khách hàng không trả nợ đúng hạn theo thời hạn cơ cấu nên sẽ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21-1-2013 (đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh NHNg, TCTD phi ngân hàng); Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22-4-2005 (đối với ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân); Thông tư số 15/2010/TT-NHNN ngày 16-6-2010 (đối với tổ chức tài chính vi mô).

Theo đó, các khoản nợ trên được phân loại vào nhóm 4 hoặc nhóm 5 (nợ xấu) dẫn đến tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD, chi nhánh NHNg có thể tăng cao, đột biến trong một vài năm tới, chi phí dự phòng tăng, ảnh hưởng đến chênh lệch thu chi của các TCTD, chi nhánh NHNg.

Cần sớm ban hành các chính sách 

Dự báo được tình hình, NHNN đã sớm soạn thảo dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 01. Tại dự thảo NHNN đã bổ sung quy định cho phép các TCTD, chi nhánh NHNg được áp dụng quy định tại Thông tư 01 cho các khoản giải ngân từ ngày 23-1-2020 có lịch trả nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 31-12-2020 và chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Theo NHNN, tác động của dịch Covid-19 đến nước ta là rất lớn, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân, đồng thời, diễn biến dịch trên thế giới còn rất phức tạp, khó lường, tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung, doanh nghiệp và người dân nói riêng.

Do nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế nên ngay cả trong trường hợp Việt Nam công bố hết dịch mà tình hình dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp cũng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam và các doanh nghiệp vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 (do các hoạt động du lịch, hàng không, xuất nhập khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực).

Đáng chú ý, dự kiến NHNN sẽ cho phép TCTD, chi nhánh NHNg được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với nợ được giải ngân từ ngày 23-1-2020 đến trước ngày 25-4-2020.

Theo NHNN, để tránh việc lợi dụng chính sách gây hậu quả nợ xấu cho toàn hệ thống TCTD, chi nhánh NHNg trong các năm tiếp theo thì việc giới hạn phạm vi các khoản giải ngân từ ngày 23-1-2020 là cần thiết. 

Theo đó, NHNN đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 theo hướng cho phép TCTD, chi nhánh NHNg được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với các khoản giải ngân từ ngày 23-1-2020 đến ngày 24-4-2020.

NHNN đánh giá rằng thời điểm 24-4-2020 là phù hợp bởi đây là thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Theo đó, đối với các khoản giải ngân sau ngày 24-4-2020, TCTD, chi nhánh NHNg đã có thể đánh giá được đầy đủ mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì cần căn cứ vào đặc điểm của khách hàng để thống nhất với khách hàng lịch trả nợ phù hợp mà không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01. 

Ngoài ra, NHNN cho phép TCTD, chi nhánh NHNg không tính số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 01 khi thực hiện phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Thông tư 01 nhưng khách hàng không trả được nợ theo thời hạn cơ cấu lại.

Vì vậy, để giảm áp lực nợ xấu, trích lập dự phòng cho các TCTD, chi nhánh NHNg, NHNN dự kiến bổ sung nguyên tắc phân loại nợ nêu trên đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 nhưng khách hàng không trả nợ đúng hạn theo thời hạn cơ cấu lại.

Bên cạnh đó, NHNN cũng cho biết đã chủ động điều chỉnh tín dụng hỗ trợ phục vụ cho tăng trưởng; sẵn sàng nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một loạt ngân hàng thương mại, thành viên nào có điều kiện tăng trưởng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, thì có thể điều chỉnh tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn so với nhu cầu.

“Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng. Trong trường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ có các giải pháp mạnh hơn về chính sách tiền tệ như tái cấp vốn cho các dự án công trình có tác động lan toả để hỗ trợ cho các khu vực kinh tế trọng điểm, cũng như hỗ trợ tăng trưởng từ nay đến cuối năm”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, các chính sách này hiện vẫn đang hoàn thiện chưa được ban hành thành văn bản cụ thể khiến ngân hàng và doanh nghiệp còn nhiều lúng túng trong việc triển khai.

Trước tình hình cấp bách sau khi dịch Covid-19 có nhiều diễn biến không vượt dự đoán, cho thấy NHNN cần sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01, cũng như sớm công bố danh sách các ngân hàng được nới chỉ tiêu tín dụng nhằm hoàn thành nhiệm vụ kép theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng ngày 27-7, “đó là vừa đẩy mạnh cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, vừa hỗ trợ hiệu quả thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.

Tháo gỡ khó khăn để phục hồi, phát triển kinh tế