Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tín dụng đã tăng ngay từ đầu năm 2022 và tăng cao hơn cùng kỳ 2021, 2020 (là hai năm chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19), cũng như năm 2019 (là năm trước khi xảy ra dịch). Đến ngày 25/7, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,42% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,64%). Theo các chuyên gia, chính nhờ hoạt động tín dụng và nguồn thu từ phí của các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tốt đã giúp các ngân hàng ghi nhận lãi cao trong quý II nói riêng và sáu tháng đầu năm nói chung.
Bứt phá lợi nhuận
Nắm giữ vị trí đầu bảng xếp hạng về lợi nhuận, trong báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2022 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho thấy, thu nhập lãi thuần trong quý đạt 12.797 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế sáu tháng đầu năm đạt 24.773 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài thu nhập lãi thuần (chủ yếu từ hoạt động tín dụng), mảng kinh doanh ngoại hối của Vietcombank thu về lợi nhuận gần 3.000 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021. Lãi từ các hoạt động khác ở mức 1.365 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng tiếp tục đà tăng trưởng trong quý II khi thu về khoản lợi nhuận trước thuế 14,1 nghìn tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động trong sáu tháng đầu năm 2022 tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021, lên mức 21,1 nghìn tỷ đồng; thu nhập từ lãi đạt 15,9 nghìn tỷ đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhờ tăng trưởng danh mục tín dụng với biên lãi thuần (tính trong 12 tháng) ổn định tại 5,6%.
Trong khi đó, nhờ nâng cao hiệu quả hoạt động cho nên Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) cũng đạt lợi nhuận sáu tháng cao nhất từ trước đến nay, gần 5,9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 84% so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành hơn 50% kế hoạch đề ra.
Tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 9,5 nghìn tỷ đồng, tăng 113% so cùng kỳ năm 2021. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng ghi nhận 5.029 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 157% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài tăng trưởng ở mảng cho vay, ngân hàng này còn ghi nhận tăng trưởng cao ở các khoản thu ngoài lãi, mang về 1.736 tỷ đồng, cao hơn 226% so với cùng kỳ.
Kết quả nêu trên giúp SeABank thu về khoản lợi nhuận trước thuế 2.806 tỷ đồng sau nửa năm, tăng 180% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) thu về 3.788 tỷ đồng lợi nhuận sau sáu tháng đầu năm, tăng gần 26% so cùng kỳ năm 2021; trong đó lợi nhuận riêng quý II tăng 34%, đạt gần 2.200 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) cũng đạt 1.632 tỷ đồng lợi nhuận sau sáu tháng, hoàn thành 53% kế hoạch năm…
Dự phòng rủi ro nợ xấu gia tăng
Kết quả đạt được trong sáu tháng qua đã phần nào giúp các ngân hàng tự tin hơn trong triển khai kế hoạch kinh doanh sáu tháng cuối năm. Phần lớn các ngân hàng đều kỳ vọng đến cuối năm sẽ đạt lợi nhuận tốt nhờ những thông tin tích cực. Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, có 72,5%-80,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý III và cả năm 2022 với mức độ cải thiện cao hơn so với kỳ liền trước. Trong quý III, có 54,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tiếp tục “tăng nhẹ” so với quý II.
Ngoài ra, có 38,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng “không đổi” và 6,5% tổ chức tín dụng lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ. Trong năm 2022, có 87,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2021; nhưng cũng vẫn có 8,5% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 (tăng so với tỷ lệ 5,8% tổ chức tín dụng dự kiến tại kỳ điều tra tháng 3/2022) và 3,8% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng từ các chuyên gia Công ty chứng khoán SSI Research cũng dự báo, mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng trong sáu tháng cuối năm 2022 có thể sẽ thấp hơn so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng sẽ chậm hơn so với sáu tháng đầu năm 2022. Các nguồn thu ngoài lãi của các ngân hàng cũng sẽ giảm tốc. Theo đó, ngoài việc không còn lợi nhuận từ kinh doanh trái phiếu Chính phủ, doanh số thanh toán của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước sẽ bị sụt giảm do chương trình miễn phí chuyển khoản.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 là 14%. “So với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 13,6% của năm 2021 và 12% của năm 2020, trong điều kiện áp lực lạm phát tăng, thì đây là sự cố gắng rất lớn của ngành ngân hàng.
Chỉ tiêu này đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm các mục tiêu đề ra. Việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại cũng được tính toán, cân nhắc trên cơ sở các tiêu chí rõ ràng, minh bạch, cụ thể”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Như vậy, với định hướng này có thể thấy trong những tháng còn lại của năm, dư địa cho tăng trưởng tín dụng không còn nhiều. Điều đó cũng có nghĩa lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại được dự báo có thể không khả quan như sáu tháng đầu năm. Chưa kể, nợ xấu vẫn tiềm ẩn gia tăng trong bối cảnh các quy định pháp lý liên quan sắp hết hiệu lực, thị trường mua bán nợ vẫn chưa hình thành.
Việc xử lý nợ xấu cũ không thuận lợi, trong khi nợ xấu mới phát sinh sẽ khiến tỷ lệ nợ xấu tăng, các ngân hàng cũng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Theo quan sát trên thị trường, hiện nay Vietcombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong hệ thống 0,61%.
Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn tiếp tục bổ sung 2.733 tỷ đồng dự phòng rủi ro trong quý II, nâng mức dự phòng rủi ro trong sáu tháng đầu năm 2022 đạt 5.500 tỷ đồng. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu của Vietcombank đến nay đã lên tới 514%. Trong khi đó, nhiều ngân hàng khác cũng duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đạt 279%, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đạt 190%, Techcombank đạt 171,6%, TPBank đạt 161,4%,…
Sáu tháng đầu năm, nền kinh tế đất nước đang phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen. Để đạt được mục tiêu kinh doanh năm 2022, ABBANK xác định luôn sẵn sàng thích ứng và có những quyết sách linh hoạt với sự biến đổi của thị trường. Ngoài ra, với sự bổ sung nguồn lực tài chính sau khi tăng vốn điều lệ trong quý II, ABBANK đang tập trung tối ưu hóa bộ máy, từ quy trình vận hành cho đến sản phẩm dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt hơn. Ngoài mảng tín dụng, ABBANK cũng đang dần mở rộng sang phục vụ các nhu cầu phi tín dụng để tăng thu nhập từ phí; đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng số nhằm đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng và hướng tới mục tiêu tăng vị thế trong phân khúc bán lẻ.
(Nguyễn Mạnh Quân, Quyền Tổng Giám đốc ABBANK)