Khoản tài trợ trên là một phần của Sáng kiến “Làm sạch Đại dương” do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) dẫn đầu. Đây là sáng kiến lớn nhất từ trước đến nay của nhóm ngân hàng phát triển nhằm vào vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên biển.
Nhóm này cho biết mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác nhựa thải ra các đại dương, đe dọa sự sống của các sinh vật biển và các cộng đồng dựa vào biển để kiếm sống.
Mục tiêu mới cho năm 2025 được xây dựng dựa trên kế hoạch tài trợ ban đầu 2 tỷ euro đến năm 2023, trong đó 80% số tiền đã được phân bổ cho các dự án ở các quốc gia gồm Sri Lanka, Trung Quốc và Ai Cập, kỳ vọng mang lại lợi ích cho hơn 20 triệu người.
Theo Giám đốc điều hành KfW Stefan Wintels, các đại dương đang phải chịu áp lực nghiêm trọng khi vừa bị ô nhiễm, xả rác, đánh bắt quá mức, đồng thời sự phong phú về loài của chúng cũng bị tổn hại nghiêm trọng.
Một báo cáo được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) công bố mới đây chỉ ra rằng, các khu vực biển có diện tích lớn gấp 2,5 lần Greenland có thể vượt ngưỡng nguy hiểm về mặt sinh thái của nồng độ vi nhựa vào cuối thế kỷ này.
Các nhà khoa học của WWF đã phân tích hơn 2.590 nghiên cứu về ô nhiễm nhựa đại dương và đưa ra dự đoán sản lượng nhựa sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2040, khiến số lượng các mảnh vụn nhựa trong đại dương tăng gấp 4 lần vào năm 2050.
Nhóm các ngân hàng phát triển châu Âu đã phân bổ 1,6 tỷ euro để giải quyết vấn đề này dưới hình thức tài trợ dài hạn cho các dự án hạn chế việc thải rác nhựa, vi nhựa và các loại rác thải khác thông qua nâng cao năng lực quản lý chất thải, nước thải và nước mưa.
Nhóm này cho rằng, việc cải thiện quản lý ở các quốc gia đang phát triển, nơi có một số thành phố phát triển nhanh nhất và đông dân cư nhất, sẽ giúp giảm thiểu đáng kể lượng vi nhựa thải ra biển hằng năm.