Những "điểm nóng"
Những ngày đầu mùa hè, thời tiết ở vùng biên giới huyện Buôn Đôn, tỉnh Đác Lắc khá nóng bức. Theo chân một người dân ở buôn Ea Rông B, xã Krông Na, chúng tôi vào "điểm nóng" phá rừng thuộc rừng sinh thái Bản Đôn. Chỉ cách trung tâm xã Krông Na khoảng 10 phút xe máy, nhưng rừng sinh thái Bản Đôn bị lâm tặc đốn hạ ngổn ngang. Hàng chục gốc cây rừng nhựa ứa bầm lại, thân cây đã được kéo đi. Người dân trong vùng cho biết: Rừng bị tàn phá từ năm 2013 đến nay. Các đối tượng phá rừng chủ yếu ở xã Ea Hoa, Ea Wer và Krông Na, nhưng chưa bị xử lý. Chỉ đầu tháng 5 đến nay, có khoảng 200 cây gỗ quý bị chặt hạ. Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na Lê Tấn Dũng thông tin: "Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, tôi phát hiện một số máy cày chở gỗ từ trong rừng sinh thái Bản Đôn ra. Lần theo dấu vết, phát hiện hàng chục cây gỗ bị lâm tặc chặt hạ, chuyển đi. Tôi đã báo cáo lên Hạt Kiểm lâm và UBND huyện Buôn Đôn".
Cách không xa rừng sinh thái Bản Đôn, Vườn quốc gia Yóc Đôn được bảo vệ tương đối nghiêm ngặt, nhưng trong những ngày giữa tháng 6 vừa qua, lâm tặc ngang nhiên vào Tiểu khu 463 và 470 chặt hạ bốn cây gỗ giáng hương (thuộc nhóm 1) và ba cây gỗ cẩm sừng, mỗi cây đường kính gốc từ 50 đến 60 cm. Điều đáng nói, lâm tặc ngang nhiên khai thác và xẻ thành những phách gỗ vuông rồi vận chuyển ra khỏi rừng ngay bên đường tuần tra của lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Yóc Đôn nhưng không bị phát hiện!?
Tại Đác Nông, một trong những "điểm nóng" phá rừng và khai thác gỗ trái phép được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là rừng phòng hộ Nam Cát Tiên (huyện Đác R'Lấp). Tại Tiểu khu 1600, nhiều cây rừng đường kính khoảng 0,6 m vừa bị lâm tặc đốn hạ, gốc cây còn chảy mủ, thân cây bị xẻ thành hàng chục trụ tiêu, chưa kịp mang đi. Mặc dù ở đây lâm tặc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng chỉ theo một con đường duy nhất và trên con đường này, Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên đã lập tới bốn trạm kiểm soát, với khoảng từ 12 đến 16 nhân viên QLBVR túc trực cả ngày lẫn đêm, nhưng gỗ vẫn lọt qua!?
Theo tìm hiểu của chúng tôi trên địa bàn Tây Nguyên hiện còn nhiều "điểm nóng" phá rừng, nhưng công tác ngăn chặn, xử lý gặp nhiều khó khăn, khiến rừng bị tàn phá nặng nề. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chỉ tính trong năm tháng đầu năm 2015, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên xảy ra 3.641 vụ vi phạm lâm luật, lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng lấy đất sản xuất với diện tích 236 ha. Tuy nhiên, đây chỉ là những vụ mà các ngành chức năng phát hiện, còn thực tế, diện tích rừng bị phá lớn hơn nhiều.
Thuê, khoán, liên doanh liên kết còn bất cập
Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Đức Thanh cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến hàng chục nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp bị người dân chặt phá, lấn chiếm là do việc cho thuê, khoán, liên doanh liên kết thực hiện các dự án đầu tư sản xuất nông - lâm nghiệp, chuyển đổi rừng nghèo, đất lâm nghiệp sang trồng cao-su, công tác giao khoán rừng cho cộng đồng quản lý, bảo vệ còn nhiều bất cập. Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã cho các tổ chức, cá nhân thuê 128.231 ha rừng và đất lâm nghiệp để trồng rừng kinh tế, trồng cao-su, làm du lịch sinh thái, sản xuất nông - lâm nghiệp kết hợp. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát cho thấy, nhiều dự án triển khai chậm hoặc thực hiện không hiệu quả, không tổ chức bố trí lực lượng QLBVR, để rừng bị tàn phá nặng nề và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm với diện tích lớn.
Tại tỉnh Đác Nông, hiện có 41 dự án của 39 doanh nghiệp thuê đất đầu tư sản xuất nông - lâm nghiệp với diện tích 31.615 ha. Qua kiểm tra, đến nay các dự án chỉ trồng được 9.958 ha/16.447,5 ha rừng, cao-su và trồng các loại cây khác được 131,5 ha/418,5 ha... Trong khi đó, trong tổng số 14.336 ha rừng mà tỉnh cho các doanh nghiệp thuê, quản lý, bảo vệ, có tới 4.785 ha bị chặt phá. Kết quả kiểm tra 21 hợp đồng liên doanh liên kết với diện tích 6.153 ha tại bốn công ty lâm nghiệp, các ngành chức năng của tỉnh phát hiện nhiều sai phạm và đề nghị tạm dừng, chấm dứt, thanh lý 14 hợp đồng với tổng diện tích là 4.387 ha, trong đó diện tích rừng tại các dự án liên doanh, liên kết bị phá trắng là 969 ha. Tại tỉnh Lâm Đồng, hiện đã thu hồi 168 dự án với diện tích 24.837 ha do chậm tiến độ và không tổ chức bố trí lực lượng QLBVR trên diện tích được thuê, để rừng bị phá và lấn chiếm trái phép.
Các tỉnh Tây Nguyên hiện đã xây dựng, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch trồng cây cao-su trên đất lâm nghiệp cho giai đoạn 2008-2015 là 164.586 ha, trong đó trên đất rừng tự nhiên là 131.195 ha, rừng trồng là 5.113 ha. Từ năm 2009 đến nay, có 221 dự án tiến hành khai hoang với diện tích 85.877 ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng là 69.623 ha. Thực tế cho thấy, các dự án tập trung chủ yếu chuyển đổi rừng tự nhiên và tổ chức lực lượng QLBVR mỏng, yếu để tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp xảy ra nghiêm trọng, nhất là những dự án chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân.
Từ năm 2006 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã phê duyệt 571 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (ngoài các dự án trồng cao-su) với tổng diện tích đất lâm nghiệp 73.963 ha, trong đó đất có rừng là 61.432 ha, để xây dựng các công trình thủy điện, khai thác khoáng sản, tái định cư, xây dựng khu công nghiệp, nhà máy, các công trình thủy lợi... Thế nhưng, diện tích trồng rừng thay thế chỉ thực hiện được một phần nhỏ. Cụ thể, toàn vùng Tây Nguyên hiện có 240 dự án phải trồng rừng thay thế với diện tích 15.894 ha, nhưng đến nay, các địa phương, đơn vị mới thực hiện được 15 dự án với diện tích rừng trồng thay thế là 1.007 ha... Vì những bất cập nêu trên, dẫn đến diện tích và chất lượng rừng ở Tây Nguyên giảm sút nhanh chóng. Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên còn 2.567.116 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 2.253.809 ha, rừng trồng là 313.307 ha, giảm tới 227.778 ha rừng so với năm 2008, tương đương giảm 4,1% độ che phủ.
Nâng cao hiệu quả QLBVR
Theo ông Trần Đức Thanh, để khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác QLBVR trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17-12-2014 của Chính phủ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các công ty lâm nghiệp, đồng thời bảo đảm cấp đủ kinh phí QLBVR cho các công ty lâm nghiệp hoạt động công ích và các Ban QLBVR phòng hộ, rừng đặc dụng. Hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với rà soát đất đai của các công ty lâm nghiệp, nhằm giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số.
Cần có chính sách, cơ chế hưởng lợi trong giao khoán QLBVR hợp lý, bảo đảm ổn định sản xuất, nâng cao đời sống của người dân, tạo động lực cho họ gắn bó và có ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng. Tăng nặng hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực QLBVR và quản lý lâm sản. Thực hiện bảo đảm các chế độ chính sách đãi ngộ cho lực lượng tham gia QLBVR và tăng cường đầu tư phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu thực tế về công tác QLBVR. Có biện pháp ngăn chặn hiệu quả và lâu dài việc dân di cư ngoài kế hoạch đến Tây Nguyên, để giảm áp lực về đất sản xuất.
Đối với các tỉnh Tây Nguyên, cần thực hiện ngay việc điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng trong từng giai đoạn; điều chỉnh diện tích rừng và đất rừng giao, cho thuê, liên doanh liên kết với các tổ chức, cá nhân. Rà soát, xây dựng, triển khai phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị. Đổi mới và tăng cường năng lực, trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, buôn. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp trong việc tham gia QLBVR. Đẩy mạnh giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã quản lý. Đối với các dự án thuê đất, thuê rừng để rừng bị phá với diện tích lớn, không thực hiện dự án hoặc thực hiện không hiệu quả thì kiên quyết thu hồi, đồng thời tính toán giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng buộc các doanh nghiệp bồi thường. Tổ chức cưỡng chế giải tỏa đối với các diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm trái phép, giao lại cho các đơn vị chủ rừng trồng, phục hồi và QLBVR.