Hiện tình trạng đường lậu đang diễn biến phức tạp tại khu vực biên giới Tây Nam, Cửa khẩu Lao Bảo, Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). Ước tính hằng năm, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam từ 500 nghìn tấn đến gần 1 triệu tấn.
Bắt giữ hàng trăm tấn đường lậu ở nhiều khu vực
Mới đây, ngày 6/11, thông tin từ Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang cho biết, lực lượng chức năng vừa kiểm tra đột xuất kho hàng trên khu vực biên giới huyện An Phú, phát hiện và tạm giữ gần 10 tấn đường cát Thái Lan nghi vấn nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam. Cũng tại tỉnh An Giang, ngày 12/10/2020, lực lượng chức năng đã bắt quả tang các đối tượng đang vận chuyển 100 tấn đường cát trắng nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam.
Ở diễn biến khác, Đội Kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị cũng vừa phát hiện 3 tấn đường kính trắng có nguồn gốc nước ngoài, nhập khẩu trong địa bàn hoạt động hải quan, không có chứng từ hợp pháp.
Hồi tháng 5 năm nay, Công an Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Cục Quản lý thị trường thành phố phát hiện gần 150 tấn đường không rõ nguồn gốc nằm trong các bãi xe trên địa bàn, di chuyển từ Đồng Nai, Bình Dương đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Giá đường tăng cao là nguyên nhân khiến các “đầu nậu” buôn đường liều lĩnh hơn
Năm 2021 đã trở thành thời cơ vàng để ngành đường Việt Nam khởi sắc. Giá đường trong nước tăng kỷ lục trong hơn 4 năm, cùng với đó là sự hỗ trợ từ Chính sách Chống bán phá giá và Chống trợ cấp từ chính phủ.
Tuy nhiên, tình trạng gian lận thương mại cộng với đường nhập lậu tràn vào đã gây tổn thất nghiêm trọng cho nông dân, doanh nghiệp và ngành mía đường Việt Nam khi doanh nghiệp khó mà cạnh tranh về giá với đường lậu, tình trạng tồn ứ hàng hoặc giảm giá cũng ảnh hưởng đến giá thu mua mía của người nông dân.
Không ít nhà máy đường phải đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang do thua lỗ. Người tiêu dùng cũng bị thiệt hại do các loại đường không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Với giá rẻ hơn giá đường trong nước 2.000 - 3.000 đồng/kg, không bị đánh thuế, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng tuồn đường lậu vào nước ta kiếm lời.
Một số đối tượng buôn lậu dùng tàu biển công suất lớn, sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại để liên lạc và theo dõi chặt chẽ các lực lượng chức năng chống buôn lậu. Khi bị kiểm tra, phát hiện, bắt giữ, các đối tượng này sẵn sàng vứt hàng xuống biển, xuống sông để phi tang và chống trả quyết liệt.
Nếu như trước đây đường nhập lậu phần lớn được vận chuyển bằng đường thủy thì nay được vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện.
Hô biến đường lậu thành đường có nhãn mác
Nếu lọt qua cửa khẩu, đường lậu sẽ được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố, trong đó chủ yếu về là Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi vào Việt Nam, đường được các “đầu nậu” sang bao. Trước đây, “đầu nậu” thường dùng bao của các thương hiệu trong nước nhưng nay họ dùng bao trắng, sau đó sang thay bao bì nội địa ngay từ biên giới. Có trường hợp họ để y nguyên bao bì nhãn mác đường Thái Lan rồi bán thẳng ra thị trường thông qua các chợ đầu mối, chợ truyền thống, các chủ doanh nghiệp kinh doanh vừa và nhỏ, các tiệm tạp hóa, thậm chí là rao bán trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Lợi nhuận giảm sút, khiến người nông dân không mặn mà với cây mía dẫn đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía đều giảm. Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến niên độ 2020 - 2021 diện tích trồng mía cả nước chỉ còn còn 187.100 ha, giảm 19,83% so với vụ trước. Mía được đưa vào các nhà máy đường chế biến khoảng 6,7 triệu tấn, giảm gần 1 triệu tấn so với dự kiến. Sản lượng đường sản xuất được là 901.230 tấn, giảm 78.124 tấn, tương đương 10,17% so với vụ trước và thấp nhất trong 20 vụ gần đây. Gần một nửa số nhà máy đường đã “rơi rụng”, từ 41 nhà máy hiện còn 24 nhà máy.
Trong thời gian qua, các đơn vị chức năng trên cả nước đã có nhiều động thái nhanh nhạy, truy lùng ráo riết và đẩy mạnh công tác chống buôn lậu trên các tuyến biên giới. Bằng những động thái hoàn toàn mới, các đơn vị đang quyết tâm ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần ổn định thị trường trong nước, đặc biệt là chu kỳ cuối năm, theo chỉ đạo quyết liệt mà Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) vừa đề ra mới đây.