Biến tướng khó lường
Tại Công ty Zogo (Hà Nội) chúng tôi không khỏi “ngợp” trước những cách thức kiếm tiền do nhân viên ở đây quảng cáo: “Kinh doanh là phải có hàng hóa, nếu không có hàng hóa thì không phải là kinh doanh đa cấp. Do đó, đây là một nghề rất hay vì có thể mượn 1% sức của 99 người còn hơn vận dụng 100% sức lực của bản thân mình. Kể cả khi bạn nghỉ, không làm việc thì 99 người còn lại sẽ làm việc và mang lại lợi nhuận cho chính bạn”. Đồng thời, người này giới thiệu: Công ty đang có hai dòng sản phẩm là trà giải độc gan dưỡng sinh và tim mạch an tâm. Muốn tham gia, phải mua một trong hai gói sản phẩm có mức giá ba triệu đồng và 9,8 triệu đồng để trở thành thành viên chính thức của công ty. Sau quá trình tham gia hệ thống, nhà phân phối (NPP) sẽ được hưởng tiền hoa hồng như hoa hồng bán lẻ, hoa hồng bảo trợ trực tiếp, hoa hồng hệ thống, hoa hồng cộng thêm..., tổng thu nhập hằng tháng dao động từ 70 triệu đồng đến gần 200 triệu đồng… Nhằm tạo độ tin tưởng, nhân viên ở đây lấy thí dụ: “Với 100 triệu đồng mang đi gửi tiết kiệm chỉ được hưởng 600 nghìn đồng/tháng. Cũng với số tiền ấy nếu đầu tư vào hệ thống, mỗi tháng có thể thu lãi từ 20 đến 30 triệu đồng. Đây quả là khoản lợi nhuận rất lớn, nếu không nhanh chóng nắm bắt cơ hội, sau này muốn cũng chẳng còn”!
Tại Công ty cổ phần New Power Việt Nam, nhân viên tư vấn tên H cho biết: “Muốn làm thành viên của công ty phải đóng một mã thẻ trị giá 8,2 triệu đồng. Nhiệm vụ của thành viên là làm sao mời càng nhiều người tham gia càng tốt và lợi nhuận sẽ phát sinh từ việc mời người tham gia như vậy thông qua chế độ trả thưởng của công ty. Công ty có nhiều mức thưởng khác nhau như: thưởng hoa hồng giới thiệu trực tiếp, hoa hồng cân cặp, thưởng quản lý...”. Bằng những phép tính khá phức tạp, H tính toán rằng, nếu một người đứng đầu một nhánh bán hàng mà dưới đó, có tới 100 thành viên thì riêng tiền thưởng đã lên tới 80 triệu đồng/tháng. Cộng thêm cả khoản hoa hồng các loại thì một người có thể thu nhập cao nhất 134 triệu đồng/tháng.
Không chỉ những công ty nêu trên, thời gian vừa qua, các công ty bán hàng đa cấp đã tiếp cận đông đảo người dân trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung với cách thức quảng cáo kiếm tiền “siêu nhanh”. Không ít người đã hồ hởi tham gia hình thức kinh doanh này, nhưng sau một thời gian họ đều nhận ra mình bị lừa. Chị Nguyễn Thị Thắm (huyện Quế Võ, Bắc Ninh) bộc bạch: “Do tin vào những lời đường mật, tôi đã huy động 1,2 tỷ đồng từ các thành viên trong gia đình để đầu tư vào một công ty kinh doanh đa cấp ở đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Tham gia được hơn một năm, mặc dù trong tài khoản của hệ thống báo tiền gốc lẫn tiền lãi lên gần hai tỷ đồng nhưng khi cần tiền tôi không thể nào rút ra được. Đem thắc mắc thì công ty khất lần khất lượt, đến tận bây giờ vẫn không thể nào thu lại được vốn đầu tư. Tương tự, bà Trần Thanh Huyền (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho biết: “Tôi đã đầu tư 80 triệu đồng vào một công ty kinh doanh đa cấp ở phố Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Sau hai tháng, cả tiền gốc và tiền lãi đều “bốc hơi”, đến đòi công ty nhưng không lấy lại được” !
Buông lỏng quản lý ?
Các công ty bán hàng đa cấp mọc lên ngày càng nhiều, phần lớn đều có dấu hiệu bất thường, hoạt động biến tướng. Họ đánh vào tâm lý của người dân, “vẽ” lên những cơn sốt làm giàu một cách phi lý nhưng thực chất chỉ là hình thức “người vào trước ăn “hoa hồng” của người vào sau”, lừa đảo theo dây chuyền. Nhiều công ty không ngần ngại chầy bửa, từ chối trả tiền cho thành viên, thậm chí cử nhân viên bảo vệ đe dọa, hành hung nếu người bị hại có ý định đòi lại số tiền đã trót đầu tư. Liên quan vấn đề này, Luật sư Lê Hồng Hiển, Trưởng văn phòng luật sư Nay & Mai cho biết, bán hàng đa cấp tại Việt Nam đang nổi lên vấn đề người bán hàng vì lợi nhuận mà quên mất lợi ích khách hàng. Họ đánh trúng vào tâm lý khát khao làm giàu của nhiều người. Khi tiếp xúc với người dân, giới bán hàng đa cấp thường vẽ bức tranh giàu có, những khoản lớn tiền từ “trên trời rơi xuống” ở một tương lai gần. Do đó, người dân nếu thiếu am hiểu pháp luật, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên sẽ rất dễ rơi vào “bẫy” mà các công ty bán hàng đa cấp bất chính giăng ra. Cũng theo luật sư Lê Hồng Hiển, nhiều công ty bán hàng đa cấp đang vi phạm nhiều điều pháp luật cấm, chẳng hạn quy định doanh nghiệp không được yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp đóng những khoản tiền hoặc là phải mua những lượng hàng nhất định để được vào hệ thống; hay không được phép dụ dỗ người khác tham gia hệ thống để mình được hưởng hoa hồng và ăn chia lợi nhuận… thế nhưng vẫn chưa bị các cơ quan chức năng xử lý.
Bán hàng đa cấp là hình thức kinh doanh được pháp luật thừa nhận, trước đây được quản lý bằng Nghị định 110/2005/NĐ-CP. Tuy nhiên, sau mười năm thực hiện, nghị định này đã bộc lộ một số bất cập như hoạt động bán hàng đa cấp xuất hiện nhiều biến tướng tiêu cực, nhiều chủ thể lợi dụng các khe hở của pháp luật để thực hiện các hành vi bất chính khiến cho hoạt động bán hàng đa cấp ngày càng trở nên phức tạp và gây khó khăn cho công tác quản lý. Trước thực tiễn nêu trên, tháng 5-2014, Chính phủ đã thay thế nghị định này bằng Nghị định 42/2014/NĐ-CP với nhiều quy định chặt chẽ hơn về bán hàng đa cấp như: về đối tượng kinh doanh; những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp; trình tự, thủ tục đăng ký; cách thức quản lý; tạm ngừng, chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp; ký quỹ… Đó còn chưa kể những hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp được quy định trong Nghị định 71/2014/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh. Trong đó, phạt cao nhất đến 100 triệu đồng đối với một trong những hành vi như kinh doanh đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ một hình thức nào… Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Nghi, Giám đốc Công ty Luật An Dân cho rằng, hiện có những mức phạt không khả thi hoặc chưa đủ sức răn đe, cho nên các đối tượng sẵn sàng vì lợi nhuận mà chịu phạt để được tồn tại. Do vậy, rất cần những chế tài xử lý nghiêm minh, thậm chí nếu cần truy tố hình sự.
Có thể thấy, mặc dù cơ sở pháp lý về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được quy định khá chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Thế nhưng, thời gian gần đây hoạt động này lại rất nhốn nháo, biến tướng khó lường, gây bất ổn xã hội. Phải chăng việc thực thi các quy định quản lý nhà nước nêu trên trong thực tế chưa nghiêm, thiếu hiệu quả, quản lý ở cấp địa phương bị buông lỏng? Theo quy định, trước khi tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải gửi hồ sơ thông báo đến Sở Công thương tại địa phương đó và khi được sự đồng ý của cơ quan này mới được thực hiện. Tuy nhiên, suốt thời gian dài vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã tung ra nhiều “chiêu trò” lừa đảo, chiếm đoạt tiền, tài sản trái pháp luật của người dân, trong khi các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương chưa có động thái xử lý nào?
Trước thực trạng nêu trên, TS Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, Vinastas nhận được nhiều thông tin khiếu nại về bán hàng đa cấp. Thực tế, có nhiều công ty mặc dù được cấp phép nhưng khi hoạt động lại cố tình biến tướng, lừa đảo, xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng. Chính vì vậy, người tiêu dùng cần có thông tin, hiểu bản chất vấn đề thì mới tránh được những hành vi lừa đảo. Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp. Các hoạt động không phải là bán hàng mà cố tình đưa vào mạng lưới cần được xử lý nghiêm theo quy định tại Luật Cạnh tranh và các văn bản pháp luật liên quan.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan và các địa phương kiểm tra, rà soát hoạt động của các tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp; phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14-5-2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản và đấu tranh với những đường dây, ổ nhóm lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chiếm đoạt tài sản của người tham gia kinh doanh, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa chung, bảo đảm an ninh, trật tự. |