Ngăn chặn thực phẩm bẩn

Thời gian qua, trên cả nước, liên tục phát hiện các vụ vi phạm quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Ðáng lo ngại là tình trạng nhiều đối tượng vì lợi nhuận đã cố tình tìm cách tuồn thực phẩm "bẩn" ra thị trường tiêu thụ, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra mô hình trồng rau tại Công ty cổ phần Đầu tư An Hòa (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Kiểm tra mô hình trồng rau tại Công ty cổ phần Đầu tư An Hòa (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Tại Hà Nội, trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2023, qua thanh tra, kiểm tra 16.275 cơ sở, lực lượng chức năng đã phát hiện 2.382 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính hơn 1.400 cơ sở với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng; tịch thu giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm 12 cơ sở, đình chỉ hoạt động 66 cơ sở.

Mới đây, tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu), Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông và Công an thị trấn Tân Uyên kiểm tra hành chính xe ô-tô BKS 27C-046.34, phát hiện 430kg mỡ động vật không bảo đảm VSATTP. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Vũ Văn Giới (sinh năm 1981, địa chỉ ở thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên) không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Trước đó, tại tỉnh Bắc Ninh, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh kiểm tra địa điểm kinh doanh thực phẩm thuộc Công ty TNHH Đông Loan (do ông Nguyễn Văn Đông làm Giám đốc), phát hiện tại cơ sở có 7,1 tấn lòng lợn chưa qua sơ chế đã bốc mùi hôi thối. Ông Đông không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng này.

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra xe tải BKS 66C-028.27 do lái xe Đ.D.P (28 tuổi, trú tại tỉnh Quảng Nam) điều khiển, phát hiện trên xe có gần 1 tấn thực phẩm gồm: thịt heo, xương đầu heo, chân giò, thịt bò, thịt đà điểu và các loại chả thịt, chả chay không rõ nguồn gốc xuất xứ… Cơ quan chức năng đã xác minh làm rõ, xử lý các vụ vi phạm theo quy định pháp luật.

Thực tế cho thấy, thời gian qua công tác quản lý nhà nước về VSATTP có một số chuyển biến, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, cần sớm được chấn chỉnh, nhất là trong hoạt động: giết mổ gia súc, gia cầm; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, trong sản xuất thực phẩm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, như: ở nhiều nơi việc giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về VSATTP chưa đầy đủ, nghiêm túc.

Một số địa phương còn lơ là, buông lỏng công tác này. Việc phổ biến, vận động cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) chưa đầy đủ, thường xuyên; phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm này thường xuyên biến động, khó kiểm soát, khiến nạn buôn bán, vận chuyển, chế biến thực phẩm không an toàn vẫn tồn tại. Bộ máy làm công tác quản lý, kiểm soát chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản ở các địa phương biến động.

Số lượng chợ đầu mối chưa đáp ứng yêu cầu, cho nên việc buôn bán sản phẩm động vật tại các chợ "cóc", chợ tạm vẫn diễn ra thường xuyên, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, VSATTP. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vì hám lợi đã cố ý "phù phép" thực phẩm bẩn, thực phẩm dịch bệnh... để lừa bán ra thị trường.

Để ngăn chặn kịp thời tình trạng này, theo ý kiến nhiều chuyên gia, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện Quyết định số 426/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/4/2023, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Theo đó, cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương; các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an ninh, ATTP. Các tổ chức chính trị-xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng và các đoàn thể chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục, cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an ninh, ATTP nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội.

Tập trung khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ gia đình và từng người dân để bảo đảm ATTP, nhất là trong sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu để có chế tài xử lý nghiêm hơn, mạnh tay hơn đối với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng về ATTP.

Các địa phương cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ATTP tại địa bàn; phối hợp các sở, ngành liên quan tăng cường đào tạo, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ công tác trong lĩnh vực VSATTP. Thực hiện tốt các chương trình phối hợp, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, giám sát bảo đảm ATTP, nhất là đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ.

Tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP, đặc biệt là nhóm sản phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất, kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ, quản lý chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản xuất nông, lâm, thủy sản, chủ động xử lý các sự cố mất VSATTP; kịp thời cung cấp thông tin chính xác cho người dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai tổ chức sản xuất theo hướng tập trung bảo đảm ATTP; xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Ðức Tiến, để nâng cao chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, việc giám sát, quản lý phải được thực hiện một cách đồng bộ trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị nông sản, từ giống cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác, thu hoạch, vận chuyển, chế biến đến tiêu thụ.