Ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước không phù hợp, tình trạng khai thác quá mức, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nhất là nạn buôn bán động, thực vật trái phép… đang là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy giảm đa dạng sinh học ngày một gia tăng ở nước ta thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
Cá thể gấu sau khi được cứu đang sinh sống tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam. (Ảnh Bảo Trinh)
Cá thể gấu sau khi được cứu đang sinh sống tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam. (Ảnh Bảo Trinh)

Theo số liệu thống kê, đa dạng sinh học cung cấp thu nhập chính hoặc một phần cho khoảng 20 triệu người dân Việt Nam từ tài nguyên thủy sinh; mang lại thu nhập từ 20 đến 50% cho khoảng 25 triệu người sống trong hoặc gần rừng từ khai thác lâm sản ngoài gỗ. Rừng ngập mặn dọc bờ biển còn đóng vai trò là những “lá chắn xanh” làm giảm từ 20% đến 70% sức mạnh của sóng biển, đồng thời giúp bảo đảm an toàn đê biển, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng chi phí đê điều hằng năm. Đa dạng sinh học và các cảnh quan trên cạn và ven biển, đảo là nền tảng cho du lịch biển bền vững.

Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn tài nguyên đa dạng sinh học mang lại, Chính phủ Việt Nam đã tham gia và thực hiện nhiều cam kết quốc tế liên quan đến đa dạng sinh học như: Công ước Đa dạng sinh học (năm 1994); Công ước về chống sa mạc hóa (năm 1994); Công ước về kiểm soát buôn bán các loài hoang dã nguy cấp (năm 1994); Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen (năm 2004)… Tuy nhiên, với áp lực phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước chưa phù hợp, khai thác quá mức và buôn bán trái phép động thực vật hoang dã; ô nhiễm môi trường; biến đổi khí hậu; sinh vật ngoại lai xâm hại có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng ngày càng lớn đến đa dạng sinh học.

Mặt khác, hệ thống chính sách, pháp luật của nước ta chưa đồng bộ, tính hiệu lực, hiệu quả chưa cao; nguồn tài chính đầu tư cho đa dạng sinh học hạn hẹp, nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học của người dân còn nhiều hạn chế… đang là những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm đa dạng sinh học thời gian qua. Điển hình như trong 20 năm vừa qua, diện tích thảm cỏ biển ở Việt Nam đã giảm 45,4% và tỷ lệ giảm trung bình mỗi năm trên cả nước là 4,4%. Đáng lo ngại, một số nơi tại vùng biển Quảng Ninh và Hải Phòng thảm cỏ biển đã biến mất hoàn toàn. Khi thảm cỏ biển bị suy thoái, nguồn lợi thủy sản cũng bị suy giảm theo dẫn đến nhiều loài sinh vật biển quý hiếm sẽ bị mất đi nguồn dinh dưỡng và môi trường sống.

Các kết quả nghiên cứu và công bố của Viện Hải dương học Nha Trang về hiện trạng, xu thế biến động rạn san hô trong khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang vào các năm 2015, 2017, 2019 và 2020 cho thấy: Độ bao phủ trung bình của san hô cứng đạt 22% và đang có chiều hướng suy giảm. Đặc biệt, san hô cứng tại khu vực đảo Hòn Mun có tỷ lệ độ phủ trung bình đã suy giảm nghiêm trọng (năm 2016 là 51,095% đến năm 2020 còn 16,88%). Với điều kiện môi trường hiện nay ở vịnh Nha Trang, rất khó có khả năng phục hồi rạn san hô trong tương lai gần.

Trong sách Đỏ Việt Nam năm 2007, tổng số các loài động, thực vật hoang dã tự nhiên đang bị đe dọa là 882 loài, trong đó có tới tám loài được xem đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên, gồm: Tê giác hai sừng, bò xám, heo vòi, cầy dái cá, cá chép gốc, cá lợ thân thấp, hươu sao, cá sấu hoa cà. Các nhà khoa học Việt Nam đã đề xuất đưa vào Sách đỏ Việt Nam giai đoạn tới 1.211 loài, gồm 600 loài thực vật và 611 loài động vật. Trong đó, nhiều loài động vật trước đây chỉ ở mức sắp nguy cấp thì nay bị xếp ở mức rất nguy cấp như hoàng đàn, bách vàng, sâm vũ điệp, tam thất hoang…

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trương Quang Học (Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Để ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; từng bước nâng cao hiệu quả quản lý bền vững hệ thống di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên và hành lang đa dạng sinh học, Việt Nam cần tập trung thực hiện hiệu quả các chiến lược, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia; tiếp tục củng cố và mở rộng hệ thống di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên và thúc đẩy thành lập các khu bảo tồn đất ngập nước và biển. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư kinh phí cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó tập trung nghiên cứu, áp dụng các cơ chế tài chính mới để huy động nguồn lực cho bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học phù hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết…

Các chuyên gia môi trường, đa dạng sinh học đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, rừng, mặt nước; đồng thời thực hiện hiệu quả các giải pháp kiềm chế tình trạng ô nhiễm môi trường tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học; tiếp tục thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, nhất là phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế chia sẻ, tuần hoàn, các-bon thấp, sinh thái, thân thiện với môi trường.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ nạn khai thác, nuôi nhốt, buôn bán và tiêu thụ động vật, thực vật hoang dã trái pháp luật; kiểm soát việc khai thác tận diệt các loài hoang dã, đặc biệt là các loài chim trong các mùa di cư, các loài thủy sinh trong mùa sinh sản; tăng cường tuyên truyền, vận động người tiêu dùng không tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã; đồng thời tiếp tục củng cố mạng lưới thực thi pháp luật về bảo tồn động vật, thực vật, nhất là tại tuyến cơ sở trên cả nước…