Đây là tình trạng đáng báo động khi nhiều học sinh đang bị cuốn vào trò chơi đốt pháo nổ trong dịp Tết, gây mất an toàn cho chính các em và những người chung quanh.
Sau gần 30 năm Chính phủ ban hành chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán pháo nổ, người dân đều rất đồng thuận, tích cực hưởng ứng chấp hành.
Gần đây nhất, ngày 9/1, đại diện Bệnh viện II Lâm Đồng cho biết đã hoàn tất các thủ tục để chuyển hai học sinh bị thương do tự chế pháo nổ đến một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh điều trị, trong đó, một trường hợp bị đa chấn thương với hàng chục vết thương, có vết thương bụng kín vỡ gan, thủng ruột...
Ngày 8/1, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) đã phát hiện nhóm chín học sinh của một số trường trung học cơ sở trên địa bàn có hành vi tự chế pháo nổ trái phép. Lực lượng công an đã thu giữ một số dụng cụ dùng để tự chế pháo nổ, đồng thời lập biên bản vụ việc và phối hợp nhà trường, gia đình để quản lý, giáo dục đối với nhóm học sinh này.
Trước đó, trong tháng 12/2023, tại các trường học trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện gần 150 học sinh có liên quan việc mua tiền chất trên mạng xã hội để chế tạo pháo nổ, trong đó đã có trường hợp một nam thanh niên tử vong nghi do chế tạo pháo. Lực lượng công an đã thu giữ 71,5 kg pháo, 409 quả pháo và 3,45 kg thuốc pháo, 6,3 kg tiền chất thuốc pháo các loại.
Đây thật sự là những con số đáng báo động, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ trong quá trình chế tạo có thể dẫn đến những hậu quả hết sức nặng nề, nhẹ thì để lại di chứng thương tật về tay, mắt đến suốt đời, còn nặng thì tử vong. Vậy mà một bộ phận không nhỏ các em học sinh vẫn vô tư coi đây như một trò chơi tiêu khiển.
Trước thực trạng nêu trên, nhiều trường học đã phối hợp lực lượng công an và ngành chức năng tích cực tuyên truyền học sinh không tàng trữ, mua bán, sử dụng pháo nổ, nhằm bảo đảm các em có một kỳ nghỉ Tết Nguyên đán an toàn, lành mạnh.
Tại Đà Nẵng, ngành giáo dục và đào tạo cũng đã tích cực chủ động phối hợp nhà trường, ngành chức năng và gia đình các phụ huynh thực hiện linh hoạt từ tuyên truyền trực tuyến, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, fanpage của nhà trường; phối hợp đoàn thanh niên, lực lượng liên quan phát tờ rơi, tờ gấp, kết hợp với tuyên truyền miệng cho học sinh cam kết không sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo, vật liệu nổ; các bậc phụ huynh, gia đình tăng cường giáo dục, quản lý để các em không tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt pháo nổ trái phép.
Sau gần 30 năm Chính phủ ban hành chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán pháo nổ, người dân đều rất đồng thuận, tích cực hưởng ứng chấp hành.
Để tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ thị này của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt để phòng ngừa, ngăn chặn thanh, thiếu niên, học sinh tàng trữ, chế tạo và sử dụng pháo nổ trái phép đang có dấu hiệu gia tăng, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa lực lượng công an với chính quyền địa phương, ngành giáo dục và các ban, ngành, đoàn thể trong đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống pháo nổ; tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh quyết liệt đối với các vi phạm về pháo nổ.
Ngoài việc xử lý theo quy định thì khi phát hiện các trường hợp là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm, lực lượng chức năng cần gửi thông báo về cho chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình để phối hợp quản lý, giám sát và giáo dục.