Ngăn chặn rủi ro đạo đức trong ngân hàng

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã bắt giam và thẩm vấn hàng loạt cán bộ, nhân viên ngân hàng vì những sai phạm cố ý có liên quan đến rủi ro đạo đức trong kinh doanh ngân hàng.

Rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng là việc cho vay mạo hiểm quá mức giữa ngân hàng và khách hàng vay, gây hậu quả nặng nề cho người gửi tiền và bản thân ngân hàng. Rủi ro đạo đức có thể đến từ phía khách hàng, khi họ cố tình che giấu thông tin và thực hiện những hoạt động gây rủi ro cho khoản vốn vay mà người cho vay không mong muốn. Rủi ro đạo đức còn đến từ chính sự lựa chọn, bố trí sử dụng nhân sự ngân hàng thiếu năng lực, phẩm chất, tư cách đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến sự thông đồng giữa cán bộ quản lý và nhân viên ngân hàng với khách hàng để che giấu thông tin thật, nâng khống giá trị tài sản thế chấp và cố tình vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn cho vay, miễn sao có tiền “lại quả”, thậm chí lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng và ngân hàng trong huy động và rút tiền…

Nhìn chung, rủi ro đạo đức tồn tại do thiếu các chính sách, tiêu chuẩn cho vay rõ ràng, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, khoa học và cả do những bất cập trong công tác quản lý cán bộ từ phía ngân hàng.

Rủi ro đạo đức gia tăng khi có bất ổn trên thị trường tài chính; đồng thời, chính rủi ro đạo đức lại trực tiếp làm gia tăng những căng thẳng và bất ổn này, làm gia tăng rủi ro, hệ lụy xấu không chỉ cho riêng mỗi ngân hàng, mà còn đe dọa sự ổn định và lành mạnh của cả hệ thống ngân hàng, cộng đồng doanh nghiệp, với những hệ lụy và chi phí đắt đỏ khôn lường cho toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của cả quốc gia.

Nói một cách bóng bẩy, kinh doanh ngân hàng là kinh doanh niềm tin. Khi mất niềm tin, khách hàng không gửi tiền và đối tác không giao dịch, thì không còn hoạt động ngân hàng đúng nghĩa. Rủi ro đạo đức có thể xảy ra ở mọi khâu và dù xảy ra ở khâu nào trong hoạt động ngân hàng, hậu quả mà nó gây ra là vô cùng to lớn đối với tài sản và danh tiếng của ngân hàng.

Để kiểm soát các rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng, cần có sự chỉ đạo tập trung và thống nhất, quyết liệt từ NHNN, đến mỗi ngân hàng và từng đơn vị. Theo đó, cần đề cao chất lượng công tác tuyển lựa và thanh lọc nhân sự, nhất là trong các khâu quan trọng trong quy trình thu - chi, thanh toán ngân hàng. Xây dựng và áp dụng các bộ quy chuẩn đạo đức nghiêm ngặt và nâng cao nhận thức về đạo đức nghề nghiệp; không ngừng nâng cấp, hoàn thiện những yêu cầu và các quy trình nghiệp vụ cụ thể, chi tiết. Làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng bộ phận, và tăng cường hoạt động nghiệp vụ giám sát, thanh tra, kiểm tra trong nội bộ và trong toàn hệ thống; bảo đảm sự minh bạch và thông suốt thông tin, khả năng chủ động nhận diện, phát hiện sớm và áp dụng có hiệu lực thực tế các chế tài nghiêm khắc cho các rủi ro, những hành vi vi phạm hoặc những dấu hiệu cảnh báo, nghi ngờ đạo đức nghề nghiệp của cấp trên, đồng nghiệp…

Rủi ro đạo đức cần được nhận diện sớm, ngăn chặn quyết liệt, liên tục, nghiêm túc và thực chất, với tinh thần “phòng hơn chữa”, mà trách nhiệm trước hết thuộc về từng ngân hàng và các cơ quan quản lý nhà nước về ngân hàng.