Để thiết lập lại trật tự thị trường thuốc BVTV; góp phần bảo vệ sản xuất nông nghiệp, quyền lợi của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp hoạt động chân chính, cơ quan chức năng cần có biện pháp cứng rắn và quyết liệt hơn.
Nhiều bất cập trong quản lý
Sự lộn xộn trên thị trường phân bón, thuốc BVTV xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và danh mục phân bón được công nhận lưu hành tại Việt Nam hiện nay có số lượng quá lớn. Cụ thể, lượng phân bón của nước ta lên tới gần 21 nghìn sản phẩm. Đối với lĩnh vực thuốc BVTV, Việt Nam có tới gần 400 hoạt chất đơn, hàng nghìn hoạt chất hỗn hợp và khoảng 4.000 tên thương phẩm. Điều này khiến người tiêu dùng rất khó lựa chọn, hiểu được tác dụng cũng như phân biệt hàng thật, hàng giả, kém chất lượng. Đây chính là kẽ hở lớn để các đối tượng xấu lợi dụng. Mặc dù nạn sản xuất và tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng diễn ra phức tạp nhưng đến thời điểm hiện tại ngành nông nghiệp vẫn chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón. Đối với hình thức gian lận thương mại (gồm sản phẩm kém chất lượng; hoặc ghi nhãn hàng hóa mập mờ thương hiệu) hiện chỉ bị xử phạt hành chính dẫn đến chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.
Trưởng phòng Pháp chế (Cục BVTV) Nghiêm Quang Tuấn cho rằng, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV và phân bón trong cả nước lên tới vài chục nghìn nhưng chủ yếu là nhỏ lẻ, nằm phân tán. Trong khi đó, sự vào cuộc kiểm tra, kiểm soát tại một số địa phương thiếu sự quyết liệt. Chính quyền địa phương (huyện, xã) chưa phối hợp thực hiện một cách hiệu quả với các lực lượng chức năng để ngăn chặn, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng tại địa phương. Ở một số nơi, nguồn lực về con người, nhất là lực lượng thanh tra chuyên ngành thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến công tác thanh, kiểm tra, nắm bắt tình hình ở các địa bàn. Mặc dù nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc BVTV chân chính bị các đối tượng làm nhái thương hiệu nhưng vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, giảm doanh thu cho nên e ngại, ít chủ động hợp tác để thu hồi và xử lý các sản phẩm bị làm giả, làm nhái… dẫn đến việc quá hạn, khó xử lý.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang Lộc Kim Liễn, muốn xác định được phân bón giả hay kém chất lượng, cơ quan chức năng phải lấy mẫu kiểm định. Tuy nhiên, công đoạn này tốn nhiều thời gian. Trong khi chờ kết quả thử nghiệm để xác định chất lượng phân bón, các cơ sở kinh doanh vẫn được quyền bán các lô hàng. Do vậy, khi có kết quả thử nghiệm, nếu có phát hiện phân bón giả, kém chất lượng thì số hàng hóa đó nhiều khi đã được bán hết cho nông dân. Tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, phần lớn các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, phân tán, việc thu hồi và xử lý sản phẩm kém chất lượng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thói quen của người tiêu dùng khi mua hàng không cần lấy hóa đơn cho nên một số doanh nghiệp đã không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn nhưng không đầy đủ. Khi phát hiện hàng giả, cơ quan chức năng không có đủ căn cứ để xử lý đối tượng vi phạm.
Cần giải pháp quyết liệt
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Đàm Thanh Thế cho rằng, để kiểm soát tốt việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, các ban, ngành liên quan cần chủ động theo dõi, đánh giá đúng tình hình hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên từng địa bàn. Cùng với đó, tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với những doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV có dấu hiệu vi phạm, từng có vi phạm hoặc có thông tin, tài liệu về hoạt động vi phạm để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
Theo Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung, ngành chức năng cần lập các chuyên án đấu tranh, triệt phá các đường dây, các tổ chức sản xuất, vận chuyển, buôn bán phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng. Đồng thời, phải quy trách nhiệm, xử lý theo quy định pháp luật đối với người đứng đầu địa phương, địa bàn nào để xảy ra tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc BVTV, phân bón giả, kém chất lượng phức tạp, kéo dài.
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường phân bón giả, kém chất lượng hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, để thuận lợi hơn trong công tác quản lý phân bón, thuốc BVTV, cơ quan chức năng nên cân nhắc giải pháp “tinh gọn” danh mục thuốc BVTV cũng như phân bón. Thực tế, những nước láng giềng có tỷ trọng nông nghiệp lớn như Thái-lan cũng chỉ có khoảng 100 loại phân bón. Đồng thời, cần sớm ban hành quy chuẩn quốc gia về chất lượng phân bón. Cùng với đó phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất chứ không chỉ dừng ở cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh. Các đơn vị liên quan cần phối hợp rà soát, đánh giá lại những bất cập, chồng chéo trong các quy định của pháp luật về phân bón, thuốc BVTV, từ đó, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về phân bón, thuốc BVTV phù hợp thực tiễn. Xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng.
Bài 1 : Diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi
Hiện cả nước có 814 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện hoạt động. Trong số này, có 545 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ do Bộ Công thương cấp phép, còn lại do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép; khoảng 30 nghìn cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV và khoảng 90 cơ sở đủ điều kiện sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc BVTV.