Mới đây, trong chương trình Cà-phê sáng với VTV3, một nhà báo kiêm dẫn chương trình truyền hình đã bức xúc cho biết, gần đây phát hiện một website tự tiện lấy tên tuổi, hình ảnh, thậm chí tự bịa ra bài phỏng vấn về ông để bán thuốc trị ngáy, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ông khi không ít người tưởng thật. Nhà báo này khẳng định, đây không phải lần đầu ông bị lợi dụng để bán hàng qua mạng, mặc dù đã nhiều lần nhờ tới các phương tiện thông tin đại chúng xác nhận ông không dùng facebook, cũng không bao giờ dùng hình ảnh, tên tuổi của mình quảng cáo cho bất kỳ loại hàng hóa nào, nhưng vẫn bị nhiều trang facebook mạo danh. Hàng loạt nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng vừa qua cũng chung cảnh ngộ, là nạn nhân của thói “xài chùa” hình ảnh. Sau thành công từ bộ phim Người phán xử, sức nóng của nhân vật chính Phan Quân đã khiến nhiều kẻ xấu liên tiếp lợi dụng hình ảnh của diễn viên đóng vai này để quảng cáo cho đủ các thể loại sản phẩm thuốc, từ trị ngáy ngủ tới trị hôi nách. Một số ca sĩ, người mẫu thời trang được nhiều người biết tới cũng không ít lần vướng vào những câu chuyện dở khóc dở cười.
Thực trạng trên, một mặt báo động mức độ “loạn” quảng cáo kinh doanh trên mạng xã hội, mặt khác, cũng cho thấy nhiều nguy hại tiềm tàng. Nguy hiểm hơn, khi nạn hàng giả, hàng nhái đang được giới thiệu tràn lan trên mạng thì những quảng cáo kiểu “đánh lận con đen” này rất dễ khiến người xem tin thật và trở thành nạn nhân của việc tiêu thụ các sản phẩm kém chất lượng.
Điều 32, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh nêu rõ: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định thì người có hình ảnh bị lạm dụng có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa, việc tự ý sử dụng hình ảnh của người khác mà không có sự cho phép là vi phạm pháp luật. Và những người bị sử dụng hình ảnh cá nhân cho việc quảng cáo mà không có sự đồng ý của họ, hoàn toàn có quyền kiện các cá nhân, đơn vị có hành vi xâm phạm hình ảnh, đồng thời buộc phải bồi thường thiệt hại. Cho dù điều luật rõ ràng như vậy, nhưng thời gian qua, dường như giới văn nghệ sĩ không mấy ai tìm đến pháp luật để bảo vệ hình ảnh cho mình. Còn những cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép lâu nay khi bị “đánh động” cũng chỉ cần gỡ bỏ hình ảnh là xong, ít khi bị cơ quan chức năng xử lý. Thực tế này càng khiến tình trạng lạm dụng, khai thác hình ảnh cá nhân của nghệ sĩ, người nổi tiếng càng trở nên “loạn”.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong trường hợp phát hiện tên tuổi của mình bị sử dụng trái phép, các nghệ sĩ nhất thiết phải đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm. Việc kiên quyết giải quyết triệt để các vụ việc sẽ là hồi chuông cảnh báo, răn đe và ngăn chặn hữu hiệu những hành vi lạm dụng hình ảnh để quảng cáo trái pháp luật. Bên cạnh đó, trong môi trường kinh doanh kiểu “tranh tối tranh sáng” trên mạng xã hội, chính người tiêu dùng cũng phải nâng cao ý thức cảnh giác, thẩm định nguồn tin kỹ càng trước khi quyết định mua một sản phẩm nào có gắn với hình ảnh người nổi tiếng.