Nguyễn Thành Trung từng là cựu học sinh lớp 12 chuyên Lý khóa 2009 – 2012 của trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Năm ngoái, Trung dự thi vào khoa Sư phạm Toán của trường ĐH Sư phạm Hà Nội với điểm số 26,5. Trung cho biết, Toán vốn là môn sở trường của em, tự nhận thấy mình cũng có chút năng khiếu sư phạm nên ngày xưa em đã quyết định con đường trở thành thầy giáo dạy Toán.
Cô giáo chủ nhiệm lớp 12 Chuyên Lý Lê Thơ An cũng cho biết, ở lớp Trung thường xuyên đóng vai trò là “thầy giáo”, giảng giải kiến thức và tháo gỡ những thắc mắc liên quan tới bài học cho các bạn. Nhận thấy năng khiếu của Trung, cô giáo chủ nhiệm và bố mẹ đã hướng Trung thi vào ĐH Sư phạm.
Tuy nhiên, sau hai tháng học tập ở đây, Trung dần nhận ra nghề giáo không hợp với mình trong khi đam mê tìm hiểu về kỹ thuật ngày một lớn. Vì vậy, Trung đã xin ý kiến của bố mẹ và rút hồ sơ về để ôn thi lại vào khoa Tự động hóa của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Khi quyết định ngã rẽ quan trọng cho cuộc đời mình, Nguyễn Thành Trung cũng đã suy nghĩ và phải đấu tranh để bảo vệ ước mơ trở thành kỹ sư. Bố mẹ của Trung từ chỗ gọi điện khuyên can con không được đã từ Vinh ra Hà Nội để thuyết phục con suy nghĩ lại.
“Thời điểm đó tôi rất buồn, khóc lóc rồi cố gắng động viên con nên tiếp tục học sư phạm, không nên mạo hiểm bỏ phí mất một năm trời. Lúc đó chúng tôi nghĩ con trai mình trẻ nên còn bồng bột, suy nghĩ không chín chắn. Cuối cùng chúng tôi hiểu con muốn được học và làm việc với chính đam mê của mình nên đã đồng ý” – cô Phan Thị Lộc nhớ lại.
Cô giáo chủ nhiệm cũng đã khuyên Trung nên cân nhắc, nhưng cũng động viên em quan trọng là phải có niềm đam mê và yêu nghề. Chính cô An là người đã tâm sự với Trung rất nhiều, chia sẻ những điều mà Trung sẽ phải “đối mặt” nếu như Trung thi lại trường khác. Sự quả quyết và đam mê của Trung khiến cô hiểu cậu học trò “cưng” đã có sự lựa chọn.
Thuyết phục được gia đình, khi đã về ôn thi lại, nhiều lúc Trung cũng cảm thấy mơ hồ lo lắng nếu như mình không đỗ. Nhưng việc ôn tập chắc chắn cộng với những lần thi thử ở ĐH Vinh đạt kết quả cao nên sự hoài nghi cũng mất dần.
Đều đặn mỗi ngày Thành Trung chia ra thời gian biểu: buổi sáng dành ba tiếng học Hóa, ba tiếng buổi chiều học Lý và bốn tiếng buổi tối dành cho môn Toán. Mỗi buổi học Trung đều luyện một đề thi thử, cố gắng giải đề trong thời gian ngắn nhất và chính xác nhất có thể, sau đó xem lại đáp án để tự chấm điểm. Dạng đề nào hay, hóc búa Trung ghi lại và nghiên cứu thêm. Vì vậy kiến thức ngày càng tích lũy và Trung cũng dần “phản ứng nhanh” với các dạng đề.
Sáng nay khi được người bạn thân thông báo mình đạt thủ khoa với số điểm tuyệt đối hai môn Toán và Hóa, 9,75 đểm môn Lý, Thành Trung khá bất ngờ. “Em nghĩ mình chỉ được 29 điểm thôi, không ngờ lại được cao như vậy và còn đạt thủ khoa nữa. Ngay lập tức em đã gọi điện báo tin cho bố mẹ và anh trai” – Trung chia sẻ.
Cô Lộc – mẹ của Trung không giấu nổi vui mừng nói: “Lúc nhận tin từ Trung tôi đang đi ngoài đường, niềm vui vỡ òa và rất hãnh diện về con trai. Tâm trạng lâng lâng đến nỗi đi lạc đường mà không biết”.
Cô giáo chủ nhiệm Lê Thơ An cho biết, cô rất tự hào không bất ngờ về thành tích của học trò bởi Trung vốn thông minh và rất nghiêm túc trong học tập. Năm 11 cô An từng đặt mục tiêu này cho Thành Trung nhưng năm đó hơi áp lực nên em chỉ được 26,5 điểm.
Chia sẻ về dự định sắp tới, Thành Trung cho biết sẽ nỗ lực hết sức trong môi trường học tập vốn khó khăn và cạnh tranh cao ở trường Bách Khoa. Trung cũng mong muốn có thể xin được học bổng để du học. Chàng thủ khoa hồ hởi: “Em thích du học ở Singapore vì môi trường học tập tốt, chuyên nghiệp và những anh chị mà em ngưỡng mộ, mến phục cũng đều đi du học ở Singapore”.
![]() |
Nguyễn Thành Trung và lớp cấp 3.
![]() |
Nguyễn Thành Trung (đứng ngoài, bên trái) cùng hội bạn thân trong lớp cấp 3.