Nga: Hệ thống đánh chặn tên lửa của Mỹ chưa thể hiệu quả trong 10-15 năm tới

Mỹ hiện chưa thể đánh chặn tên lửa Topol-M của Nga.
Mỹ hiện chưa thể đánh chặn tên lửa Topol-M của Nga.

Sau nhiều năm đàm phán thăm dò và 15 tháng đàm phán chính thức, ngày 20-8, tại Thủ đô Warsaw, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan R.Sikorski và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ C.Rice đã ký thỏa thuận về việc triển khai một bộ phận thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ (NMD) trên lãnh thổ Ba Lan.

Trước đó, Mỹ và Czech đã ký thỏa thuận về đặt một trạm radar theo dõi tên lửa đạn đạo và dẫn đường cho tên lửa đánh chặn của Mỹ trên lãnh thổ Czech nằm trong kế hoạch mở rộng hệ thống NMD của Mỹ tại Ðông Âu. Thỏa thuận nói trên đang làm mối quan hệ giữa Washington và Moscow, vốn đã căng thẳng sau cuộc xung đột ở Nam Ossetia (thuộc Gruzia) trở nên căng thẳng hơn.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2011-2013, Mỹ sẽ triển khai mười tên lửa đánh chặn có tầm bắn hơn 3.000 km trên lãnh thổ Ba Lan và lắp đặt một trạm radar ở CH Czech, bổ sung hệ thống NMD hiện có ở Mỹ, đảo Greenland và Anh.

Mỹ lấy lý do mở rộng NMD tại khu vực Ðông Âu là để phòng vệ, giúp châu Âu và Mỹ đối phó với cái mà Washington gọi là "mối đe dọa từ các quốc gia hạt nhân" như CHDCND Triều Tiên và Iran.

Thỏa thuận cũng đề cập vấn đề Washington viện trợ quân sự cho Warsaw trong trường hợp Ba Lan bị nước thứ ba tiến công. Moscow đã nhiều lần phản đối gay gắt kế hoạch trên vì cho rằng việc Mỹ triển khai NMD ở Ðông Âu đe dọa an ninh của Nga, phá hủy khả năng ngăn chặn hạt nhân của Nga cũng như phá vỡ thế cân bằng lực lượng ở châu Âu sau thời kỳ chiến tranh lạnh.

Ðại diện thường trực của Nga tại NATO D.Rogozin khẳng định, thỏa thuận giữa Mỹ và Ba Lan về triển khai NMD giữa lúc đang xảy ra cuộc khủng hoảng ở Gruzia càng cho thấy hệ thống này là nhằm vào Nga, đặc biệt khi các tên lửa đánh chặn của Mỹ dự kiến được bố trí gần biển Baltic, cách biên giới cực Tây của Nga khoảng 180 km.

Trước đó, Phó Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Thượng tướng A.Nogovitsyn cảnh báo, Ba Lan đang tự đặt mình thành mục tiêu của quân đội Nga khi chấp thuận để Mỹ bố trí tên lửa đánh chặn trên lãnh thổ nước mình. Ông khẳng định, học thuyết quân sự của Nga cho phép quân đội nước này sử dụng vũ khí hạt nhân để "chống các đồng minh của các nước có vũ khí hạt nhân nếu họ bằng cách nào đó giúp đỡ các nước kia". Ðây là lời đe dọa mạnh mẽ nhất mà Moscow đưa ra liên quan kế hoạch của Mỹ mở rộng hệ thống NMD tại Czech và Ba Lan.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga S.Lavrov ngay lập tức hủy chuyến thăm làm việc tới Warsaw dự kiến trong tháng 9 tới. Ðồng thời, Tổng thống Nga D.Medvedev đã có cuộc gặp người đồng cấp Belarus A.Lukashenko tại Sochi (Nga) thảo luận về vấn đề hợp tác phòng không chung giữa hai nước. Hai bên nhất trí  tổ chức cuộc họp Hội đồng quốc gia tối cao của Liên minh Nga - Belarus tại Moscow vào mùa thu tới để ký Hiệp ước xây dựng hệ thống phòng không thống nhất đối phó việc mở rộng NMD của Mỹ ở khu vực Ðông Âu.

Mỹ và Liên Xô (trước đây) đã ký kết Hiệp ước về hệ thống phòng thủ tên lửa năm 1972, cấm các bên xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia. Theo đó, Nga đã cắt giảm trên quy mô lớn số vũ khí hạt nhân theo các hiệp ước về hạn chế vũ khí tiến công chiến lược xuống còn khoảng 200-300 tên lửa. Nhưng Mỹ đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước này năm 2002. Hệ thống NMD của Mỹ chính thức triển khai năm 2004, gồm nhiều tầng bảo vệ. Tuyến trên bộ có các căn cứ tên lửa đánh chặn và các trạm radar báo động sớm được xây dựng ở Mỹ, Anh và đảo Greenland. Tuyến trên biển, gồm các chiến hạm được lắp vũ khí đánh chặn tên lửa đường đạn. Tuyến đường không-vũ trụ, bao gồm mạng lưới các vệ tinh phát hiện, vũ khí tiến công bố trí trên máy bay và các vệ tinh bay trên quỹ đạo quanh Trái đất.

Nhiều chuyên gia quân sự lo ngại dự án lá chắn tên lửa của Mỹ sẽ lan rộng dọc theo các biên giới của Nga và có thể vô hiệu hóa tiềm lực hạt nhân của Nga trước năm 2012-2015. Việc mở rộng NATO về phía Ðông cũng là một phần trong kế hoạch này.

Tuy nhiên, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga khẳng định, Mỹ chưa có khả năng xây dựng hệ thống đánh chặn tên lửa có hiệu quả trong 10-15 năm tới. Trong khi Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới trang bị tên lửa xuyên lục địa mang theo nhiều đầu đạn có thể tự dẫn tới những mục tiêu cần tiến công. Hiện tại, Nga đã có tên lửa đường đạn chiến lược mới Topol-M có khả năng cơ động cao mà Mỹ chưa thể đánh chặn.

Việc Mỹ và Ba Lan ký thỏa thuận triển khai NMD của Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan vào giữa lúc xảy ra cuộc khủng hoảng ở Gruzia đang làm cho quan hệ giữa Moscow và Washington trở nên căng thẳng và là dấu hiệu về nguy cơ tái phát cuộc chiến tranh lạnh. Nga cảnh báo về nguy cơ nổ ra một cuộc chạy đua vũ trang mới, và khẳng định nếu điều đó xảy ra lỗi hoàn toàn là do phía Mỹ vì Washington đã làm "thay đổi thế cân bằng chiến lược".

Một vài con số về lá chắn tên lửa của Mỹ ở Ðông Âu

* Toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ (NMD) trị giá khoảng 60-100 tỷ USD, sẽ sử dụng công nghệ "đánh và diệt", theo đó giàn cảm ứng và radar phát hiện tên lửa đối phương và dẫn đường tên lửa đánh chặn đặt dưới mặt đất phá hủy tên lửa của đối phương. Không sử dụng chất nổ, tên lửa đánh chặn lao vào tên lửa đối phương với tốc độ 240.000 km/giờ giống như hai viên đạn đâm vào nhau trên không gian.

* Theo kế hoạch, việc lắp đặt hệ thống radar tại CH Czech là nhằm phát hiện những tên lửa bắn từ khu vực Trung Ðông. Washington sẽ triển khai mười tên lửa đánh chặn tại Ba Lan với tốc độ 3.000 km/giờ. Các tên lửa này được đặt tại các hầm dưới lòng đất có diện tích bằng một sân bóng đá.

* Trong quá trình đàm phán, Ba Lan yêu cầu Mỹ cấp 20 tỷ USD để nâng cấp hệ thống phòng thủ trên không của nước này nhưng Mỹ trả giá rất thấp khiến đàm phán nhiều lần đi vào ngõ cụt.

* Sau khi được QH  Czech và Ba Lan thông qua, công việc xây dựng hai nơi lắp đặt sẽ được bắt đầu vào năm 2009 và hoạt động  năm 2011 và 2013.