Tại Nga có khá đông những người đang độ tuổi lao động, có sức khỏe nhưng lại nằm dài chờ trợ cấp thất nghiệp của nhà nước. Sắp tới cảnh sống an nhàn này sẽ không còn nữa sau sự ra đời của đạo luật cưỡng bức lao động.
Báo chí Nga cho biết Duma quốc gia đang xem xét dự luật cưỡng chế lao động công ích đối với những người có sức khỏe nhưng lại sống bằng tiền trợ cấp. Sáng kiến này do Duma tỉnh Sverdlovsk đề xuất và gợi nhớ về đều khoản trừng phạt về tội ăn bám của Bộ luật hình sự Liên Xô.
Cốt lõi của dự luật là chống nạn thất nghiệp bằng cách bắt buộc những người trẻ, khỏe đang hưởng trợ cấp của nhà nước phải tham gia lao động công ích, chẳng hạn như quét dọn đường phố hoặc trồng cây xanh. Các đại biểu Duma tỉnh Sverdlovsk đã nghiên cứu kỹ kinh nghiệm sử dụng lao động công ích của lính nghĩa vụ và bài học chống ăn bám của luật pháp Xô viết trước đây. Nhưng trong thời buổi hiện nay cưỡng chế lao động không thể áp dụng theo biện pháp hành chính mà phải bằng biện pháp kinh tế - ai từ chối lao động công ích sẽ bị giảm hay cắt hẳn trợ cấp sau một thời gian nhất định.
Theo "Báo Độc lập" (Nga) ngày 19-6, luật pháp của Nga có điểm chưa hoàn chỉnh, trong đó có việc không khuyến khích người thất nghiệp tham gia lao động công ích. Duma tỉnh Severdlovsk đề nghị sửa điều "người thất nghiệp tham gia lao động công ích sẽ thôi hưởng trợ cấp" (vì đã nhận được tiền bồi dưỡng) thành "người thất nghiệp phải tham gia lao động công ích mới được hưởng tiếp trợ cấp".
Dự luật cưỡng chế lao động đưa ra cả "cây gậy" và "củ cà rốt". Nhưng xem ra "cây gậy" có phần nặng hơn. Điều này xuất phát từ các con số thống kê mong muốn làm việc ở những người thất nghiệp giảm mạnh sau khi họ được đưa vào danh sách chờ nhận trợ cấp trong bốn tháng đầu tiên. Sắp tới luật lao động sẽ được điều chỉnh theo hướng cứng rắn hơn với những người ngại việc: "Trong trường hợp công dân thất nghiệp từ chối tham gia lao động công ích thì sau ba tháng tiền trợ cấp sẽ bị giảm 50% suốt ba tháng. Trong trường hợp tiếp tục từ chối lao động công thì sau tám tháng trợ cấp có thể bị cắt suốt ba tháng".
Tuy nhiên, việc cưỡng bức lao động công ích cũng có những điều rắc rối. Chẳng hạn, phải trả công ra sao cho lao động công ích. Trả nhiều thì lấy đâu ra tiền, còn trả rẻ mạt thì vô tình đẩy công nhân quét rác và công nhân trồng cây vào tình trạng thất nghiệp vì không cạnh tranh được. Hơn nữa, Nga đang muốn xích lại với văn minh phương Tây và các biện pháp cưỡng bức (dù có ý nghĩa giáo dục và hiệu quả thiết thực) cũng sẽ bị một số thế lực chỉ trích là "phi dân chủ"!