Theo đó, từ ngày 1/4, các du khách nước ngoài muốn đi bộ đường dài khám phá những khu vực xa xôi phải thuê một hướng dẫn viên được chính phủ cấp phép hoặc đi theo nhóm.
Các quy tắc mới áp dụng cho khách du lịch quốc tế ở mọi cấp độ kinh nghiệm trên các chuyến đi bộ đường dài trong các công viên quốc gia của Nepal, như công viên quốc gia Annapurna Circuit, một tuyến đường dài 150 dặm vòng quanh dãy núi Annapurna. Du khách vẫn có thể thực hiện các chuyến đi bộ đường dài một mình bên ngoài các công viên quốc gia, chẳng hạn như xung quanh thành phố Kathmandu.
Nepal là quê hương của 8 ngọn núi cao nhất thế giới, nhưng đất nước này cũng nổi tiếng với những khu vực đi bộ đường dài xuyên rừng tuyệt đẹp.
Mặc dù ngành công nghiệp leo núi là một trong những tạo ra nguồn thu lớn nhất của đất nước, nhưng chi phí cho các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ dành với những người đi bộ đường dài một mình bị lạc là rất lớn.
Ông Mani R. Lamichhane, Giám đốc Hội đồng Du lịch Nepal cho hay: “Khi bạn đi du lịch một mình, trong trường hợp khẩn cấp sẽ không có ai giúp bạn…Đi du lịch trong thành phố thì không sao, nhưng ở vùng núi xa xôi, cơ sở hạ tầng không đầy đủ".
Ông Lamicchane nói thêm rằng, khi khách du lịch mất tích hoặc được tìm thấy đã tử vong, ngay cả chính phủ cũng không thể biết được hành trình của họ vì họ đã đi theo những lộ trình xa xôi.
Do đó, “Quyết định này được đưa ra vì lợi ích của khách du lịch”, ông Lamicchane nói.
Trekking ở những khu vực nông thôn hẻo lánh của Nepal cũng phải qua các công ty du lịch được cấp phép.(Ảnh: CNN) |
Bên cạnh việc bảo đảm an toàn cho du khách thích thám hiểm, các công ty và hướng dẫn viên du lịch không có giấy phép cũng là một vấn đề. Những công ty không đăng ký với chính phủ này sẽ không đóng thuế và lấy đi việc làm của người Nepal. Hiệp hội leo núi Nepal đã yêu cầu Hội đồng du lịch Nepal (NTB) phải có biện pháp ngừng các hoạt động leo núi, đi bộ đường dài trái phép.
Theo NTB, năm 2019, có khoảng 50.000 khách du lịch đã đi bộ đường dài tự túc, không có hướng dẫn viên hoặc người khuân vác ở Nepal. Những khách du lịch này đã thực hiện các chuyến thám hiểm bằng cách xin giấy phép tuyến đường và thẻ Hệ thống quản lý thông tin khách du lịch (TIMS).
Thẻ TIMS là giấy phép leo núi cơ bản mà khách du lịch nước ngoài đi du lịch mạo hiểm bắt buộc phải có. Nhưng quyết định mới nhất này, từ ngày 1/4, TIMS cũng sẽ không cấp cho các du khách đi tự túc. Du lịch sẽ phải qua một công ty leo núi để có được thẻ này.
Hội đồng cũng đã tăng giá giấy phép TIMS lên 2.000 Rs (khoảng 15,5 USD) mỗi người. Trước đó, những người đi du lịch theo nhóm lớn đã trả 1.000 Rs cho thẻ TIMS trong khi những người đi một mình trả 2.000 Rs. Giấy phép TIMS cho công dân của Hiệp hội hợp tác các nước khu vực Nam Á (SAARC) cũng đã tăng lên 1.000 Rs.
Vào năm 2019, trước đại dịch, hơn 400.000 khách du lịch đã đến các công viên quốc gia của Nepal để leo núi và đi bộ xuyên rừng, theo số liệu của chính phủ. Ông Lamichhane cho biết khoảng 46.000 người trong số họ đã đi leo núi một mình. Những người leo núi chủ yếu đến từ Mỹ, Anh, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ và Nhật Bản.
Năm ngoái, khi du lịch phục hồi, có khoảng 22.000 du khách tới Nepal thực hiện các chuyến đi bộ đường dài tự túc. Con số này vẫn giảm so với những năm trước đại dịch. Người đứng đầu NTB bày tỏ, ông hy vọng quy định mới sẽ giúp tạo việc làm cho hướng dẫn viên và những người lao động khác trong ngành du lịch.