Tôi kể cho họa sĩ, điêu khắc gia Lê Đình Nguyên, người bạn đồng hành, rằng tại con đường chúng ta đang đi đây, ngày 18-10-1952, viên trung úy Mác-xen Bi-giơ-a (Marcel Bigead), được coi là người hùng của quân đội viễn chinh Pháp đã dẫn đại đội quân thiện chiến nhảy dù xuống Tú Lệ, nhằm ứng cứu cho Nghĩa Lộ sắp bị thất thủ. Đội du kích Cao Phạ đã chốt chặn và chiến đấu quyết liệt với quân địch ở đèo này. Người hùng Bi-giơ-a và đại đội dù được trang bị tận răng của ông ta đã bị những du kích người Mông với vũ khí thô sơ đánh cho tơi tả, chỉ vài người chạy thoát thân về bên Lào. Sau này ở Pháp, tôi từng viết về đại tướng Pháp Mác-xen Bi-giơ-a khi ông qua đời. Leo càng lên cao thấy chiều xuống, sương ở đâu bay ra như mây quấn quýt. Tôi chỉ xuống một vực thẳm bồng bềnh sương trắng như những dải khăn bốn mùa quấn trên sườn vực, kể cho họa sĩ Nguyên nghe, tại đây, chín du kích người dân tộc vùng cao năm nào bị giặc quây bắt đã cầm tay nhau nhảy xuống vực, quyết không chịu nhục khi giặc định giải họ về Nghĩa Lộ. Những người dân tộc vùng cao khi đã theo cách mạng là theo đến cùng.
Chúng tôi tới thị trấn Mù Căng Chải thì trời đã sẩm tối. Các cánh núi sậm lên thêm trên nền trời thu trong leo lẻo ở độ cao 1.800 mét. Không khí trong vắt, mây sương ẩn hiện, chập chờn bao nhiêu điểm lửa đỏ, từ đó khói chảng bảng bay lên rồi tan vào trời vào núi. Người nông dân Mông giờ này vẫn còn trên các khu ruộng bậc thang trập trùng, cao tít tắp. Họ đốt rơm rạ làm phân tro để ruộng khỏi bạc màu.
Buổi tối thật giản dị trong khu nhà khách Suối Mơ của UBND thị trấn với Chủ tịch Vũ Tiến Đức và đồng chí Vũ Đình Lợi, Phó Bí thư Huyện ủy Mù Căng Chải. Tôi hỏi về những cán bộ đảng người dân tộc năm nào; về Bí thư Lý Chùa Vàng của bản nghèo Chế Cu Nha, quanh năm suốt tháng bám dân, nhà nào ngoảnh về đâu cũng thuộc, biết bé nào mới sinh và ai còn nghèo đang cần nhà nước giúp đỡ. Tôi hỏi về các thầy cô dưới xuôi năm ấy lên đây dâng hiến hết tuổi xuân cho việc dạy học, ai còn trụ lại? Hóa ra các cán bộ huyện nắm rất chắc đội ngũ ấy, người già đã về nghỉ, thay họ là lớp trẻ; người thì vẫn bám trụ, tất cả vẫn là vì sự nghiệp, neo dân, giữ đất bằng cả tấm lòng.
Sớm Mù Căng Chải vô cùng yên tĩnh, chim hót vang lừng. Không khí núi nhẹ trong tràn trên dãy phố trải dài, bao nhiêu cửa hàng, cửa hiệu mới xây. Bốn bề là núi ôm choàng lấy phố và nghe rõ tiếng con suối lớn Nậm Thia rì rào chảy. Mới sớm thế mà đồng bào các dân tộc từ khắp bản xa đã về đây bán sản phẩm nông nghiệp sạch không có hóa chất. Áo sắc đủ mầu, rau tươi, khoai, ngô, thịt cá, thuốc nam... bày bán ê hề làm phố núi như choàng tỉnh giấc, sinh động khác hẳn ngày xưa. Chủ tịch Vũ Tiến Đức đi cùng chúng tôi ra thị trấn, chỉ cánh đồi bên trái, bảo: “Thị xã đã có quy hoạch, nay mai san phẳng khu đồi, mở rộng khu kinh doanh, cả hai bên suối Nậm Thi nữa. Tất cả sẽ thành các điểm dịch vụ, kinh doanh đa dạng sản phẩm thiên nhiên sạch và giàu dinh dưỡng, đón tiếp khách phương xa, khai thác thế mạnh du lịch xanh. Từ đầu thị trấn, ngược ra đèo Khau Phạ sẽ trồng một dải tam giác mạch dọc hai bên đường cho du khách tha hồ ngắm và chụp ảnh”. Anh giơ tay chỉ lên những dãy núi xanh xa trập trùng: “Huyện đang thí điểm trồng sâm quý Ngọc Linh trên những khu rừng thổ nhưỡng và khí hậu tốt, hợp với sâm này. Hai, ba năm qua nay đã cho kết quả khá tốt”. Phó Bí thư Huyện ủy Vũ Đình Lợi, người đêm qua tiếp đoàn doanh nghiệp từ Hàn Quốc sang triển khai vùng trồng sâm thì thầm nói với tôi: “Mù Căng Chải là một huyện nghèo, từ Yên Bái mới được cử lên đây hơn một năm, song tôi quyết định sẽ ở lại đến hết đời. Nhất định nơi đây sẽ giàu lên, thành điểm thu hút khách du lịch. Càng quấn với núi rừng, đất và dân, chúng tôi càng cảm thấy gắn bó và yêu thương Mù Căng Chải”.
Ngay sớm ấy tôi tới thăm lại thầy giáo Nguyễn Tiến Lực ở bản Nậm Khai, giờ chuyển về xây dựng trường bán trú mới Púng Luông. Thầy Lực đưa tôi đi thăm những dãy nhà rất khang trang mới cất bên sườn đồi, quanh đó rừng ngun ngút xanh, nơi nào cũng gọn gàng hơn cả dưới xuôi. Bếp ăn sạch sẽ đang chuẩn bị cơm trưa có rau và cá với thịt cho học sinh các dân tộc. Đúng lúc này, trạm y tế xã đang khám bệnh cho học sinh theo định kỳ. Các cháu 97% là người Mông ngoan ngoãn trật tự xếp hàng. Các em học sinh ăn mặc khá tươm tất, tuy là quần áo cũ, khuôn mặt tươi roi rói thấy khách vào thăm. Bên chảo cơm gạo mới thơm nghi ngút nấu cho học trò, Phó Bí thư Huyện ủy Vũ Đình Lợi cho biết: “Trường lớp hôm nay đã khác nhiều so với bảy năm trước, đó là cố gắng rất lớn của tỉnh và huyện chăm sóc cho 497 trẻ em Pú Luông. Sự thay đổi lớn lao này cũng là nhờ huyện biết vận động, tranh thủ các doanh nghiệp lớn đóng trong tỉnh nhà hỗ trợ kinh phí, để trẻ em miền cao được tới một ngôi trường đúng nghĩa”.
Chúng tôi tiếp tục tìm về xã Nậm Khắt. Con đường xưa kia gập ghềnh mù bụi giờ trải nhựa đen bóng, uốn lượn quanh các dãy núi trập trùng. Hai bên, những đồi trọc xưa giờ phủ kín cây xanh. Nậm Khắt qua vài năm đã trồng thêm 250 ha đồi trọc, đưa tổng số rừng xanh có bàn tay người Mông chăm sóc lên 6.500 ha. Tôi lại nhớ năm nào huyện ủy ở đây nhận định: “Bản chất của người Mông là không muốn du canh du cư, để đất không bạc màu...”. Chấm dứt du canh du cư, tức là rừng đầu nguồn không bị tàn phá, để người Mông làm chủ, khai thác hợp lý nguồn rừng, đó là một chủ trương đúng của Mù Căng Chải. Nậm Khắt giờ đây làm tôi thật sự bàng hoàng. Thay vì một dãy nhà xơ xác xưa kia, phố đã lên rừng. Sân bay cũ của Pháp giờ là dãy phố san sát cửa hàng, cửa hiệu của người Kinh, người Mông. Đường điện tới từng nhà trên núi cao, bảy bản xa đều có điện, chỉ còn hai bản nhỏ quá xa và cao chưa kéo được lên. Hóa ra nơi heo hút này, nhờ canh nông lúa kết hợp giữa trồng táo mèo, nuôi ong và chăn nuôi trâu, dê nên nhà nào cũng có xe máy, điện thoại cầm tay. Xã có 3.954 người mà có 400 máy xay xát; hơn 400 xe máy thay cho ngựa. Chúng tôi leo núi tới thăm nhà ông Thào Pua Sử. Ông Sử vẫn giữ ngôi nhà không hề lai tạp, vẫn hai cái bếp trong nhà. Bếp chính có hai lò, chảo nấu ngô cho súc vật còn nghi ngút khói, tỏa mùi thơm nhưng nhức. Nhà Thào Pua Sử 12 nhân khẩu, xếp cao ngất hơn 70 bao thóc, có ba xe máy và hai con trâu mộng. Ngô treo vàng ươm khắp hiên và trong nhà. “ Ngày nay, ngô tao chỉ cho gia súc ăn. Lâu nay không thiếu ăn nữa, người Mông chúng tao có thảo quả, táo mèo, mật ong tốt bán đi lấy tiền”. Người nông dân Mông đã 70 tuổi vẫn còn rất khỏe, hồ hởi khoe. Nói rồi tự nhiên cầm lấy khèn thổi, co chân hồn nhiên nhảy múa quay tít giữa nhà, đãi khách. Tiếng khèn tha thiết làm tôi ứa nước mắt. Người Kinh mà sống thế này sẽ cô đơn lắm; chứ ở đây, khi người Mông yêu cái núi, cái rừng của họ, tâm hồn hòa với thiên nhiên mới có thể làm ra điệu khèn tự hứng tuyệt vời.
Quay lại trung tâm Nậm Khắt, thấy hàng trăm phụ nữ đang cuốc xới cho thửa ruộng 10 ha lúa mì thí điểm xã trồng cho một công ty nước ngoài. Trên thửa ruộng đất xới đã tơi trồng lúa mì làm bia, tôi có dịp trò chuyện và được cô Giàng Thị A, 28 tuổi cho biết: Năm qua cô thuộc diện nghèo, được Nhà nước trợ giúp, giờ thì no rồi, con cái đã được đi học. Thực tế ở đây và các xã khác đều rất công khai, công bằng trong việc giúp các hộ đói nghèo. Tạm biệt Nậm Khắt, chúng tôi vào chào Bí thư xã Thào A Sinh. Tôi nói đùa: “Sinh mặc cái áo vét tiếp khách nhiều là áo bị nhàu nếp đấy, năm sau anh lên em phải mua cái áo đẹp hơn”. Thào A Sinh chậm rãi trả lời: “Mình còn một nhiệm kỳ năm năm công tác, chắc cái áo này khi anh lên thăm lại sẽ cũ đi thôi chứ không mua áo mới đâu!” Câu trả lời nghiêm túc suýt làm tôi rơi nước mắt. Tất cả các cán bộ đảng người Mông ở cơ sở đều như vậy. Không nhận việc thì thôi chứ nhận việc của Nhà nước, của Đảng là ai cũng hết lòng. Hết lòng thì có khi nghèo hơn cả dân.
Một ngày nữa chúng tôi lại đi tiếp tới các bản mới, tới hồ chứa nước bao la sát thị trấn; trèo lên quả núi cao ngất có bãi đá cổ với nét chạm khắc trên phiến đá lớn, mô phỏng ruộng bậc thang của những người Mông xưa. Chúng tôi gặp các cô mẫu giáo trẻ xinh đẹp người Kinh cùng bám trụ, giúp dân tổ chức các điểm giữ trẻ trên núi cao. Ở đâu cũng thấy, dường như thiên nhiên và tình người đã níu chân họ chứ không phải chỉ vì chế độ lương đãi ngộ cao hơn dưới xuôi. Bởi vì một lẽ giản đơn rằng, dẫu phải cách xa văn minh đô thị, họ tìm được nguồn vui khi góp phần giúp đồng bào dân tộc được hạnh phúc, no đủ hơn.
Tạm biệt Mù Căng Chải vào buổi sớm, nắm tay Bí thư trẻ người Mông Giàng A Tông rất ít lời, tôi mong ngày gặp lại. Những cán bộ người dân tộc và người Kinh ở đây đều để lại trong lòng đồng bào sự tin cậy sâu sắc vì họ gần dân và hiểu dân. Xe đi, lại lên Khau Phạ, lòng thoáng buồn vì phải xa vùng đất vô cùng đẹp tươi đầy nắng sớm thu này. Tôi nghe suối chảy, đất, đá và cả con dao chuôi bọc vòng đồng sáng vàng lấp lánh trong tay các chàng trai Mông dũng cảm, thấy ngàn câu chuyện của thời gian Mù Căng Chải.
Nhìn những thửa ruộng bậc thang bạt ngàn trong nắng chiều vàng rơm sắp tắt, như một tác phẩm điêu khắc vĩ đại của con người. Đấy là hôm qua và hôm nay thuộc về Mù Căng Chải, về những lớp người trong nắng thu mới đang về.