Vụ xuân năm nay, tỉnh Bắc Cạn cấy 8.200 ha lúa. Đến thời điểm này, lúa phát triển vẫn chưa kín mặt ruộng, cây thấp, lùn, thân yếu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Cạn Đặng Văn Sơn cho biết: “Lẽ ra đến thời điểm này lúa đã phải đứng cái, nhưng vẫn đang trong tình trạng “chó chạy hở đuôi” là rất đáng lo ngại. Cứ tình trạng này thì năng suất sẽ giảm 20%, tương đương với 17 nghìn tấn thóc”.
“Các loại sâu bệnh hại như, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, khô vằn... đang xuất hiện và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng trong thời gian tới”, ông Sơn nhận định.
Theo đó, nếu sản lượng thóc giảm đến 17 nghìn tấn, tình trạng thiếu đói sẽ xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, nông dân ít ruộng.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do thời tiết năm nay diễn biến rất bất thường. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Bắc Cạn, số giờ nắng trong tháng 3-2014 rất thấp so với trung bình nhiều năm, đặc biệt số giờ nắng trong tháng 4-2014 ở huyện Ba Bể là 48 giờ, thấp hơn trung bình 68 giờ, thấp hơn so với cùng kỳ 83 giờ; số giờ nắng ở huyện Ngân Sơn thấp hơn so với trung bình 72 giờ; giờ nắng ở thị xã Bắc Cạn thấp hơn so với trung bình 73 giờ.
Theo dự báo, trong tháng năm này trên địa bàn chỉ có hai đến ba đợt nắng, trong khi đó sẽ có hai đến ba đợt không khí lạnh gây mưa, thời tiết tiếp tục âm u, tác động không thuận đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Trước tình hình đó, ngày 7-5, Bắc Cạn đã tổ chức hội nghị đột xuất toàn tỉnh tìm cách cứu vãn một vụ lúa đang có nguy cơ thất bát. Trong cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Văn Chí chỉ đạo: Mỗi ha phải bón ít nhất 50 kg ka-li để làm cho cây lúa cứng cáp, kích thích cây lúa phát triển, tạo mẩy cho hạt thóc. Đội ngũ cán bộ bảo vệ thực vật, chính quyền cơ sở phải thường xuyên “canh đồng”, vạch lúa, kịp thời phát hiện sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ thích hợp. Chuẩn bị thật tốt cho sản xuất vụ mùa để bù sản lượng lương thực thiếu hụt của vụ xuân nhằm tránh tình trạng thiếu đói trên diện rộng có thể xảy ra.