Năng lượng cho một chu kỳ mới

Với phần lớn mọi người, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão sắp kết thúc. Tết Nguyên đán, về tự nhiên, là dịp đánh dấu một chu kỳ mới của đất trời; về xã hội, là dịp sống lại những nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, tri ân tổ tiên, nguồn cội. Với người Việt, đây chính là kỳ nghỉ dài nhất trong một năm. Tết năm nay, trừ một số công việc đặc thù, người lao động được nghỉ trọn vẹn 7 ngày. Chưa kể, sau khi “khai xuân” vào ngày 27/1, người lao động tiếp tục được nghỉ cuối tuần hai ngày nữa.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Ảnh minh họa. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Sau mỗi chu kỳ lao động, học tập, mỗi người có nhu cầu nghỉ ngơi. Ở chu kỳ ngắn, là ngày làm việc và ngày nghỉ cuối tuần. Đây là khoảng thời gian cần thiết để người ta giải quyết những công việc của cá nhân, gia đình, là thời gian nghỉ ngơi, giải trí để phục hồi năng lượng cho một tuần làm việc mới. Ở chu kỳ dài, là những dịp nghỉ phép, dịp đi du lịch, nghỉ dưỡng, hoặc nghỉ Tết.

Sau một năm làm việc, kỳ nghỉ Tết dài ngày là vô cùng cần thiết, để mỗi người có thời gian giải quyết những việc mà trong năm khó sắp xếp thời gian, đồng thời, cũng là quãng thời gian để “nạp năng lượng” sau một năm lao động vất vả.

Tuy nhiên, thực tế, không phải ai cũng sử dụng quãng thời gian dài của kỳ nghỉ một cách hiệu quả. Chỉ sau mấy ngày nghỉ Tết, trên phạm vi cả nước đã ghi nhận không ít con số đáng buồn. Theo số liệu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), từ ngày 30 Tết đến hết mồng 2 Tết, các bệnh viện tiếp nhận hơn 11.500 ca cấp cứu liên quan tai nạn giao thông, trong đó có 128 trường hợp tử vong. Riêng ngày mồng 1 và mồng 2 Tết, tổng số ca khám, cấp cứu liên quan tai nạn giao thông là 3.318 trường hợp.

Cũng trong ba ngày nêu trên, có hơn 1.500 ca cấp cứu vì đánh nhau, 42% trong số đó phải nhập viện điều trị hoặc theo dõi và đã có 4 người chết. Ngoài ra, còn có hơn 300 trường hợp nhập viện vì pháo nổ. Những trường hợp này, không chỉ cá nhân người liên quan và cả gia đình coi như “mất ăn Tết”…

Còn nhiều tin không vui khác nằm ngoài con số thống kê trên. Tết là phải vui, nhưng không ít người “vui quá đà”. Tết chưa hết nhưng rất nhiều trường hợp nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng, nhất là những người đi làm ăn xa lâu ngày mới về quê. Người ta có đủ lý do để nâng ly mời nhau mà rất khó từ chối. Mấy ngày Tết cũng là thời gian mà nạn cờ bạc nở rộ. Nhiều người lấy lý do vui xuân, nhưng số tiền tiêu vào cờ bạc cũng lên đến hàng triệu đồng.

Nhiều người lại phải “chạy sô” quá nhiều nơi, từ thăm thú họ hàng cho đến lịch trình “du xuân” kín đặc… Kết quả là sau một tuần “nghỉ Tết”, thay vì nạp năng lượng, nhiều người rơi vào trạng thái “hết pin”, bị tổn hại cả thể chất lẫn tài chính. Ngày mồng 6 Tết là ngày đi làm chính thức, song rất nhiều người lo ngại khi tâm lý “đi cho có không khí”, đi “khai Xuân là chủ yếu”, bởi sau đó lại có hai ngày nghỉ cuối tuần nữa.

Tết là dịp sống lại nhiều nét đẹp văn hóa dân tộc. Nhưng trong dòng chảy cuộc sống, cần có sự “gạn đục, khơi trong”. Thay vì chìm trong những màn chúc tụng, và quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, trong xã hội hiện đại, cần có những cách tiếp cận mới đối với Tết. Sử dụng những ngày nghỉ Tết hợp lý sẽ giúp mỗi người có đầy năng lượng, để bước vào một chu kỳ làm việc mới hiệu quả hơn.