Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội ngày 03-10-2017, trong năm 2016, ngành đã kiểm toán và kiến nghị xử lý tài chính 38.776 tỷ đồng, tăng gấp hai lần so với năm 2015 và đạt mức cao nhất trong 22 năm hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; đã làm tăng thêm giá trị vốn Nhà nước là 20.818 tỷ đồng tại bảy doanh nghiệp; đã kiến nghị giảm 107,4 năm thu phí hoàn vốn của các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT so với phương án tài chính ban đầu; đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 150 văn bản. Riêng tám tháng đầu năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã xử lý tài chính của 108 dự thảo Báo cáo Kiểm toán là 22.954 tỷ đồng; đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 40 văn bản; đã cung cấp tám bộ hồ sơ, tài liệu kiểm toán và gửi một số báo cáo chuyên đề cung cấp thông tin phục vụ kịp thời công tác kiểm tra, giám sát và các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền... Qua đó có thể thấy, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước ngày càng công tâm và chuyên nghiệp, phối hợp ngày càng chặt chẽ với các Ủy ban, các bộ, ban, ngành liên quan, góp phần hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của các bên với chất lượng và hiệu quả cao hơn, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Những biện pháp kiên quyết, mạnh tay trong năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước được dư luận đánh giá cao. Cụ thể, ngành đã kiến nghị xử lý trách nhiệm nhiều tập thể và cá nhân của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị về những thiếu sót, sai phạm trong các hoạt động quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công, nhất là những sai phạm trong hoạt động quản lý, sử dụng xe công; hoạt động đầu tư tài chính của một số doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả thấp; tình trạng hạch toán và kê khai doanh thu không đúng, dẫn đến thất thu thuế nhà nước tại một số doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán... Trước đó, hoạt động kiểm toán đã có vai trò quan trọng trong thực hiện kiểm toán môi trường, xác định sai phạm, góp phần buộc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh của Ðài Loan (Trung Quốc) phải "tâm phục, khẩu phục", nhận lỗi, bồi thường 11.500 tỷ đồng và tiến hành các biện pháp khắc phục các sai phạm về môi trường biển ở miền trung nước ta suốt hai năm qua.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển và cơ chế quản lý, công tác báo cáo, thống kê, dự toán, triển khai, quyết toán trong công tác quản lý ngân sách Nhà nước, quản lý các công trình, dự án đầu tư công,... ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, hoạt động chuyển giá và lobby (vận động hành lang) chính sách ngày càng tinh vi, diễn ra mang tính toàn cầu, gây thiệt hại không chỉ cho nguồn thu ngân sách Nhà nước mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, gia tăng sự cạnh tranh không lành mạnh. Bởi vậy, với nguyên tắc "hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" của Kiểm toán Nhà nước, thông tin từ Kiểm toán Nhà nước là kênh thông tin quan trọng trong quy trình và guồng máy quản lý nhà nước, giúp phát hiện kịp thời những bất cập, hạn chế, những nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp của tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản công, hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp, minh bạch các hoạt động tài chính... Trên cơ sở đó, các bộ, ban, ngành có thể tham khảo, từ đó điều chỉnh kịp thời về thể chế, chính sách cho phù hợp hơn, cũng như kịp thời khắc phục, xử lý những yếu kém, sai lầm trong quá trình hoạt động của đơn vị mình.
Để tăng cường, phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong đời sống xã hội, cần không ngừng đổi mới mạnh mẽ, toàn diện về nội dung, phương pháp và cách thức thực hiện, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động kiểm toán; xây dựng đội ngũ cán bộ làm kiểm toán có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại cơ quan Kiểm toán Nhà nước, đáp ứng yêu cầu xã hội, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế; đồng thời, chủ động chống lại những nhận thức và hành vi chủ ý hay vô tình, lạm dụng trục lợi hoặc vô hiệu hóa hoạt động kiểm toán. Ðể thật sự là "công cụ mạnh" và hiệu quả trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính công, tài sản công, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, hạn chế mọi hành vi tham nhũng và lãng phí, Kiểm toán Nhà nước cần quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, bám sát các quy định của Hiến pháp, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước và các quy trình, hướng dẫn kiểm toán của các lĩnh vực; kiện toàn hệ thống tổ chức, cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ của Kiểm toán Nhà nước gắn với cải cách hành chính trong tổ chức và thực hiện nhiệm vụ được giao; coi trọng giáo dục văn hóa ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; có chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài, đào tạo đội ngũ công chức, kiểm toán viên vững về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn cập nhật kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ. Ðồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế, hoàn thiện cơ chế phối hợp với các cơ quan hữu quan và tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước. Trong hoạt động, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đổi mới phương pháp tổ chức thực hiện kiểm toán theo hướng chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên kiểm toán thường niên, cung cấp kịp thời các số liệu, thông tin cần thiết, các phát hiện kiểm toán nổi bật đối với lĩnh vực Ngân sách Nhà nước nhằm phục vụ thiết thực việc phê chuẩn dự toán, quyết toán ngân sách và hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xác định và tiến hành kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí, nhất là những vấn đề nổi trội, bức xúc trong quản lý tài chính, tài sản công (đất đai, tài nguyên, khoáng sản); sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu;... Ðáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước cần "đi trước một bước", đề cao vai trò "cảnh báo" nhằm ngăn chặn, hạn chế các sai phạm và thiệt hại có thể xảy ra; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm toán, phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan thanh tra, kiểm tra để vừa tăng cường chống chuyển giá, thất thu thuế, vừa hạn chế hiện tượng thanh, kiểm tra và kiểm toán chồng chéo tại cùng một đơn vị; tăng cường các kiến nghị về sửa đổi cơ chế chính sách pháp luật; tích cực đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và gia tăng giá trị của báo cáo kiểm toán thông qua việc đổi mới cách trình bày kết luận, kiến nghị kiểm toán, phát hành kịp thời và minh bạch công khai theo quy định tại Ðiều 50 Công khai báo cáo kiểm toán và Ðiều 51 Công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Thực tế cho thấy, kiểm toán phát hiện sai phạm đã khó, thực hiện kết luận kiểm toán còn khó hơn, thậm chí còn xảy ra tình trạng "chìm xuồng", vô hiệu hóa kết quả kiểm toán… Bởi vậy, đòi hỏi chế tài đủ mạnh nhằm bảo đảm "Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công" như quy định tại khoản 1, Ðiều 7, Luật Kiểm toán Nhà nước. Những đột phá công tác tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu lực hoạt động kiểm toán không chỉ để Kiểm toán Nhà nước ngày càng trở thành công cụ quan trọng, sắc bén trực tiếp và gián tiếp góp phần chủ động phòng, chống tham nhũng, lãng phí, mà còn tạo đột phá thể chế, nâng cao chất lượng phát triển, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý toàn diện của Nhà nước trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng hơn.