Nhiều nhà nghiên cứu trong nước nhận định rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị tự phát và mô hình kinh doanh cũ. Nếu doanh nghiệp không đổi mới không những không theo kịp mà có thể sẽ bị bỏ lại phía sau. Cuộc cách mạng này sẽ đem lại cơ hội cho Việt Nam thu hẹp dần khoảng cách về năng suất với các nước. Tuy nhiên, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với doanh nghiệp, khi nền sản xuất công nghiệp dựa vào gia công và thâm dụng lao động đang chiếm phần lớn trong các doanh nghiệp sản xuất.
Để bước vào cuộc đua này, đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo. Bởi đây là một trong những công cụ đắc lực, tiềm năng nhất để thúc đẩy nâng cao năng suất, giúp doanh nghiệp đón đầu công nghệ mới, đưa cuộc cách mạng công nghiệp thành cơ hội đổi mới cho doanh nghiệp khi việc ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa các quá trình kinh doanh còn yếu ở hầu hết doanh nghiệp hiện nay.
Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới, thu hút các nguồn lực tài trợ của các đối tác, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao uy tín của doanh nghiệp; đồng thời là yếu tố không thể thiếu, góp phần tạo thêm việc làm.
Hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nói riêng đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành, địa phương quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, tập trung triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ doanh nghiệp. Kết quả đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo báo cáo về xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2021, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế. Năm 2021, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam có kết quả nổi bật về trình độ phát triển của thị trường, xếp hạng 22, tăng 12 bậc từ vị trí 34 năm 2020. Theo nhận xét của các chuyên gia Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trong bối cảnh dịch Covid-19 vô cùng phức tạp và có nhiều tác động khó lường, ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu là nỗ lực rất lớn.
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó Viện trưởng, Phụ trách Viện Năng suất Việt Nam, ở cấp độ quốc gia, việc tăng trưởng dựa vào lao động, vốn, tài nguyên trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt đã trở nên không còn phù hợp. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo và thực tế cho thấy đây chính là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Ở cấp độ doanh nghiệp, nhiều năm qua, Viện đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, tư vấn hướng dẫn áp dụng các giải pháp cải tiến năng suất và đó là nền tảng cho đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Hiện nay, nhận thức về vai trò của đổi mới sáng tạo đã cải thiện đáng kể, không ít doanh nghiệp đã đầu tư nguồn lực cho hoạt động này như áp dụng các mô hình nâng cao năng suất tiên tiến, hình thành những nhóm cải tiến liên tục, bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) để nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới quá trình, đổi mới công nghệ,... Cùng với đó, doanh nghiệp cũng xây dựng đội ngũ nhân sự được trang bị kỹ năng quản lý, tạo động lực để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất.
Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, cần giải quyết những thách thức để tạo nền tảng vững chắc cho thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp trong điều kiện nền sản xuất công nghiệp của chúng ta chủ yếu là gia công và thâm dụng lao động đang chiếm phần lớn trong các doanh nghiệp.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 36/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của kế hoạch nhằm đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Quyết định đang được triển khai mạnh mẽ từ Trung ương tới các địa phương, trong đó lấy doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất.
Ông Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, hoạt động tiêu chuẩn hóa đóng vai trò rất quan trọng, khích lệ và là nền tảng vững chắc cho đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Từ năm 2019, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã ban hành Bộ Tiêu chuẩn ISO 56000 về quản lý đổi mới sáng tạo. Tiêu chuẩn này hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống, đặc biệt hữu ích đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi những doanh nghiệp này thường thiếu bí quyết công nghệ, phương pháp quản trị và hạn chế nguồn lực để thực hiện các hoạt động đổi mới.
Bên cạnh đó, với nhiệm vụ được Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giao, Viện Năng suất Việt Nam đã và đang nỗ lực, hoàn thiện xây dựng các nhóm chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả của hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, để có thể lượng hóa được hàm lượng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất một cách hiệu quả hơn.