Nâng cao năng lực sàng tuyển, chế biến than

Công tác sàng tuyển, chế biến là khâu cuối của quá trình sản xuất, tiêu thụ than. Vì vậy, những năm qua, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã lựa chọn, đầu tư và áp dụng những công nghệ sàng tuyển hiện đại, có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến việc giảm tổn thất tài nguyên, đồng thời nâng cao phẩm cấp, chất lượng than, góp phần phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước và xuất khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống sàng tuyển và bốc rót đồng bộ, hiện đại của Công ty Tuyển than Cửa Ông.
Hệ thống sàng tuyển và bốc rót đồng bộ, hiện đại của Công ty Tuyển than Cửa Ông.

Là đơn vị sàng tuyển lớn nhất, điều hòa sản xuất và tiêu thụ than của các đơn vị tại vùng Cẩm Phả, năm 2023, Công ty Tuyển than Cửa Ông đưa vào sử dụng dự án tự động hóa, giám sát điều khiển các thông số kỹ thuật của hệ thống cung cấp, chuyển tải điện trạm điện 35/6 kV và dự án tận thu cám đá độ tro cao ở phân xưởng Tuyển than 2 với tổng vốn đầu tư hơn 9,6 tỷ đồng.

Các dự án này đã phát huy hiệu quả cao trong việc tận thu lại cám đá sau sàng tuyển tại nhà máy Tuyển than 2, qua đó nâng cao giá trị của sản phẩm sau sàng tuyển. Đặc biệt, dự án cải tạo hệ thống cám sàng khô số 2 tại phân xưởng Tuyển than 1 với mức đầu tư hơn 9,7 tỷ đồng đã góp phần tăng hiệu quả trong việc khử cám trong than nguyên khai, than nhập khẩu trước khi đưa lên hệ thống tuyển.

Hệ thống tuyển huyền phù của Công ty Tuyển than Cửa Ông được áp dụng nhiều năm nay, nhằm tuyển các loại than cám có chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Có hai công đoạn chính của công nghệ này là tuyển lắng và tuyển huyền phù.

Quản đốc phân xưởng Tuyển than 2, Công ty Tuyển than Cửa Ông Phạm Thanh Tùng chia sẻ: Quá trình này sẽ làm cho các hạt than có tỷ trọng nhỏ hơn (than chất lượng cao) di chuyển hướng lên phía trên thoát ra ngoài theo ống tràn đổ vào sàng than sạch để sàng phân loại than và thu hồi manhêtit. Phần còn lại là đá thải được vận chuyển ra các sàng để tiếp tục tận thu. Sau quá trình tuyển huyền phù, sản phẩm là than đạt chất lượng cao bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, còn manhêtit sẽ được đưa qua hệ thống máy tuyển từ để thu hồi và quay vòng trở lại bể huyền phù.

Sự ra đời của công nghệ tuyển huyền phù đã giúp các đơn vị thành viên của TKV tăng cường năng lực sàng tuyển, chế biến than, giảm tổn thất than trong khai thác hầm lò, tăng tỷ lệ thu hồi than sạch. Thông qua hệ thống này, các đơn vị cơ bản xử lý được toàn bộ lượng than don xô, đất đá lẫn than chất lượng thấp đang tồn đọng; đồng thời quy hoạch lại mặt bằng sân công nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các đơn vị tuyển than của Tập đoàn cũng tăng sản lượng và chất lượng than sau tuyển, đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Những năm gần đây, Than Vàng Danh tiếp tục giữ vị trí đơn vị khai thác chủ lực của Tập đoàn với các dây chuyền sản xuất cung cấp hơn bốn triệu tấn than nguyên khai mỗi năm. Toàn bộ sản lượng than sản xuất và mua mỏ được đơn vị thực hiện sàng tuyển, chế biến qua hai dây chuyền của Nhà máy Tuyển Vàng Danh 1 và Nhà máy Tuyển Vàng Danh 2.

Tổng công suất thiết kế của hai nhà máy này là 4,5 triệu tấn than vào sàng/năm. Với hệ thống dây chuyền công nghệ, thiết bị hiện đại, hai nhà máy Tuyển Vàng Danh 1 và 2 đáp ứng yêu cầu sàng tuyển, chế biến sâu các chủng loại than theo nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Khắc Hùng, Trưởng Phòng Kỹ thuật tuyển khoáng, Công ty cổ phần Than Vàng Danh cho biết: Nhà máy Tuyển Vàng Danh 2 có công suất thiết kế 2 triệu tấn than/năm, được đưa vào vận hành từ năm 2018. Thời điểm đó, đây là nhà máy có công suất thiết kế than vào sàng lớn của TKV, sử dụng dây chuyền công nghệ tuyển huyền phù hiện đại và năng suất cao.

Công nghệ của nhà máy đáp ứng yêu cầu chế biến các chủng loại than tiêu thụ trong nước, cung cấp chủ yếu cho các hộ điện, xi-măng và một phần than cục cho xuất khẩu.

Những năm gần đây, các đơn vị khối sàng tuyển, chế biến, tiêu thụ, kinh doanh than của TKV đã áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại như tuyển huyền phù, tuyển nước, bể lắng để thu hồi triệt để các loại than và nhất là sản phẩm ngoài than. Không chỉ làm chủ các dây chuyền, công nghệ sàng tuyển hiện đại, các đơn vị còn bảo đảm, thậm chí là dư thừa năng lực sàng tuyển.

Quản đốc Phân xưởng Sàng tuyển, Tiêu thụ số 1, Công ty cổ phần Than Cao Sơn Nguyễn Văn Nhu cho biết: Bốn cụm sàng khai trường Cao Sơn đang đảm nhiệm sản xuất hầu hết sản lượng than của mỏ. Chức năng của các cụm sàng này cũng được phân tách rõ ràng theo yêu cầu sản xuất. Sàng 2a và sàng 2b có nhiệm vụ sàng than nguyên khai, cấp cho Công ty Tuyển than Cửa Ông và Nhà máy Tuyển Khe Chàm. Hệ thống sàng 1 và sàng 3 chuyên sàng than sạch, chế biến sâu các sản phẩm ngoài than và bã sàng. Sản phẩm sau sơ tuyển và chế biến sâu từ bốn cụm sàng này gồm các chủng loại than cám 3, 4, 5, 7, 8 và cám 8A.

Còn tại khai trường Khe Chàm II, công ty đang quản lý, vận hành hệ thống sàng công suất 500 tấn than nguyên khai/giờ, thiết kế gồm hai máy sàng. Bình quân một năm, hệ thống sàng Khe Chàm II có thể sàng tuyển, chế biến hơn 2,1 triệu tấn than nguyên khai để lấy than cám thành phẩm. Sản lượng than cám thành phẩm sau sàng tuyển khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Với than nguyên khai sơ tuyển, dây chuyền này sản xuất hơn 1,7 triệu tấn than/năm.

Giám đốc Công ty cổ phần Than Cao Sơn Phạm Quốc Việt cho biết: Kế hoạch năm 2024, sản lượng than sơ tuyển TKV giao cho đơn vị là 1,87 triệu tấn than, chỉ bằng 44,58% năng lực hệ thống các cụm sàng đang vận hành tại khai trường. Như vậy, đơn vị đang dư thừa năng lực sàng tuyển, vì chỉ tính riêng bốn cụm sàng tại khai trường Cao Sơn với công suất sàng tuyển, chế biến khoảng 4,2 triệu tấn than/năm đã có thể đáp ứng yêu cầu sản xuất của toàn mỏ. TKV đang xem xét để Công ty cổ phần Than Cao Sơn thực hiện công tác chế biến sản phẩm ngoài than (đất đá lẫn than) tại các cụm sàng hiện có, bảo đảm việc làm cho người lao động, cũng như khai thác tối đa hiệu quả dây chuyền thiết bị.

Tại buổi làm việc với Công ty cổ phần Than Cao Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Ngô Hoàng Ngân nhấn mạnh, tập đoàn là nhà cung cấp than lớn nhất trong nước, được Chính phủ giao nhiệm vụ quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Với quyết tâm làm tốt nhất nhiệm vụ cung ứng than cho nền kinh tế, không để thiếu than cho sản xuất, nhất là ngành điện, tập đoàn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong đó có Than Cao Sơn đẩy mạnh sản xuất, có các giải pháp điều hành hợp lý để tăng sản lượng, bao gồm phát huy tối đa hiệu quả thiết bị sàng tuyển than tại chỗ.

Tăng cường chế biến sâu sản phẩm, nâng cao chất lượng phẩm cấp than phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước, đồng thời hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp thời đại công nghệ 4.0. Đặc biệt TKV có nhiều lợi thế phát triển mô hình này, bởi các đơn vị có thể liên kết với nhau từ nguyên liệu đầu vào, thiết bị, công nghệ đến tiêu thụ sản phẩm.

Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là cơ hội lớn để TKV phát triển nhanh và bền vững. Chính vì vậy, TKV đang khuyến khích các đơn vị trong tập đoàn đẩy mạnh chế biến sâu, tạo ra chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị gia tăng, phát triển hài hòa với môi trường. Tập đoàn cũng sẽ tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, thu hút thêm nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.