Nâng cao năng lực quản lý, sử dụng thiết bị không người lái trong sản xuất nông nghiệp

NDO - Ngày 19/8, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với CropLife Việt Nam tổ chức hội thảo "Chia sẻ thông tin, quy định về quản lý và sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV/DRONE) của một số nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương và góp ý cho dự thảo tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị không người lái".
0:00 / 0:00
0:00
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt (ngoài cùng bên trái) phát biểu tại hội thảo.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt (ngoài cùng bên trái) phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, trong 10 năm qua, ngày càng có nhiều nước sử dụng thiết bị không người lái trong sản xuất nông nghiệp, nhất là phun thuốc bảo vệ thực vật. Thiết bị không người lái mang lại nhiều lợi ích cho sản xuất, giúp theo dõi sức khỏe cây trồng và phun thuốc bảo vệ thực vật chính xác hơn; giảm công lao động và nhiên liệu, tăng hiệu quả phun đầu vào; giảm lượng nước cần sử dụng; giảm mức độ phơi nhiễm của người vận hành phun...

Theo các đại biểu, trước những thách thức về thiếu hụt và già hóa lao động, nhu cầu sử dụng lương thực tăng cao, quá trình tích tụ ruộng đất đòi hỏi giảm bớt canh tác thâm canh và đặt ra yêu cầu phải ứng dụng những phương pháp canh tác nông nghiệp hiệu quả hơn, thì việc ứng dụng thiết bị không người lái trong sản xuất nông nghiệp sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho nhu cầu canh tác của nông dân và nhu cầu bức thiết của ngành nông nghiệp. Việt Nam đang ở giai đoạn tiếp thu công nghệ và có nhiều tiềm năng sử dụng rộng rãi thiết bị này. Hiện nay, công nghệ không người lái ngày một hoàn thiện, hiện đại, tinh vi, giúp người dùng cảm thấy tự tin, dễ dàng tiếp cận và sử dụng, có thể ứng dụng rộng rãi vào sản xuất với chi phí hợp lý hơn.

Bà Mei Choo Ho (CropLife châu Á) cho biết, trong giai đoạn từ năm 2021-2022, Việt Nam đã và đang tích cực xây dựng cơ sở pháp lý cho ứng dụng thiết bị không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật. Để có thể ứng dụng rộng rãi thiết bị không người lái vào sản xuất nông nghiệp trước hết phải xây dựng, hướng dẫn khung pháp lý phù hợp. Đối với đơn vị cung cấp thiết bị, phải nắm rõ, tuân thủ luật cũng như những quy định về hàng không dân dụng của địa phương, các đặc điểm của thiết bị bay. Người vận hành thiết bị trong suốt quá trình phun phải tuân theo quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Các đơn vị sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải tham khảo các quy định hiện có về phun thuốc bảo vệ thực vật trên thiết bị không người lái.

Theo CropLife Việt Nam, để có thể quản lý công nghệ không người lái và sử dụng thiết bị này một cách an toàn trong sản xuất nông nghiệp, cơ quan chức năng cần cân nhắc các rủi ro khác nhau liên quan đến ứng dụng từ người vận hành, các biến thể môi trường, đặc điểm kỹ thuật của mỗi công nghệ và công thức thuốc bảo vệ thực vật. Dựa trên các rủi ro đó, xây dựng một bộ quy chuẩn vận hành chuẩn-Standard Operation Procure (SOP) cho người vận hành thiết bị, các đơn vị chế tạo cũng như các đơn vị sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó cấp phép sử dụng công nghệ này trong hoạt động phun thuốc bảo vệ thực vật.