Nâng cao hiệu quả công tác tham mưu xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực

NDO -

Ngày 31/3, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Hội nghị sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác.
Hội nghị sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác.

Tham dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo); Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo; Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 điểm cầu trong cả nước. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dự tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Tô Lâm khẳng định, sau 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và gần đây đã bổ sung phòng, chống tiêu cực, cải cách tư pháp, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Đề nghị các đại biểu phát huy dân chủ, trách nhiệm, tập trung thảo luận, đánh giá để làm rõ những thành tích đã đạt được, cũng như những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2022 và những năm tiếp theo.

Báo cáo tóm tắt tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình cho biết: Từ khi Quy chế phối hợp được ban hành, công tác phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày càng chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao, thượng tôn pháp luật và đúng quy định của Đảng, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Các cơ quan phối hợp đã tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước chủ trương, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp (PCTN, TC và CCTP), tạo cơ sở chính trị-pháp lý ngày càng đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, đáp ứng yêu cầu công tác nội chính, PCTN,TC và CCTP trong tình hình mới. Nhất là qua việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đã chủ động, sáng tạo tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo nhiều chủ trương, quan điểm lớn, cơ chế, nguyên tắc chỉ đạo xử lý các vấn đề phức tạp, các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng như: "Phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách"; "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai"; “Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”; "Xử lý nghiêm đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, gây hậu quả nghiêm trọng; khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hoặc bồi thường thiệt hại gây ra..."; Cơ chế phối hợp trong chỉ đạo xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế có khó khăn, vướng mắc theo 5 cấp độ; Cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;…

Các cơ quan đã tham mưu có hiệu quả với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo xử lý nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, xử lý nghiêm các vi phạm, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Thực hiện đúng quan điểm của Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư “có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật”. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm; trong đó có nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Các cơ quan đã phối hợp tham mưu đưa 965 vụ án, vụ việc vào theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ, trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 171 vụ án, 130 vụ việc. Các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý 123 vụ án, 925 bị can, 72 vụ việc; Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý 160 vụ án/1.121 bị can, 124 vụ việc; đã truy tố 118 vụ/1.056 bị can; Tòa án nhân dân các cấp đã đưa ra xét xử sơ thẩm 112 vụ án/1.008 bị cáo, xét xử phúc thẩm 77 vụ án/666 bị cáo.

Các cơ quan cũng đã chủ động nắm tình hình và tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài,... Phối hợp tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời một số vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị-xã hội...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan trong khối nội chính phải thực sự đoàn kết, trách nhiệm, phối hợp rất chặt chẽ, rất nhịp nhàng và thống nhất với nhau; trong thực thi nhiệm vụ, phải gương mẫu, rất công tâm, khách quan, có dũng khí, có bản lĩnh, xuất phát từ động cơ trong sáng, tình cảm chân thành, đồng chí, anh em; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết; khi có vấn đề còn có ý kiến khác nhau thì các cơ quan cùng ngồi lại bàn bạc, tìm tiếng nói chung, thống nhất để cùng triển khai thực hiện... Đây là tư tưởng, quan điểm chỉ đạo quan trọng cho công tác phối hợp giữa các cơ quan nội chính nói chung và giữa các cơ quan chúng ta nói riêng.

Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị, trong thời gian tới, các cơ quan cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác nghiên cứu, tham mưu các chủ trương, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; nhất là chủ trương, giải pháp về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trước mắt, tập trung vào việc xây dựng Đề án về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Đề án về mô hình cơ quan đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; Đề án về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành nội chính; Đề án về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;...

Các cơ quan tiếp tục tăng cường phối hợp, tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Nhất là, khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á; vụ án liên quan việc đưa công dân về nước tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; vụ việc liên quan về đấu giá đất, chứng khoán, và các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tại các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo và thực hiện kiến nghị của các Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo. Trước mắt cần phối hợp tham mưu, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra của Ban Chỉ đạo về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.

Chủ động phối hợp, tham mưu chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc liên quan đến chính trị, đối ngoại, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm theo đúng Chỉ thị số 26-CT/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 04-HD/TW của Ban Bí thư. Tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương...

Chủ động phối hợp, nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách để hoàn thiện tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nội chính; tham mưu cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; đổi mới cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm các chức danh tư pháp,… xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan nội chính nói chung, cơ quan tư pháp nói riêng thực sự liêm chính, bản lĩnh, công tâm, khách quan, là những "bao công" trong thời đại mới.