Ý kiến nhà nông

Nâng cao giá trị kinh tế cho tỏi Phan Rang

Tỏi Phan Rang (tên gọi chung cho sản phẩm tỏi trồng tại tỉnh Ninh Thuận) là một trong những sản phẩm đặc thù được tỉnh ưu tiên lựa chọn trong phát triển nông nghiệp. Nhờ điều kiện khí hậu cùng chất đất pha cát đặc thù ở các địa phương mà tỏi Phan Rang có đặc trưng vỏ trắng, nhiều tép, có vị cay và thơm nồng, khác hẳn với tỏi được trồng ở các vùng miền khác.

Trên địa bàn tỉnh, tỏi được trồng tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Hải, Thuận Bắc và TP Phan Rang - Tháp Chàm. Tỏi Phan Rang phơi khô không cần xử lý bất kỳ hóa chất nào vẫn có thể lưu giữ trong nửa năm, thậm chí có thể để lâu hơn nữa mà vẫn giữ được hương vị ban đầu. Tuy chỉ sản xuất một vụ trong năm, nhưng hiệu quả kinh tế từ cây tỏi mang lại khá cao. Theo tính toán, chi phí đầu tư giống, vật tư nông nghiệp từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng/sào tỏi/vụ. Trong điều kiện thời tiết ổn định, chăm sóc tốt, năng suất tỏi đạt từ một đến 1,5 tấn tỏi tươi, tương đương 800 kg đến một tấn tỏi khô. Với giá bán bình quân khoảng 100 nghìn đồng/kg tỏi khô, người trồng tỏi có thể lãi khoảng 70 triệu đồng/sào/vụ.

Xác định tỏi là một trong những cây trồng đặc thù của địa phương, tỉnh Ninh Thuận đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây tỏi. Toàn tỉnh hiện có hơn 210 ha tỏi, sản phẩm tỏi đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Tỏi Phan Rang". Ðây là cơ sở để tỉnh phát triển thương hiệu, uy tín sản phẩm tỏi trên thị trường. Hiện nay, tỏi Phan Rang cũng đang được nhân rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Với giá trị kinh tế như vậy, tỏi Phan Rang đang được người dân mở rộng diện tích. Trước thực trạng đó, những người trồng tỏi mong muốn ngành nông nghiệp có thêm những buổi tập huấn về kỹ thuật, chăm sóc cây tỏi, nghiên cứu đưa ra quy trình sản xuất chuẩn cho cây tỏi ở địa phương để nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm. Ngoài ra, khi diện tích tăng nhanh, năng suất tăng cũng cần các cơ quan chức năng vào cuộc trong việc hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tránh để xảy ra tình trạng ứ đọng hàng hóa, ảnh hưởng đến thu nhập và tái sản xuất của người dân.