Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại các cơ quan báo chí

LTS-Hôm nay 12/5, hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương chủ trì, phối hợp Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân Dân đồng tổ chức diễn ra tại Hà Nội.

Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Hội báo toàn quốc năm 2022. (Ảnh NGỌC CHÂU)
Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Hội báo toàn quốc năm 2022. (Ảnh NGỌC CHÂU)

Các chuyên đề, tham luận tại hội thảo tập trung tiếp tục tổng kết thực tiễn, phân tích, làm rõ những vấn đề lý luận, bổ sung, phát triển tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; làm rõ những vấn đề lý luận và bổ sung, phát triển tư tưởng, lý luận về xây dựng Đảng nói chung, xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng… Xin giới thiệu cùng bạn đọc tham luận của tác giả HÀ ĐĂNG tại hội thảo.

Tôi rất hoan nghênh sáng kiến tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đây là một chủ đề vừa mang tính lý luận và thực tiễn cao vừa đáp ứng được yêu cầu thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong tình hình hiện nay.

Xin cảm ơn Ban tổ chức hội thảo, thông qua Ban Biên tập Báo Nhân Dân, đã gợi ý tôi viết tham luận chuyên đề với nội dung “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại các cơ quan báo chí”.

Trước khi đi vào nội dung chính của tham luận, tôi xin nhắc lại điều này: Với đất nước và dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là người con trung hiếu vừa là lãnh tụ vĩ đại. Về với thế giới người hiền ở tuổi 79 (1969), Người đã để lại cho nhân dân ta một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ. Đó là các tác phẩm tiêu biểu như: “Bản án chế độ thực dân Pháp (năm 1925), “Đường Cách mệnh” (1927), “Tuyên ngôn Độc lập” (1945), “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (1946), “Sửa đổi lối làm việc” (1947), “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (1969) và bản Di chúc thiêng liêng bất hủ (khởi thảo năm 1965 và hoàn chỉnh năm 1969). Các tác phẩm ấy đều được coi là những kiệt tác, những “bảo vật quốc gia” vô cùng quý giá.

Có thể nói: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là tác phẩm báo chí quan trọng cuối cùng của Bác. Bài báo đã được đăng trang trọng trên trang nhất Báo Nhân Dân ngày 3/2/1969, nhân kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng.

Có người đặt câu hỏi tại sao đầu đề bài báo là “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” mà ở phần nội dung, Bác lại viết: “Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”?

Chuyện kể rằng, trong quá trình xây dựng bản thảo bài báo, ý kiến đầu tiên của Bác vẫn là “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng” nhưng có mấy đồng chí đề nghị đưa “nâng cao đạo đức cách mạng” lên trước, chuyển vế “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” ra sau, với lý do là cán bộ, đảng viên ta nói chung là tốt, ưu điểm là cơ bản. Bác nói: Ý kiến của các chú, Bác thấy cũng có lý. Nhưng Bác vẫn còn phân vân điều này: Gia đình các chú tiết kiệm mua sắm được bộ bàn ghế, giường tủ mới. Vậy trước khi kê vào phòng, các chú có quét dọn nhà cửa sạch sẽ hay cứ để rác rưởi bẩn thỉu mà khiêng bàn ghế, giường tủ vào.

Anh em thật sự bất ngờ trước cách đặt vấn đề của Bác, đang lúng túng chưa biết trả lời thế nào thì Bác đã nói:

- Vì cả hai chú đã đề nghị, là đa số, Bác đồng ý nhượng bộ, đổi lại đầu đề bài: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Nhưng trong bài thì dứt khoát phải để nguyên ý của Bác “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.

Vì sao Bác lại kiên quyết đến như vậy? Bởi, như Bác đã phân tích trong bài báo:

“Trải qua 39 năm đấu tranh oanh liệt..., Đảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác.

Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như thế.

Song bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém.

Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.

Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô hủ hóa, lãng phí xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.

Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.

Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”.

Hơn nửa thế kỷ đã qua kể từ ngày Bác viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Bác cũng đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng tư tưởng của Bác về nâng cao đạo đức cách mạng vẫn in sâu vào tâm khảm của mỗi đảng viên, cán bộ chúng ta, vẫn còn có tính thời sự nóng hổi. Còn nhớ trong điếu văn đọc tại lễ truy điệu Bác, đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn đã rất xúc động và trang nghiêm đọc bốn lời thề, trong đó, lời thề thứ tư là: “Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của HỒ CHỦ TỊCH”.

Từ bấy đến nay, Đảng ta đã trải qua 10 kỳ Đại hội, từ Đại hội IV đến Đại hội XIII. Đặc biệt, từ Đại hội VI (1986), Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó xây dựng Đảng về đạo đức là vô cùng quan trọng. Những phong trào “học tập” hay “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” liên tiếp được phát động và đưa vào cuộc sống.

                                                                            * * *

Trở lại chủ đề chính của tham luận này, như trên đã nói “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại cơ quan báo chí”, tôi muốn làm rõ hai điều: Một là: Đạo đức Hồ Chí Minh đối với báo chí là gì? Hai là: Cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo đã làm được những gì cho việc nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đối với nội bộ và bản thân mình?

1) Về đạo đức Hồ Chí Minh đối với báo chí

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ viết: Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?

Với quan niệm báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng, Bác viết: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Tại Đại hội lần thứ ba của Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 8/9/1962), Bác chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”, “để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Có nghĩa: Đạo đức số 1 của người làm báo là phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng chứ không phải làm báo là để “lưu danh thiên cổ”, “muốn viết bài cho oai”, “muốn đăng bài mình lên các báo lớn”.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, hơn nửa thế kỷ qua, báo chí cách mạng của ta nói chung, và đội ngũ những người làm báo nói cụ thể, đã không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức báo chí, cho nên đã phát huy được vị trí, vai trò và tác dụng của báo chí trong sự nghiệp chung. Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng và thực hiện trong nội bộ Hội một bản “Quy ước về đạo đức báo chí Việt Nam”, sau đó sửa đổi thành “Quy định về đạo đức báo chí Việt Nam”. Theo đó, những nội dung chính được ghi là: Báo chí phải phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; người làm báo hành nghề trung thực khách quan, tôn trọng sự thật, tôn trọng quyền con người, bảo vệ bí mật quốc gia, thực hiện quyền tự do báo chí, tự do hành nghề trong khuôn khổ pháp luật; sống lành mạnh, giữ gìn phẩm chất trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi, xúc phạm nhân phẩm và lợi ích của người khác; thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, khiêm tốn, cầu tiến bộ, gắn bó với nhân dân, giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc, đồng thời tôn trọng các nền văn hóa khác và những giá trị tinh thần phổ biến của loài người.

2) Về cách làm báo và viết báo theo lời dạy của Bác Hồ

Nói về cách làm báo và viết báo là trực tiếp nói đến vấn đề nghiệp vụ báo chí.

Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều lần nói chuyện khác nhau với các nhà báo về cách làm báo, Bác Hồ trước hết nói về vai trò của báo chí là một mặt trận và các nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận ấy, về mục đích viết, viết cho ai, viết cái gì, tiếp đó Bác nói rất kỹ về viết như thế nào, cách lấy tài liệu ra sao, cách viết phải như thế nào, cần làm gì và cần tránh gì. Đó là những bài học sâu sắc về nghiệp vụ.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, mục chống thói ba hoa, Bác phê phán nghiêm khắc các biểu hiện nói và viết dài dòng, rỗng tuếch, thói cầu kỳ, khô khan lúng túng, lông bông, lụp chụp cẩu thả và bệnh sáo cũ. Bác căn dặn: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết”.

Thực tế là, trong mấy thập kỷ qua, công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ báo chí của ta không chỉ chú trọng nâng cao kiến thức về chính trị-tư tưởng và đạo đức, lối sống mà còn chú trọng cả về mặt nghiệp vụ. Trong hội nhập quốc tế, ta đã tiếp xúc ngày càng nhiều hơn với báo chí nước ngoài, đã mở rộng những cuộc thăm và trao đổi nghiệp vụ với các hội nhà báo và với báo chí nhiều nước, đã cử nhiều nhà báo ra nước ngoài học tập về nghiệp vụ và mời chuyên gia nước ngoài vào giảng dạy ở nước ta về những vấn đề nghiệp vụ. Không chỉ báo viết mà cả báo nói, báo hình và báo điện tử… Cách thể hiện trên báo chí, kiểu đưa tin và viết bình luận, kỹ xảo phát thanh, truyền hình… nói chung đã có nhiều sắc thái mới.

Nói tóm lại, hoạt động thực tiễn trong nhiều thập kỷ qua đã giúp các cơ quan báo chí và giới báo chí chúng ta nhận thức ngày càng rõ hơn, sâu sắc hơn về vai trò của báo chí trong tuyên truyền, giáo dục, vận động và thực hành phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong đó “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là nội dung quan trọng hàng đầu.

Trên đây, tôi chỉ nêu lên những mặt tích cực, những việc làm được mà chưa đề cập đến những mặt yếu kém, thiếu sót, mặc dù những mặt này còn nhiều và việc sửa chữa cũng là cấp bách.

Tin rằng cuộc hội thảo quốc gia này sẽ mở ra một bước tiến mới, có chất lượng và hiệu quả cao, trong cuộc đấu tranh “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Xin chúc hội thảo thành công tốt đẹp.