Nâng cao chất lượng xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư

Hội đồng Giáo sư nhà nước vừa triển khai quy trình xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2019 với nhiều điểm mới. Điều này đang được hy vọng sẽ góp phần giúp quy trình và quá trình xét tiêu chuẩn sẽ chặt chẽ, trung thực, khách quan và chuẩn xác hơn.

Hội đồng Giáo sư nhà nước tập huấn quy trình xét giáo sư, phó giáo sư năm 2019.
Hội đồng Giáo sư nhà nước tập huấn quy trình xét giáo sư, phó giáo sư năm 2019.

Theo Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước (HÐGSNN), trước năm 1980, ở nước ta phong 29 GS. Từ năm 1980 đến năm 2018 tổng số có 26 đợt xét công nhận 13.462 GS, PGS (gồm 1.805 GS và 12.657 PGS). Ngoài ra, có bốn GS được bổ nhiệm ở nước ngoài được công nhận đặc cách. Ðánh giá của HÐGSNN cho thấy tỷ lệ GS, PGS của nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực, trên thế giới và phân bổ không đều. Ở Hà Nội chiếm 66%, TP Hồ Chí Minh khoảng 14%, còn lại là các tỉnh, thành phố khác chiếm khoảng 20%. Có khoảng 73% GS, PGS là nam giới và khoảng 27% là nữ giới. Xét về ngành nghề thì số lượng GS, PGS ngành kinh tế và y học chiếm tỷ lệ cao nhất.

PGS, TS Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng HÐGSNN cho biết, để công tác xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2019 chất lượng, đúng quy định, Thường trực HÐGSNN đã yêu cầu các cơ sở đào tạo chú trọng việc thẩm tra thâm niên đào tạo, bằng cấp và đánh giá về tiêu chuẩn, đạo đức nhà giáo. Trong đợt xét năm 2017, một số ứng viên được một số cơ sở giáo dục đại học xác nhận thâm niên giảng dạy chưa chuẩn xác, làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị. Vì vậy, trong kỳ xét năm 2019, các cơ sở giáo dục đại học không bố trí các GS, PGS đã trực tiếp xác nhận thâm niên giảng dạy chưa chuẩn xác được tham gia HÐGS cơ sở. Nếu đã có tên, phải đưa ra khỏi danh sách.

Ðáng chú ý, trong tiêu chuẩn các ứng viên để xét đạt GS, PGS năm 2019 có khá nhiều điểm mới với các tiêu chuẩn, quy định chặt chẽ hơn. Trong đó, về thâm niên đào tạo, ứng viên không đủ số giờ chuẩn giảng dạy thì phải có gấp hai lần điểm tối thiểu về công trình khoa học; có bằng tiến sĩ không đủ ba năm sẽ không tính bù hay quy đổi và không được xét như trước đây. Ðối với tiêu chuẩn về bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín là bắt buộc và ứng viên được sử dụng để bù cho các tiêu chuẩn về công trình khoa học còn thiếu. Ứng viên không được vi phạm đạo đức nhà giáo, không đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên hoặc thi hành án hình sự; trung thực, khách quan trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động chuyên môn. Riêng đối với các ứng viên GS, phải chủ trì biên soạn sách phục vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS. Các ứng viên phải thành thạo ít nhất một ngoại ngữ phục vụ chuyên môn như: đọc hiểu được bài báo và các tài liệu chuyên môn, viết được các bài báo chuyên môn, trình bày, thảo luận chuyên môn... bằng ngoại ngữ. Ngoài ra, ứng viên phải có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.

Cũng theo PGS, TS Trần Anh Tuấn, trong đợt xét năm 2019, quy rõ trách nhiệm của HÐGS các cấp. Ðối với HÐGS cơ sở phải chịu trách nhiệm thẩm định tính pháp lý, sự chuẩn xác của hồ sơ ứng viên và các điều kiện theo quy định. HÐGS cơ sở phải phối hợp với cơ sở giáo dục đại học để tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Ðối với HÐGS ngành, liên ngành phải tổ chức thẩm định hồ sơ ứng viên và kết quả xét của HÐGS cơ sở; xác định năng lực chuyên môn, kết quả nghiên cứu, định hướng nghiên cứu của ứng viên theo từng chuyên ngành. HÐGS ngành, liên ngành ngoài việc đánh giá, xác định các điều kiện tiêu chuẩn, cho điểm các công trình quy đổi theo quy định thì vẫn phải tiếp tục đánh giá khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của ứng viên. Ðáng chú ý, để tránh những đánh giá không khách quan có thể xảy ra, điểm mới trong xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2019 là từng thành viên HÐGS ngành, liên ngành phải viết bản nhận xét (nêu rõ điểm mạnh, điểm yếu về chuyên môn và kết luận ứng viên có đủ hoặc không đủ điều kiện) trước khi biểu quyết cho ứng viên báo cáo khoa học tổng quan. Ðối với HÐGSNN sẽ xem xét hồ sơ đánh giá ứng viên tại HÐGS cơ sở, HÐGS ngành, liên ngành và bỏ phiếu tín nhiệm...

Theo GS, TS Lê Quang Cường, Phó Chủ tịch HÐGSNN, đợt xét năm 2019 được triển khai sau một năm không tổ chức xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS, trong bối cảnh Ðảng và Nhà nước chỉ đạo về nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó nâng cao chất lượng người thầy. Vì vậy, nâng cao chất lượng xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS ở từng hội đồng cũng có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, HÐGS cơ sở sẽ không chấm điểm nhưng phải xét từng tiêu chí và chịu trách nhiệm xác định minh chứng của ứng viên. Ðây là việc làm cần thiết, bởi năm 2017 đã có những cơ sở xác nhận hồ sơ không chính xác, gây bức xúc trong dư luận. Ðối với các tiêu chuẩn để xét GS, PGS năm nay được xây dựng bảo đảm tính hội nhập, đồng thời phù hợp điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những cái mới, cái chưa hoàn thiện, HÐGSNN sẽ tiếp thu, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có những điều chỉnh.

Theo lịch trình, HÐGS cơ sở sẽ xét công nhận đạt tiêu chuẩn đối với ứng viên từ ngày 10-7 đến 10-8; HÐGS ngành, liên ngành xét từ ngày 5 đến 30-9; HÐGSNN sẽ họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2019 từ ngày 20 đến 25-10.