Nâng cao chất lượng hoạt động báo chí

Những năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo nước ta luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Ðảng, Nhà nước, sự đồng hành, giúp đỡ, hợp tác tích cực của các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các địa phương, sự tin cậy, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Phóng viên tác nghiệp. (Ảnh: TTXVN)
Phóng viên tác nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Phát huy truyền thống vẻ vang của Báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ những người làm báo không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, nỗ lực phấn đấu phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tính đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 830 cơ quan báo chí, với hơn 45 nghìn lao động làm việc tại các cơ quan báo chí, trong đó hơn 20 nghìn nhà báo được cấp thẻ hành nghề. Ðội ngũ phóng viên, biên tập viên được trẻ hóa, đào tạo cơ bản, gần 80% có trình độ đại học trở lên. Các cơ quan báo chí ngày càng trở thành diễn đàn tin cậy của nhân dân, kênh thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; tích cực, chủ động, kịp thời phản ánh, tuyên truyền, cổ vũ thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế-xã hội của đất nước và quốc tế; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng; thực hiện hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội. Ðồng thời, báo chí là một trong những lực lượng chủ lực, đi đầu trong tuyên truyền phòng, chống, từng bước đẩy lùi đại dịch Covid-19. Các cơ quan báo chí những người làm báo đã thể hiện rõ vai trò tiên phong, hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Sự thành công nêu trên có sự định hướng, góp phần quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số cơ quan báo chí và người làm báo chạy theo thị hiếu tầm thường, tìm cách để thu lợi cá nhân, kể cả việc làm sai lệch bản chất nghề nghiệp. Công tác quản lý báo chí chưa theo kịp thực tiễn, chưa đáp ứng sự phát triển của báo chí, truyền thông. Số lượng cơ quan báo chí tăng nhanh nhưng nhiều cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, tôn chỉ mục đích bị xem nhẹ. Một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, chưa chú trọng việc nêu gương, biểu dương, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, sa đà vào thông tin về mặt trái của xã hội, thiếu tính nhân văn, phản giáo dục. Việc thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 có mặt còn lúng túng, có nơi còn mang tính hình thức. Một bộ phận người làm báo lợi dụng danh nghĩa báo chí để vụ lợi, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, một số nhà báo tham gia mạng xã hội thiếu chuẩn mực, thiếu trách nhiệm...

Xu thế toàn cầu hóa truyền thông đại chúng, với sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa tạo ra cơ hội, vừa đặt ra nhiều thách thức đối với báo chí và công tác chỉ đạo, quản lý báo chí. Sự phát triển mạnh của internet và truyền thông đa phương tiện, sự tác động ngày càng sâu rộng của mạng xã hội, xu hướng hội tụ công nghệ và sự suy giảm của báo in trên thế giới ảnh hưởng trực tiếp, nhiều mặt đến báo chí nước ta. Dự báo trong 5 năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cơ hội đan xen thách thức; khoa học và công nghệ tiếp tục sẽ có bước phát triển nhảy vọt và đột phá lớn, trong đó có công nghệ báo chí-truyền thông. Trong bối cảnh đó, các xu hướng vận động của báo chí, truyền thông, báo chí nước ta sẽ phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức: nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, công nghệ làm báo, kinh tế báo chí, về khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng.

Do vậy, Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục xác định việc đổi mới, sáng tạo trở thành động lực, tạo nên sức sống mới trong hoạt động. Qua đó, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, nâng tầm vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống báo chí, đời sống xã hội. Nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao trình độ nghiệp vụ báo chí, kỹ năng làm báo trong kỷ nguyên số cho hội viên, nhà báo; chú trọng đào tạo ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí. Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, nêu cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ hội viên các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú. Phát huy vai trò Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo, qua đó ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí. Ðồng thời, tích cực bảo vệ quyền làm nghề hợp pháp và các quyền lợi chính đáng của người làm báo. Phối hợp ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi cản trở, đe dọa, xúc phạm, hành hung các nhà báo hoạt động đúng pháp luật. Các cấp Hội cần phối hợp chặt chẽ với các cấp có trách nhiệm và cơ quan báo chí làm tốt công tác tư tưởng, đặc biệt quan tâm hoạt động nghề nghiệp, đời sống của số người làm báo chịu tác động do thực hiện quy hoạch báo chí. Ngoài ra, Hội tiếp tục nghiên cứu. Phối hợp các bộ, ngành liên quan, các cơ quan báo chí xây dựng các mô hình báo chí tự chủ về tài chính, các mô hình kinh tế báo chí. Củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với giới báo chí các quốc gia, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam nói chung và giới báo chí Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.