Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, lượng nước lũ chiếm tới từ 70% đến 80% lượng nước. Do ảnh hưởng của gió mùa và sự phức tạp về địa hình cho nên Việt Nam thường chịu tác động mạnh về thời tiết như bão, lụt, hạn hán...
Theo Tổng cục trưởng KTTV (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Hồng Thái: Trong những năm qua, Tổng cục KTTV đã đưa vào sử dụng hệ thống 10 trạm ra-đa, sáu trạm thám không vô tuyến; 18 trạm phát hiện giông sét trong mạng lưới định vi sét toàn cầu. Bên cạnh đó, hệ thống quan trắc KTTV được đầu tư xây dựng, với hơn 1.450 trạm/điểm, bao gồm các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, đo mưa tự động, hải văn. Tổng cục cũng duy trì, phát triển và hiện đại hệ thống thông tin và dữ liệu KTTV như các hệ thống truyền tin chuyên ngành, hệ thống tính toán và lưu trữ quản lý dữ liệu quan trắc nhằm cung cấp kịp thời số liệu thời gian phục vụ cho công tác dự báo và truyền tin phục vụ cộng đồng xã hội. Qua đó, góp phần đáp ứng được những yêu cầu của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Ðiển hình như việc dự báo, cảnh báo mưa lớn trước đến ba ngày với độ tin cậy khoảng 75%; dự báo, cảnh báo trước rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh từ hai đến ba ngày với độ tin cậy từ 80% đến 90%; dự báo, cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền trung, Tây Nguyên trước từ 24 giờ đến 48 giờ, khu vực Bắc Bộ trước từ ba đến năm ngày với độ tin cậy từ 70% đến 85%...
Tuy nhiên, với mạng lưới hơn 1.450 trạm, điểm quan trắc KTTV so với quy hoạch giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến 2030, là 5.515 trạm, thì mới đáp ứng được khoảng 27%. Hệ thống trạm KTTV hiện có rất thưa. Một trạm khí tượng chỉ có thể quan trắc được những gì xảy ra chung quanh bầu trời bán kính từ 10 đến 20 km trong khi ở nhiều nơi, các trạm cách nhau từ 50 km đến 100 km. Nhiều nơi, thiết bị đo phục vụ cho quan trắc chủ yếu vẫn là thủ công, thiết bị quan trắc tự động chưa được trang bị nhiều cho nên chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác dự báo. Ngoài ra, nguồn kinh phí đầu tư cho mạng lưới quan trắc còn nhiều hạn chế; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, quy trình kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn về quan trắc KTTV còn chồng chéo, thiếu đồng bộ…
Để từng bước khắc phục những khó khăn, bất cập các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực này cho rằng: Bộ Tài nguyên và Môi trường cần hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phục vụ cho hoạt động KTTV. Có chính sách khuyến khích, xã hội hóa tạo cơ sở phát triển thị trường dịch vụ, tiến tới xây dựng nền công nghiệp KTTV ở nước ta. Tăng cường giám sát, quản lý thông tin, dữ liệu, số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu KTTV quốc gia tập trung, đồng bộ, hiện đại; nhất là sử dụng các công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và các kiến trúc của khoa học công nghệ 4.0 để quản lý, khai thác, chia sẻ và thực hiện các dịch vụ KTTV. Bố trí đủ nguồn lực cho các hoạt động KTTV quan trọng, trong đó ưu tiên đẩy nhanh tiến độ tự động hóa mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia. Tăng mật độ trạm đo, điểm đo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, kiện toàn hệ thống ra-đa thời tiết theo quy hoạch để nâng cao chất lượng dự báo, gồm cả dự báo tác động, rủi ro thiên tai, cảnh báo sớm... Ðẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo lại, nhằm nâng cao nghiệp vụ, tay nghề cho đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên và quan trắc viên hiện có. Ðầu tư xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, phát triển công nghệ dự báo số, tiên tiến. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần triển khai xây dựng Ðề án cấp quốc gia về khoa học công nghệ; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về KTTV, nhất là tranh thủ sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Khí tượng thế giới, Ủy ban Bão quốc tế và các nước tiên tiến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành. Ðồng thời, huy động tối đa các nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các dự án, các doanh nghiệp để nâng cấp và đầu tư mới cho mạng lưới quan trắc trên cả nước một cách hiệu quả và bền vững...