Nâng cao cảnh giác trước nguy cơ 100 nghìn ca bệnh

NDO -

Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng cao và dường như chưa đạt đỉnh. Trong bốn ngày gần đây số mắc dao động từ 6.000 đến hơn 9.000 ca/ngày và đến chiều 25/7 cả nước có tổng số 98.465 người bệnh, gần chạm ngưỡng 100 nghìn ca, một con số mới ba tháng trước chưa bao giờ nghĩ tới. Do vậy, bên cạnh thực hiện triệt để những giải pháp đã, đang được đề ra, cần chuẩn bị cho phương án dịch tiếp tục lan rộng, số người bệnh tăng cao.

Ngày 25/7, đoàn công tác Bệnh viện đại học Y Hà Nội cùng các trang thiết bị lên đường vào hỗ trợ tỉnh Bình Dương ứng phó dịch Covid-19.
Ngày 25/7, đoàn công tác Bệnh viện đại học Y Hà Nội cùng các trang thiết bị lên đường vào hỗ trợ tỉnh Bình Dương ứng phó dịch Covid-19.

16 và thậm chí 16+ hay 16++

Đến nay đã có hơn 20 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh những kết quả bước đầu, thì vẫn có những nơi thực hiện chưa nghiêm. Qua thị sát một số địa bàn ở TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ lo ngại khi quan sát thấy rất nhiều người tham gia giao thông trên đường dù thành phố đã có Chỉ thị 12-CT/TU về tăng cường biện pháp thực hiện Chỉ thị 16.

Thống kê của Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh về lưu lượng xe cũng đã cho thấy vài hôm đầu thực hiện Chỉ thị 16, lưu lượng giao thông giảm tới 84%, nhưng sau đó đã tăng lại và chỉ còn ở mức giảm 70% so với thông thường. Phó Thủ tướng đã yêu cầu cần làm nghiêm lại, nếu không sẽ không thể chống được dịch và yêu cầu thành phố lập lại kỷ cương trong việc thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn, nhất là những khu, điểm phong tỏa thì phải chốt rất chặt để thật sự là cách ly người với người, nhà với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố, khu phố với khu phố…

Theo các chuyên gia dịch tễ, để giảm số ca nhiễm Covid-19 cần triệt để triển khai Chỉ thị 16 và thậm chí 16+ hay 16++, chỉ cho phép ra khỏi nhà theo phiếu được phát chứ không thể cứ lấy cớ ra ngoài mua thực phẩm thiết yếu để chạy lung tung. Tại những vùng đặc biệt nóng (số mắc nhiều) cần sự vào cuộc của chính quyền, cảnh sát và quân đội. Thiết lập giờ giới nghiêm, bảo đảm số lượng người ra đường ở mức thấp nhất. Toàn bộ những địa điểm có khả năng đông người như siêu thị, hiệu thuốc, điểm tiêm chủng… đều phải chăng dây, đánh dấu để người vào phải bảo đảm giãn cách; phạt nặng những người không đeo khẩu trang, tụ tập nhiều hơn hai người tại điểm công cộng…

Chuẩn bị phương án điều trị

Đến nay, chiến lược điều trị cho người nhiễm Covid-19 ở Việt Nam vẫn chưa thay đổi, các địa phương tiếp tục phát huy phương châm “bốn tại chỗ”, đồng thời đã có những thay đổi để phù hợp hơn với tình hình dịch, nhất là khi biến thể Delta đang đẩy số ca bệnh tăng kỷ lục ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các địa phương thực hiện phân tuyến điều trị các ca bệnh, theo dõi chặt chẽ diễn biến của từng ca bệnh.

 Đặc biệt cần chuẩn bị ba khu vực điều trị là: khu điều trị tập trung dành cho bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng; khu điều trị cho người bệnh có triệu chứng; khu điều trị cho người bệnh nặng, phải duy trì ECMO, lọc máu, thở máy. Theo PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện đại học Y Hà Nội, cần khẩn trương hình thành các trung tâm điều trị cho người bệnh nặng (khu thứ ba), chỉ nhận và điều trị các bệnh nhân cần thở máy, lọc máu hay hỗ trợ ECMO…; nguồn lực của cả trung ương và địa phương cần tập trung ở đây để sao cho số giường hồi sức tích cực không thấp hơn 5% tổng số ca nhiễm ước tính.

Tổ chức tốt việc phân loại bệnh nhân nhằm giúp những người có nguy cơ trở nặng (ở ngày thứ 7 đến 9 sau khởi phát, người có bệnh lý nền, người có các dấu hiệu lâm sàng nguy cơ) sớm được tiếp cận với điều trị chuyên sâu; còn những bệnh nhân ít nguy cơ hơn sẽ tự theo dõi sức khỏe tại những điểm điều trị như bệnh viện dã chiến, trạm y tế hoặc nơi lưu trú. Lưu ý rằng, bệnh diễn tiến rất nhanh trong ngày thứ 7 đến 9 tính từ lúc khởi phát nên giai đoạn này cần theo dõi sát sức khỏe để tránh tình huống bệnh trở nặng quá nhanh mà không kịp tiếp cận với cơ sở điều trị có đơn nguyên hồi sức cấp cứu. Các cơ sở điều trị cũng cần được nâng cấp và bổ sung trang thiết bị cần thiết trong thời gian ngắn nhất bằng mọi nguồn có thể.

Các địa phương bám sát tình hình để có phương án điều chỉnh phù hợp. TS Phạm Quang Thái (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) lưu ý, số ca nặng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng người bệnh nhẹ sẽ nhiều hơn rất nhiều. Số này nếu không được quan tâm sẽ có tâm lý không tốt dẫn đến làm tăng khả năng trở nặng cũng như tăng nguy cơ trốn ra ngoài hoặc không tuân thủ cách ly làm lây nhiễm tiếp ra cộng đồng.

Để giải quyết vấn đề này, cần có một mạng lưới cộng tác viên, bác sĩ tư vấn nhằm hỗ trợ tinh thần cho nhóm này, giúp họ nhẹ nhàng vượt qua bệnh bởi chỉ cần họ khỏe trong vòng 10 ngày sau khi khởi phát thì nguy cơ với cộng đồng của họ là vô cùng thấp (gần như không lây nhiễm tiếp được).

Ngoại trừ các trường hợp có triệu chứng và trở nặng, những trường hợp còn lại có thể được xét nghiệm nhanh ở ngày thứ 10 và giải phóng sớm khi không còn triệu chứng và âm tính với xét nghiệm nhanh. Như vậy người dân có thể yên tâm ngồi yên một chỗ chờ đủ ngày và về nhà thay vì lo lắng đến mức bệnh trở nặng.