Tổng thống Nam Phi Zuma vượt qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, song theo giới quan sát, uy tín của ông vẫn sụt giảm do liên quan các cáo buộc tham nhũng và lạm quyền. Tổng thống Nam Phi bị cáo buộc chịu tác động của gia tộc giàu có gốc Ấn Ðộ Gupta trong việc bổ nhiệm một số bộ trưởng và quan chức cao cấp trong chính phủ trước đây. Thời gian gần đây, các đảng phái đối lập ở Nam Phi, nhất là đảng Liên minh Dân chủ (DA) đối lập chính, chỉ trích nạn tham nhũng tràn lan, sự yếu kém trong khả năng điều hành và quản lý đất nước của chính phủ.
Nền kinh tế Nam Phi rơi vào suy thoái lần đầu kể từ năm 2009 do GDP tăng trưởng âm 0,7% trong quý I-2017 sau khi đã tăng trưởng âm 0,3% trong quý IV-2016. Cả năm ngoái, kinh tế Nam Phi chỉ tăng trưởng 1%, dự báo có thể chỉ tăng 0,5% trong năm nay, trong khi tỷ lệ thất nghiệp cao, nhất là lực lượng lao động trẻ ở mức hơn 25%. Yếu tố lớn nhất khiến GDP của Nam Phi tăng trưởng âm trong quý I-2017 là ngành thương mại, ăn uống và nhà ở giảm 5,9%. Khu vực sản xuất, nhất là ngành công nghiệp khai khoáng và lĩnh vực nông nghiệp, đã giảm lần lượt 3,7% và 4,1% do tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 27,7%, mức cao kỷ lục trong 14 năm qua và tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất kể từ hơn 100 năm qua tại quốc gia miền nam châu Phi này. Ngay sau khi có thông báo kinh tế rơi vào suy thoái, đồng nội tệ rand của Nam Phi mất giá hơn 1,5% so đồng USD và các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới.
Trong khi đó, Chánh Thanh tra nhà nước B.Mờ-khuê-ba-nê đã "châm ngòi" cho cuộc tranh luận chính trị khi bà kêu gọi xem xét lại chính sách tài chính của Ngân hàng Dự trữ Nam Phi (SARB - ngân hàng trung ương) và khẳng định cần tập trung vào tăng trưởng thay vì nỗ lực kiềm chế lạm phát và bảo vệ đồng nội tệ. Bà cho rằng, chính sách của SARB khiến các nhà đầu tư lo lắng và khiến đồng rand bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, Thống đốc SARB L.Cơ-ga-ni-a-gô cho rằng, Nam Phi có nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế kéo dài và trầm trọng hơn nếu ngân hàng trung ương buộc phải từ bỏ chính sách kiềm chế lạm phát và bảo vệ đồng nội tệ. Theo ông, khuyến nghị của cơ quan chống tham nhũng đưa ra đối với SARB là tập trung vào tăng trưởng đã không tính hết những nguy cơ đặt ra do giá tiêu dùng tăng cao trong thời gian dài. Chính sách tiền tệ luôn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Các nền kinh tế thường tăng trưởng nhanh và ổn định hơn khi tỷ lệ lạm phát ở mức thấp hơn. Ông cũng chỉ ra nhiều đợt suy thoái kinh tế trầm trọng trong hơn nửa thế kỷ qua ở Nam Phi do chính phủ cố gắng thúc đẩy tăng trưởng bằng việc in thêm tiền nhằm đạt mục tiêu cắt giảm mức lạm phát cao. Mục tiêu của SARB là giữ mức tăng giá tiêu dùng dưới 6% (thực tế đang ở mức 5,4%) và từ đầu năm 2014, SARB đã nâng mức lãi suất cơ bản thêm 200 điểm phần trăm trong nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát và khuyến khích đầu tư dài hạn.
Các số liệu không khả quan về kinh tế gây áp lực lớn đối với Chính phủ Tổng thống Zuma. Nam Phi đã thể hiện quyết tâm tái thiết nền kinh tế thông qua một kế hoạch hành động. Tuy nhiên, theo đánh giá của người đứng đầu Bộ Tài chính Nam Phi, kinh tế nước này đang tăng trưởng ở mức quá thấp, không đủ để đứng vững trước ba thách thức gồm thất nghiệp, đói nghèo và bất bình đẳng. Vì vậy, đây là lúc Nam Phi cần có những biện pháp kích thích cụ thể để đạt các mục tiêu về chuyển đổi kinh tế và tạo việc làm, lấy lại lòng tin trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài đang thận trọng trong những kế hoạch đầu tư vào nền kinh tế lớn nhất châu Phi này.