Ngày 7/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Hầu hết đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu, và các nội dung chính sách tài khóa, tiền tệ, cho rằng các chính sách này cần sớm được ban hành để hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Chính sách có phạm vi, đối tượng, quy mô chưa từng có tiền lệ
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, gói chính sách tài khóa, tiền tệ lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với kinh tế mà còn đối với các vấn đề về xã hội và hệ thống y tế ở Việt Nam, không chỉ tác động trong ngắn hạn mà cả trong trung và dài hạn. Đặc biệt, chính sách có phạm vi, đối tượng và quy mô lớn, chưa từng có tiền lệ.
Các mục tiêu của gói chính sách được xây dựng gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu của chiến lược và các kế hoạch 5 năm, như ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, phục hồi để phát triển bền vững. Đồng thời, bám sát các quan điểm, nguyên tắc là phải hỗ trợ cả phía cung và phía cầu, có quy mô đủ lớn, có thời gian đủ dài và phải giải ngân được ngay; chính sách đưa ra phải đúng, trúng, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng cả nhu cầu ngắn hạn và dài hạn, triển khai nhanh, quyết liệt, kịp thời, bảo đảm công bằng, hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các địa phương, vùng miền.
Theo dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng, trong đó quy mô giải pháp tài khóa là 291 nghìn tỷ đồng, bên cạnh các giải pháp về tiền tệ và một số giải pháp khác.
Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã nghiên cứu và đánh giá tình hình phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng và tình hình kinh tế-xã hội nói chung, những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân, người lao động, và nhu cầu hỗ trợ, khả năng huy động nguồn lực, hấp thụ của nền kinh tế để xây dựng chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô, phạm vi, đối tượng, lộ trình phù hợp, thí dụ như chính sách miễn, giảm thuế có thể thực hiện 100% ngay trong năm 2022.
Để bảo đảm huy động nguồn vốn, trước hết Chính phủ thực hiện nghiêm túc và đầy đủ việc triển khai tiết kiệm các khoản chi của ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu thông qua đẩy mạnh lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thoái vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sau đó mới huy động nguồn vốn vay từ trái phiếu Chính phủ trong nước và vốn vay ODA từ nước ngoài.
Về phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, chính sách tập trung vào một số lĩnh vực cần thiết, gồm nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh, gắn với nâng cao năng lực hiện đại hóa các trung tâm chuyên sâu CDC cấp vùng, bệnh viện tuyến trung ương, hỗ trợ nâng cao năng lực giải quyết việc làm, đào tạo lao động… Ngoài ra, việc phân bổ nguồn vốn cũng hài hòa giữa các vùng miền, tạo động lực mới cho phát triển, bảo đảm công bằng nhưng không cào bằng, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư, ưu tiên các ngành, lĩnh vực có tính lan tỏa.
Theo dõi sát sao tình hình giá cả để kiểm soát lạm phát
Trong phiên thảo luận, vấn đề kiểm soát rủi ro, lạm phát, phòng chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm được nhiều đại biểu quan tâm do quy mô của gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội khá lớn.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, bên cạnh tính toán, đánh giá tác động của chính sách, Chính phủ đã nhận diện và chuẩn bị các giải pháp để kiểm soát rủi ro có thể xảy ra, nhất là về áp lực lạm phát gia tăng trong năm 2022-2023 do cộng hưởng của các biện pháp hỗ trợ và tác động của các yếu tố bên ngoài. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ, thường xuyên diễn biến tình hình giá cả trong nước và thế giới, kịp thời có phản ứng chính sách phù hợp để kiểm soát lạm phát.
Để nâng cao công tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, Chính phủ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra trước và trong quá trình thưc hiện đề án. Đồng thời, đề nghị Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan liên quan vào cuộc ngay từ đầu triển khai thực hiện các cơ chế chính sách, đặc thù, nhất là cơ chế chỉ định thầu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực trong quản lý.
Bên cạnh đó, thời gian tới, Chính phủ cũng tiếp tục rà soát và đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các quy định, thực hiện quyết liệt khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực phát triển, tập trung nâng cao hơn nữa năng lực quản trị quốc gia, hiệu quả công tác xây dựng thi hành pháp luật, giải quyết vướng mắc thủ tục hành chính, đẩy nhanh thủ tục phê duyệt điều chỉnh các chính sách mới, giải quyết các bất cập cản trở doanh nghiệp phát triển, nhất là khu vực tư nhân.