Năm 2021, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực

NDO -

Ngày 14-1, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) cho biết, năm 2021, ĐHQG-HCM sẽ tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực (ĐGNL) trước và sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) ở bảy địa phương.

Thí sinh tham gia Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG-HCM tổ chức. Ảnh: ĐỨC LỘC
Thí sinh tham gia Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG-HCM tổ chức. Ảnh: ĐỨC LỘC

Theo đó, thí sinh sẽ đăng ký dự thi đợt 1 từ ngày 15-1 đến 5-3. ĐHQG-HCM sẽ tổ chức thi ĐGNL đợt 1 vào ngày 28-3 tại TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, An Giang, Nha Trang, Đà Nẵng và hai điểm thi mới so với mọi năm là Bạc Liêu, Buôn Ma Thuột. Kết quả thi đợt 1 được dự kiến công bố một tuần sau khi thi, vào ngày 5-4.

Đợt 2, ĐHQG-HCM tổ chức đăng ký dự thi từ ngày 4-5 đến 4-6 và tổ chức thi vào ngày 4-7 tại bốn địa phương: TP Hồ Chí Minh, An Giang, Nha Trang và Đà Nẵng. Kết quả đợt 2 sẽ được công bố vào ngày 12-7.

Chỉ tiêu tuyển sinh bằng ĐGNL năm 2021 của các trường thành viên ĐHQG-HCM đều tăng lên. Trong đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với mức chỉ tiêu tối đa 50%, Trường Đại học Bách Khoa dành tối đa 70% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức này…

Sau lần đầu tổ chức vào năm 2018, kỳ thi ĐGNL của ĐHQG-HCM đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và sự tin tưởng của xã hội. Ngoài các trường đại học thành viên, 24 trường đại học, cao đẳng ngoài hệ thống ĐHQG-HCM sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh vào năm 2019 và tăng gần gấp ba trong năm 2020 với gần 70 trường.

Kỳ thi ĐGNL của ĐHGQ-HCM chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: Sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Về nội dung, đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa kỳ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.

Cấu trúc bài thi ĐGNL của ĐHQG-HCM gồm ba phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu và giải quyết vấn đề nhằm đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh.