Nhiệt độ trung bình năm 2020 cao hơn 1,25 độ C so thời kỳ tiền công nghiệp
Bất chấp việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã giảm 7% do phong tỏa vì Covid-19, khí carbon dioxide vẫn tiếp tục tích tụ trong khí quyển, đồng thời lập một kỷ lục mới. Nhiệt độ bề mặt trung bình trên toàn hành tinh vào năm 2020 cao hơn 1,25 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900, gần mức nguy hiểm 1,5 độ C mà các quốc gia trên thế giới đặt ra để tránh những tác động xấu nhất.
Trước đó, chỉ có năm 2016 có mức nắng nóng ngang với năm 2020 do năm đó khí hậu El Niño tự nhiên làm tăng nhiệt độ. Nếu không có điều đó, có thể năm 2020 sẽ là năm nóng nhất. Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng nếu không có hành động khẩn cấp, tương lai của nhiều triệu người sẽ “đen tối”.
Dữ liệu nhiệt độ do Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu công bố cho thấy, sáu năm qua là sáu năm nóng nhất được ghi nhận. Cơ quan này cũng chỉ ra rằng, châu Âu đã chứng kiến năm nóng kỷ lục, cao hơn 1,6 độ C so với mức trung bình dài hạn, với một đợt nắng nóng gay gắt ập đến Tây Âu vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8.
Vùng Bắc Cực và và bắc Siberia đã trải qua một năm nhiệt độ trung bình tăng cao đặc biệt, với nhiệt độ trung bình cao hơn 3 độ C và một số địa điểm cao hơn 6 độ C. Điều này dẫn đến cháy rừng trên diện rộng, với kỷ lục 244 triệu tấn CO2 thải ra trong Vòng Bắc Cực. Băng ở biển Bắc Cực cũng thấp hơn đáng kể, tháng 7 và tháng 10 ở mức thấp nhất được ghi nhận.
Năm 2020, mức CO2 trong bầu khí quyển đạt kỷ lục mới, năm nay dự báo tiếp tục tăng
Ông Carlo Buontempo, Giám đốc C3S cho biết: “Năm 2020 nổi bật với sự nóng lên đặc biệt ở Bắc Cực. Không có gì ngạc nhiên khi thập kỷ qua là thời kỳ ấm nhất được ghi nhận. Và đây là một lời nhắc nhở về sự cấp thiết của việc cắt giảm khí thải để ngăn chặn các tác động bất lợi của khí hậu”.
Ông Matthias Petschke, người đứng đầu Ủy ban châu Âu cho biết: “Các sự kiện khí hậu bất thường của năm 2020 cho chúng ta thấy rằng chúng ta không có thời gian để mất. Sẽ rất khó, nhưng cái giá phải trả của việc không hành động là quá lớn”.
Giáo sư Dave Reay, Đại học Edinburgh cảnh báo: “Mặc dù không có sự gia tăng theo chu kỳ của El Niño đối với nhiệt độ toàn cầu, chúng ta vẫn đang tiến gần đến giới hạn 1,5 độ C một cách nguy hiểm”.
Theo ông Dave Reay, các đợt phong tỏa trên khắp thế giới có thể khiến lượng khí thải giảm nhẹ, nhưng khí CO2 tích tụ trong khí quyển vẫn đang tăng nhanh. Trừ khi sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau cơn ác mộng năm 2020 theo hướng phát triển xanh, nếu không thì tương lai của hàng triệu người trên thế giới sẽ thực sự là màu đen”.
Năm 2020, mức CO2 trong bầu khí quyển đạt kỷ lục mới, và việc cắt giảm lượng khí thải do phong tỏa vì Covid-19 được Tổ chức Khí tượng thế giới của Liên hợp quốc mô tả là một “đốm sáng nhỏ”.
Nhà nghiên cứu Vincent-Henri Peuch, Giám đốc Dịch vụ Giám sát khí quyển Copernicus cho biết: “Cho đến khi lượng khí thải ròng toàn cầu giảm xuống còn 0, CO2 sẽ tiếp tục tích tụ trong khí quyển và gây ra biến đổi khí hậu hơn nữa”.
Ngày 8-1, Văn phòng dự báo thời tiết Met của Vương quốc Anh đã đưa ra dự báo, mức CO2 sẽ vượt qua một cột mốc mới vào năm 2021, cao hơn 50% so với trước Cách mạng công nghiệp. Các nhà khoa học cho biết, CO2 sẽ vượt quá 417 phần triệu (ppm) trong vài tuần từ tháng 4 đến tháng 6, cao hơn 50% so với mức 278 ppm vào cuối thế kỷ 18 khi hoạt động công nghiệp bắt đầu.
Điều này bất chấp kỳ vọng các điều kiện thời tiết do El Niño, La Niña chứng kiến sự phát triển tự nhiên cao hơn trong các khu rừng nhiệt đới sẽ hấp thụ một phần khí thải của nhân loại.