Mỹ cùng lúc công bố 3 văn kiện liên quan đến chiến lược quốc phòng

Tối 27/10 (theo giờ Hà Nội), chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố Chiến lược Quốc phòng đầu tiên sau thời gian dài trì hoãn, trong đó xác định Trung Quốc và Nga là những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Joe Biden (giữa) thăm các binh sĩ thuộc Sư đoàn không vận số 82 đang làm nhiệm vụ tại Ba Lan, ở thành phố Rzeszow, ngày 25/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Joe Biden (giữa) thăm các binh sĩ thuộc Sư đoàn không vận số 82 đang làm nhiệm vụ tại Ba Lan, ở thành phố Rzeszow, ngày 25/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong tài liệu mới công bố dài 80 trang, Lầu năm góc cũng tăng cường sự chú trọng tới các đồng minh, coi đây là nhân tố chủ chốt trong thế trận phòng thủ của Mỹ, qua đó nêu bật những nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Biden nhằm hàn gắn mối quan hệ với các quốc gia đồng minh - vốn bị rạn nứt dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.

Tâm điểm của Chiến lược Quốc phòng mới là quan điểm “răn đe kết hợp” - nghĩa là Washington sẽ sử dụng đồng bộ sức mạnh quân sự (trong đó có kho vũ hạt nhân), áp lực kinh tế và chính trị, cùng các liên minh mạnh mẽ - để ngăn chặn kẻ thù tấn công nước Mỹ. Báo cáo cũng kiến nghị tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển các công nghệ tối tân, bao gồm tên lửa siêu vượt âm, không gian mạng, trí tuệ nhân tạo và vũ khí năng lượng định hướng.

Đáng chú ý, Chiến lược Quốc phòng mới khẳng định Mỹ “sẽ đưa thêm yếu tố biến đổi khí hậu vào những đánh giá về mối đe dọa”, cũng như nâng cao “khả năng chống chọi của các cơ sở quân sự” và tính đến “những hiện tượng thời tiết cực đoan” trong các quyết định về huấn luyện và trang bị cho các lực lượng vũ trang.

Bên cạnh Chiến lược Quốc phòng mới, Lầu năm góc cũng đồng thời công bố Báo cáo cập nhật về tình hình bố trí vũ khí hạt nhân của Mỹ, trong đó xác định vai trò của kho vũ khí hạt nhân là ngăn chặn những cuộc tấn công hạt nhân và phi hạt nhân của nước ngoài gây hậu quả chiến lược. Báo cáo đồng thời đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc đối với Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng vừa tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa và có khả năng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7 trong thời gian tới.

Ngoài 2 văn kiện nêu trên, Lầu năm góc còn đưa ra Báo cáo phòng thủ tên lửa của Mỹ, trong đó xác nhận quyết định chấm dứt chương trình phát triển các loại tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân được phóng từ tàu ngầm. Quyết định này được đánh giá là có thể giúp Tổng thống Biden hưởng ứng lời kêu gọi của các nghị sĩ Dân chủ tại Quốc hội Mỹ về việc cắt giảm quy mô kho vũ khí hạt nhân mà không phải hy sinh những thành tố chủ chốt trong “bộ ba hạt nhân” của Washington gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân được phóng từ mặt đất, máy bay ném bom hạt nhân và tàu ngầm tấn công hạt nhân.

Đây là lần đầu tiên Lầu năm góc công bố đồng loạt 3 văn kiện chiến lược - gồm chiến lược quốc phòng và các chiến lược quản lý chương trình phòng thủ tên lửa cũng như vũ khí hạt nhân. Theo quy định, Quốc hội Mỹ yêu cầu chính quyền nước này đưa ra báo cáo về chiến lược quốc phòng với tần suất 4 năm/lần. Trước đó, các nghị sĩ Mỹ đã nhận được bản báo cáo mật dài hơn.

Ngày 12/10, Chính quyền Tổng thống Biden đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia, trong đó nhấn mạnh lại tầm quan trọng của đường lối hợp tác với các đồng minh nhằm giải quyết những thách thức hiện nay.

Giới phân tích nhận định việc Mỹ công bố Chiến lược An ninh quốc gia và Chiến lược Quốc phòng cũng nhằm mở đường thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2023, trị giá 817 tỷ USD dành cho Lầu năm góc và bao gồm các điều khoản nhằm cạnh tranh với các đối thủ chiến lược như Trung Quốc và Nga, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho các đồng minh và đối tác.