Mua bản quyền truyền hình bóng đá quốc tế tại Việt Nam

NDO - Các "nhà đài" cần liên kết chặt chẽ

Khi người hâm mộ bóng đá ở Việt Nam vẫn còn canh cánh nỗi lo không được xem Giải bóng đá vô địch Ðông - Nam Á (AFF Cup) năm nay do việc tăng giá bản quyền truyền hình quá cao mà họ gọi là "phi mã" thì đã lại thêm nỗi lo về ba mùa Giải Ngoại hạng Anh sắp tới sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các đài truyền hình trước thông tin nhà cung cấp bản quyền truyền hình nước ngoài cũng tăng giá bán và sẽ tổ chức đấu thầu mua bản quyền truyền hình giải đấu tại Việt Nam thời gian tới.

Ðiểm lại giá tiền bản quyền truyền hình hai giải bóng đá nêu trên sẽ thấy mức độ tăng giá "đến chóng mặt" chỉ trong năm năm vừa qua ở nước ta. Mặc dù không phải là giải đấu đỉnh cao khi chỉ là một giải bóng đá khu vực, chất lượng chuyên môn còn ở điểm thấp so với mặt bằng trình độ bóng đá chung của châu lục và thế giới, cũng không hấp dẫn, thu hút người xem như những giải quốc tế lớn Euro hay World Cup, nhưng giá bản quyền truyền hình AFF Cup đã được đẩy lên mức bốn triệu USD cho ba mùa giải, từ 2012 đến 2016. Tức là các nhà đài Việt Nam sẽ phải trả từ bốn đến sáu tỷ đồng để được phát sóng một trận đấu ở giải. So với mức giá bản quyền truyền hình AFF Cup 2007 mà Ðài Truyền hình kỹ thuật số VTC mua được lúc đó với mức giá mà đơn vị nước ngoài đang giao bán hiện nay đã tăng lên gấp 14 lần. Mức giá quá cao so với mặt bằng ở mùa giải 2012 và hai năm tới đã khiến VTC phải rút lui và hiện chỉ có Ðài Truyền hình Việt Nam VTV đang tiếp tục đàm phán. Trong khi bản quyền truyền hình giải đấu khu vực chưa ngã ngũ thì các nhà đài nước ta lại phải đối mặt với việc sẽ phải trả tới 30 triệu USD để có được quyền phát sóng trực tiếp các trận đấu của Giải Ngoại hạng Anh trong ba mùa giải từ năm 2013 đến 2016, tăng 1,5 lần so với giai đoạn mùa giải từ 2011 đến 2013 và tăng 7,5 lần so với mùa giải từ 2007 đến 2010. Với các nước khác trong khu vực, tuy mức giá bản quyền truyền hình Giải Ngoại hạng Anh có tăng, song không đến mức độ tăng quá cao trong khoảng thời gian ngắn như ở Việt Nam.

Nhìn lại việc tăng giá bản quyền truyền hình bóng đá quốc tế ở Việt Nam thời gian qua, bên cạnh việc thiếu kinh nghiệm trong thương thảo mua bán bản quyền, còn có nguyên nhân chủ yếu là tình trạng là các nhà đài nước ta còn mải cạnh tranh nhau ngay trên sân nhà để các đơn vị trung gian nước ngoài hưởng lợi và có điều kiện độc quyền ép giá, nhất là trong việc mua bản quyền truyền hình Giải Ngoại hạng Anh. Có thể thấy, từ khi một số đài truyền hình ở nước ta đơn phương đàm phán mua độc quyền Giải Ngoại hạng Anh, mức giá đã tăng nhanh, từ 900 nghìn USD/hai mùa lên bốn triệu USD/ba mùa, gần gấp ba lần. Chắc chắn mức giá đó sẽ rẻ hơn nếu các đài truyền hình nước ta mua trực tiếp bản quyền từ Ban tổ chức Giải Ngoại hạng Anh chứ không phải từ một nhà phân phối. Ðiều này khá khó khăn bởi các nhà đài nước ta và hệ thống truyền hình trả tiền tại Việt Nam không có một đầu mối thống nhất chung để đứng ra thương thảo hay tham gia đấu giá với Ban tổ chức giải hoặc các nhà phân phối. Sự không đoàn kết này đã được các nhà phân phối nước ngoài tận dụng triệt để khi tiến hành đàm phán riêng rẽ với từng đài khiến các đài và hệ thống truyền hình trả tiền của nước ta nhiều khi mua trùng nhau quyền phát sóng những trận đấu cùng một thời điểm, gây lãng phí, đồng thời đẩy mức giá thuê bao của người xem truyền hình lên cao trong khi nhà trung gian nước ngoài ung dung hưởng lợi. Thậm chí họ còn đề nghị các nhà đài nước ta không nên tham gia đấu giá bản quyền truyền hình Giải Ngoại hạng Anh của Ban tổ chức giải mà nên để họ thay mặt làm việc với Ban tổ chức giải và sẽ phân phối lại.

Không phải các nhà đài Việt Nam không nhận ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng họ phải chịu thiệt thòi trong mua bản quyền truyền hình bóng đá  Anh. Ðã đến lúc họ phải gạt bỏ những tính toán riêng, ngồi lại với nhau trên tinh thần vì lợi ích cộng đồng và đông đảo người xem truyền hình cả nước, để từ đó thống nhất phương thức trao đổi, chia sẻ và các điều kiện dùng chung bản quyền này để từ đó cử ra một ban đại diện thực hiện đàm phán với đối tác nước ngoài. Có thể là đàm phán trực tiếp với Ban tổ chức Giải Ngoại hạng Anh, chủ sở hữu bản quyền giải đấu hoặc tham gia đấu giá trực tiếp chứ không ngồi chờ đàm phán với một công ty kinh doanh bản quyền nước ngoài đã giành được quyền phân phối tại Việt Nam. Ðiều quan trọng là để các công ty nước ngoài kinh doanh bản quyền truyền hình Giải Ngoại hạng Anh hiểu rằng, nếu muốn tiếp cận người xem truyền hình Việt Nam, họ phải đàm phán với các đài truyền hình của Việt Nam chứ không thể đẩy các nhà đài nước ta cạnh tranh quyết liệt với nhau để họ hưởng lợi và buộc các nhà đài phải mua bằng được bản quyền bằng mọi giá như trước. Cũng thông qua sự liên kết, hợp tác chặt chẽ này, các nhà đài sẽ hạn chế được việc tăng giá quá cao của nhà phân phối nước ngoài, vừa bảo đảm được lợi ích của doanh nghiệp, người xem truyền hình và của Nhà nước, vừa tiết kiệm được nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước.

Ðược biết, đầu tháng 10 này, Ban tổ chức Giải Ngoại hạng Anh sẽ phát hồ sơ mời đấu giá bản quyền truyền hình cho ba mùa giải liên tiếp từ năm 2013 đến 2016 tại Việt Nam và dành ra một tháng để các đơn vị nghiên cứu hồ sơ, sau đó gửi về Ban tổ chức mức tiền đấu giá. Ban tổ chức Giải Ngoại hạng Anh có thể sẽ mở nhiều vòng đấu giá để quyết định đơn vị chiến thắng và cân nhắc các yếu tố: tiền đấu giá, uy tín, khả năng quảng bá... để quyết định phần thắng thuộc về ai. Ðơn vị giành chiến thắng có thể độc quyền phát sóng hoặc phân phối lại cho các đài truyền hình, hãng cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác.