Hành trình lên núi ngắm... ruộng bậc thang
Vào một ngày cuối tháng 9, tôi nhận được điện thoại của Lê Nguyễn, đồng nghiệp Báo Ðất Mũi từ mảnh đất Cà Mau cực nam hỏi: "Bao giờ thì các anh đi Mù Cang Chải đấy? Tôi rất muốn đi chụp ảnh ruộng bậc thang vào mùa lúa chín". "Cuối tháng này" - tôi trả lời. Vậy là Lê Nguyễn "bay" ra ngay nhập đoàn với chúng tôi.
Xe lăn bánh mà hành lý chật cả ô-tô. Các phóng viên ảnh mang theo lễ mễ mấy túi đựng nào máy ảnh, ống kính và chân máy. Nhiều người đã có kinh nghiệm chụp ảnh ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Hà Giang còn mang cả túi ngủ. Khởi hành từ TP Yên Bái vào sáng sớm tinh mơ, vậy mà những chiếc xe máy, ô-tô chở các đoàn khách du lịch và thanh niên đi "phượt" đã tấp nập. Mầu cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên áo, mũ, ba-lô của các thành viên đi "phượt". Biển chỉ dẫn cho chúng tôi biết tới thị trấn Mù Cang Chải còn 185 km nữa. Chúng tôi bắt đầu hành trình lắc phải, lắc trái với những cua tay áo chóng mặt. Qua được vài đoạn cua, bạn đồng nghiệp thường trú địa phương kể: "Ði công tác miền núi sợ nhất là sạt lở vào mùa mưa bão. Ðợt vừa rồi trong khi san ủi con đường này, đơn vị thi công phát hiện một chiếc xe máy cũ và một người bị vùi lấp do sạt lở núi từ cách đây gần chục năm. Do vụ lở xảy ra vào ban đêm, người đi một mình nên không ai biết. Nguy hiểm nhất là sạt lở diễn ra bất cứ lúc nào, ở đâu". Cảm giác lo âu sớm tan biến khi chứng kiến sự háo hức của các bạn đồng nghiệp lần đầu đặt chân đến huyện xa xôi nhất của Yên Bái.
Xe bắt đầu vượt đèo Khau Phạ. Ðèo Khau Phạ (tiếng Thái nghĩa là sừng trời) dài 27 km là một trong "tứ đại đèo" dài và hiểm trở nhất vùng Tây Bắc. Khau Phạ cũng là đèo hiểm trở nhất trên quốc lộ 32 từ Hà Nội lên Mù Cang Chải. Trên đèo, dấu vết của những vụ lở núi vẫn còn hiện hữu với các vụ trượt ta-luy. Từ đèo Khau Phạ, có thể thấy thung lũng ruộng bậc thang chín vàng như tranh vẽ. Các nhà nhiếp ảnh nhanh chóng xuống xe chọn điểm ưng ý nhất chụp những góc hình đẹp và những chiếc dù lượn đang lơ lửng. Lang thang một hồi, Lê Nguyễn quay về xe, lấy tay gạt mồ hôi ròng ròng trên trán cười hiền: "Góc chụp này quá đẹp. Chỉ tiếc là thiếu nắng. Hy vọng ngày mai thời tiết đẹp hơn".
Tới thị trấn Mù Cang Chải đã xế chiều. Trời lúc này mới hửng nắng. Mấy nghệ sĩ nhiếp ảnh tranh thủ đi chụp những cánh đồng ruộng bậc thang trên đường đi qua rất đẹp nhưng lúc đó thời tiết còn âm u. Tôi dạo một vòng quanh thị trấn nhỏ. Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch danh thắng quốc gia ruộng bậc thang
Mù Cang Chải năm 2013 khai mạc đúng vào ngày chúng tôi lên. Quang cảnh ngày hội tưng bừng. Dạo bước quanh khu chợ phiên mới cảm nhận hết được cái thú của phiên chợ vùng cao. Khu chợ rực rỡ với những thiếu nữ Mông Ðơ, Mông Ðu, Mông Lềnh, Mông Si trong các trang phục cổ truyền đằm thắm với chiếc ô làm duyên có đôi má đỏ hây hây đến nao lòng. Hơn 91% số dân ở Mù Cang Chải là người Mông nên gọi phiên chợ Mù Cang Chải là phiên chợ của người Mông quả không sai.
Trong khu chợ phiên, những quầy nhỏ lợp rạ bán sản phẩm của từng xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Nậm Có, Dế Xu Phình, Cao Phạ, Chế Tạo, v.v. cơ man nào là những vị thuốc chữa bệnh bằng cây cỏ trong rừng. Những lọ mật ong rừng đặc sánh, ngọt lịm với từng mảng sáp ong to tướng. Những quầy bán đồ thổ cẩm có nhiều chiếc khăn sặc sỡ, những chiếc váy hoa văn đẹp được bàn tay cô gái Mông đảm đang thêu thùa mỗi khi rảnh rang đồng ruộng. Nơi tập trung đông nhất là khu biểu diễn cách làm bánh dày và rèn dao của người Mông.
Trong chiếc cối bằng thân cây, những chàng trai Mông mạnh khỏe dùng chày giã cơm nếp thật nhuyễn làm bánh dày to bản như những chiếc đĩa. Bánh dày cắt ra thành từng miếng dài chấm với mật ong rừng có vị thơm, bùi và hấp dẫn vô cùng.
Ở gian kế bên, một bác nông dân nhanh nhẹn nung miếng sắt trong ngọn lửa đỏ rực rồi đập, gò. Những tia lửa đỏ bắn ra từ chiếc bễ lò rèn tung lên từng chùm như pháo hoa. Chả mấy chốc, những con dao Mông sắc lẻm hiện ra thật nhanh dưới bàn tay khéo léo. Phiên chợ vùng cao cứ nhộn nhịp diễn ra với những dòng người tấp nập ngược xuôi.
Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc mọi người háo hức đi xem buổi biểu diễn văn nghệ. Những tiết mục dân ca Mông, những chàng trai, cô gái Mông biểu diễn các điệu múa, lời ca ngọt ngào vút lên trong đêm sâu thẳm. Tôi chợt nghe thấy tiếng cười khúc khích bên cạnh. Mấy cô gái ngồi kế bên tròn mắt hỏi: "Anh không thấy lạnh à? Ở đây mùa hè chúng em cũng phải đắp chăn ngủ đấy". Tôi quay sang thấy cô nào cũng súng sính trong áo khoác. Thì ra từ chiều mải xem chợ phiên tôi chỉ phong phanh mỗi chiếc sơ-mi cộc tay. Không khí ở thị trấn có độ cao hơn 1.000 m này cũng từa tựa như Sa Pa, thật mát mẻ và dễ chịu, rất thích hợp cho loại hình du lịch nghỉ dưỡng.
Ðêm đã về khuya. Ði trong dòng người xem phiên chợ vùng cao, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp các thanh niên đi du lịch hỏi có biết khách sạn nào còn phòng không. Những ngày này, tìm được một phòng nghỉ tạm ở thị trấn Mù Cang Chải thật khó.
Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Giàng A Tông, sinh năm 1974 có tác phong nhanh nhẹn và cởi mở. Lăn lộn nhiều tới những bản xa xôi, từng xã hẻo lánh của huyện nằm trong số 63 huyện nghèo nhất nước này, Chủ tịch Giàng A Tông hiểu rất rõ những khó khăn, thuận lợi của địa phương. Chủ tịch trẻ người Mông giải thích: "Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải tổ chức lần này là lần thứ hai với mục tiêu liên kết phát triển du lịch tám tỉnh Tây Bắc mở rộng. Ðến đây, du khách trong và ngoài nước có thể khám phá và chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, nơi hội tụ những tinh hoa và sáng tạo không ngừng của bà con các dân tộc trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng. Khó khăn lớn nhất đối với đời sống sinh hoạt của người dân và du khách vẫn là địa hình phức tạp, giao thông khó khăn, hạ tầng cơ sở thiếu thốn". Tôi chia sẻ những trăn trở, suy nghĩ của lãnh đạo một địa phương khó khăn trong phương hướng tìm lối thoát nghèo cho bà con. Với hơn 2.500 ha ruộng bậc thang, trong đó có 500 ha tập trung ở ba xã Dế Xu Phình, La Pán Tẩn và Chế Cu Nha được
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận năm 2007 là di tích danh thắng cấp quốc gia, Mù Cang Chải đang trở thành "điểm đến" hấp dẫn cho khách du lịch trong và ngoài nước tới khám phá.
Nỗi lo bảo tồn danh thắng
Hôm sau, chúng tôi tiếp tục hành trình. Rút kinh nghiệm từ mấy hôm trước, "lương khô" chuẩn bị sẵn là mấy chiếc bánh mì mang theo để lót dạ lúc mải mê sáng tác. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Bình, người từng đi qua nhiều nẻo đường đất nước, kể lại câu chuyện chiều hôm trước mà hú vía. Số là các anh nhờ người dân ở thị trấn Mù Cang Chải đưa đi chụp một số cảnh. Ðang vào đoạn cua tay áo bỗng nhiên lốp sau xe máy nổ do va vào đá sắc, mất lái. Ðúng lúc ấy một chiếc xe ô-tô ngược chiều lao tới. Rất may là người lái xe ô-tô phanh kịp thời. Nếu không thì... Kể xong, anh Quang Bình mở máy ảnh khoe luôn những hình ảnh ruộng bậc thang ở Dế Xu Phình, La Pán Tẩn và Nậm Có tuyệt đẹp với nắng vàng rực rỡ và bầu trời trong xanh. Ðể có được những bức ảnh đó, người nghệ sĩ phải chấp nhận khó khăn, gian khổ và đôi khi cả sự nguy hiểm bất ngờ luôn rình rập.
Tới xã Chế Cu Nha, chúng tôi gặp vợ chồng anh Xu-di người bang Ba-va-ri-a, Ðức đang say mê chụp hội thi "Gặt lúa nhanh, cày ruộng giỏi". Chụp xong, Xu-di cười hể hả: "Chúng tôi đi xe máy hơn 300 km lên đây quả là bõ công. Ðất nước Việt Nam có quá nhiều cảnh đẹp. Tuy nhiên, các bạn nên có phương thức bảo tồn thiên nhiên trước tác động của con người làm biến đổi môi trường sống". Ấy là Xu-di nói đến ảnh hưởng của các công trình thủy điện đối với môi trường sinh thái cũng như tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản bừa bãi vẫn tiếp diễn dọc đường. Từng có dịp đến nhiều nước ở châu Âu, tôi hiểu những gì Xu-di muốn nói. Ðó còn là sự xót xa, tiếc nuối trước những di sản thiên nhiên đang bị con người do vô tình hay cố ý tàn phá. Với 52.178 ha rừng tự nhiên và 17.285 ha rừng phòng hộ, Mù Cang Chải đang sở hữu một "kho tàng" vô giá. Mù Cang Chải cũng tự hào có đỉnh núi Púng Luông cao 2.985 m, đứng thứ nhì Ðông Dương sau đỉnh Phan Xi Păng của Lào Cai. Mấy hôm ở Mù Cang Chải, chúng tôi để ý thấy nhiều nhà toàn dùng gỗ pơ-mu làm giường, tủ, cánh cửa, ốp trần, v.v. Nếu không có những biện pháp kiên quyết bảo vệ rừng đặc hữu tại khu bảo tồn loài sinh cảnh Chế Tạo và những khu rừng phòng hộ đầu nguồn, chúng ta không chỉ mất đi những khu rừng nguyên sinh vô giá, mà còn mất nhiều loài động vật, thực vật và những cây dược liệu quý có tác dụng chữa bệnh cứu người.
Chúng tôi gặp một đoàn thanh niên đi "phượt" trên đèo Khau Phạ. Ðồng phục của cả đoàn là những chiếc áo phông in hình cờ đỏ sao vàng rực rỡ. Nguyễn Ðức Hợp, nhân viên Công ty Thương mại và dịch vụ du lịch trực tuyến Việt Nam cởi mở: "Tới Mù Cang Chải, chúng em có dịp trải qua khó khăn thử thách, mới hiểu thêm những điều trước đây chỉ biết tới qua sách báo". Rồi Hợp đưa chúng tôi địa chỉ thư điện tử để xin những tấm ảnh chúng tôi chụp cả đoàn làm kỷ niệm. Những đoàn thanh niên du lịch mạo hiểm ở Mù Cang Chải như đoàn của Hợp chúng tôi đã gặp nhiều trong chuyến đi. Mừng nhất là nhiều đoàn còn kết hợp mang tặng sách báo, thuốc chữa bệnh, quần áo cho các hộ nghèo ở các xã. Thông qua những chuyến trải nghiệm bổ ích như thế, hy vọng các em sẽ trưởng thành hơn trong suy nghĩ, việc làm cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với tương lai.
Chúng tôi tạm biệt Mù Cang Chải khi trời bắt đầu lất phất mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 10. Ðang ngả nghiêng với những cú đánh võng nơi đèo Khau Phạ thì bạn đồng nghiệp "xuất khẩu" mấy vần thơ "bút tre":
"Chưa đi chưa biết Mù Cang Chải ra tấm thảm dệt vàng ấm no
Ngỡ rằng đang ở trong mơ Hóa ra tiên cảnh ở ngay cõi trần".
Nghe mấy vần thơ của người bạn, chẳng biết có phải vì dư vị của chén rượu sơn tra thơm nồng tối hôm trước hay do những cua tay áo làm tôi bồng bềnh như say sóng.
HUY THẮNG
Bài dự thi xin gửi về địa chỉ:
Ban Thư ký - Biên tập, Báo Nhân Dân, 71 phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Email: banthuky@nhandan.org.vn
Thu hoạch lúa ở Mù Cang Chải. Ảnh: XUÂN ANH