Việc Lý Tống đã có những hành vi khủng bố là sự thật không thể chối cãi. Y tên thật là Lê Văn Tống, sinh năm 1946 tại Thừa Thiên- Huế, định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1992, y bị Việt Nam bắt và kết án 20 năm tù vì tội cướp máy bay. Nhờ có chính sách khoan hồng của Nhà nước Việt Nam, tháng 9-1998 y được ân xá. Ngày 17-11-2000, với dã tâm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam, y một lần nữa cướp một máy bay từ tỉnh Pra-chuộp Khi-rin-khan của Thái-lan xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, rải truyền đơn có nội dung đòi lật đổ chính quyền Việt Nam xuống địa bàn TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh, vi phạm Ðiều 81 (Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ), Ðiều 88 (Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam) và Ðiều 222 (Tội điều khiển máy bay vi phạm các quy định về hàng không của nước CHXHCN Việt Nam) của Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.
Trở về Thái-lan, hạ cánh xuống sân bay tỉnh Ra-giông, Lý Tống đã bị nhà chức trách Thái-lan bắt giữ.
Ngày 25-12-2003, Tòa án tỉnh Ra-giông, Thái-lan đã kết án tù giam Lý Tống bảy năm bốn tháng tù giam về tội cướp máy bay và rải truyền đơn chống Chính phủ Việt Nam. Từ năm 2004, Việt Nam đã chính thức yêu cầu Thái-lan dẫn độ Lý Tống về Việt Nam để xét xử; tuyên bố sẽ truy tố y với tội danh "xâm phạm an ninh lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam" theo Ðiều 81 của Bộ luật Hình sự, không truy tố y về tội chính trị.
Ngày 24-7-2006, tại Tòa Hình sự Lát-ti-ao, Thái-lan đã diễn ra phiên tòa đối chất thứ nhất và ngày 7-8-2006 diễn ra phiên tòa đối chất thứ hai để xem xét đề nghị của Việt Nam yêu cầu dẫn độ Lý Tống về Việt Nam xét xử. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 7-9-2006, Tòa án sơ thẩm Thái-lan đã ra phán quyết dẫn độ Lý Tống về Việt Nam. Phán quyết của Tòa án nói rằng việc cho phép dẫn độ Lý Tống về Việt Nam là do xét thấy đủ chứng cứ kết luận y đã xâm phạm an ninh lãnh thổ Việt Nam và do Việt Nam đã bảo đảm chỉ xét xử Lý Tống về các tội hình sự, không xử Lý Tống về tội chính trị. Lý Tống đệ đơn kháng án lên Tòa Phúc thẩm và được chấp thuận. Tại phiên tòa diễn ra ngày 3-4, Tòa Phúc thẩm Băng-cốc đã bác phán quyết của Tòa Sơ thẩm với lý do hành động của Lý Tống mang động cơ chính trị, cho nên, theo luật pháp Thái-lan, Lý Tống vô tội và cho phép y được tự do trở về Mỹ (!)
Phán quyết của Tòa Phúc thẩm Băng-cốc là một việc làm đi ngược lại xu thế phát triển ngày càng tốt đẹp của mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Thái-lan. Sự tôn trọng nhau và không can thiệp công việc nội bộ của nhau là nền tảng của mối quan hệ nhiều mặt giữa hai nước. Các chuyến thăm Thái-lan cuối tháng 12-2006 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Thái- lan Surayut Chulanon trước đó thể hiện mong muốn và quyết tâm của nhân dân hai nước phát triển quan hệ theo tinh thần được nêu trong Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Thái-lan trong thập kỷ đầu thế kỷ 21, trong đó khẳng định hai bên tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực nhằm bảo đảm an ninh, ổn định và phát triển của mỗi quốc gia. Thái-lan khẳng định lập trường không cho bất cứ nước nào dùng lãnh thổ Thái-lan để chống lại nước bạn láng giềng. Thủ tướng Surayut Chulanon cho biết Thái-lan sẽ cố gắng để xét xử "vụ Lý Tống" công bằng, phù hợp luật pháp Thái-lan và Việt Nam. Trên thực tế, phía Thái-lan đã nuốt lời, Tòa phúc thẩm Băng-cốc đã bẻ cong công lý trước sức ép của các thế lực chống Việt Nam, tối mắt bởi những toan tính thực dụng, sặc mùi chính trị đen tối. Phán quyết sai trái của Tòa Phúc thẩm Băng-cốc đã làm tổn hại sâu sắc quan hệ giữa hai nước, xúc phạm thiện chí của nhân dân Việt Nam.
Dư luận rộng rãi khẳng định, phán quyết của Tòa Phúc thẩm Băng-cốc hoàn toàn trái với luật pháp Thái-lan, luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế cũng như đi ngược lại những nỗ lực chung trong việc phòng chống tội phạm và khủng bố ở khu vực và trên thế giới, không phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước. Chúng ta kiên quyết bác bỏ phán quyết sai trái này, đòi phía Thái-lan hợp tác để xét xử theo đúng tội danh mà Lý Tống đã phạm, đó là hành động khủng bố, cần phải bị nghiêm trị.