Một ngày với Đại tướng ở rừng thiêng Trần Hưng Đạo

NDO -

Năm 1994, khi ấy tôi là Tổng Biên tập Báo Quân khu I, được Bộ Tư lệnh Quân khu giao nhiệm vụ tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại chiến trường xưa - khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại nơi ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại nơi ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Đây là nơi ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng đi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp có Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin Trần Hoàn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và Quân khu I. Trước khi rời thị xã Cao Bằng, Đại tướng hỏi, đường về xã Tam Kim có khá hơn trước không? Ai nấy đều băn khoăn, vì đường về xã đang được gấp rút thi công để hoàn thành vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội (22-12-1944 - 22-12-1994). Mấy hôm nay, trời lại mưa nên rất nguy hiểm cho các phương tiện đi lại. Như đoán được suy nghĩ của mọi người, Đại tướng động viên: "Không sao, đoạn nào khó thì ta xuống xe đi bộ". Tinh thần của Đại tướng đã khích lệ quyết tâm của mọi người.

Từ thị xã Cao Bằng đến khu rừng Trần Hưng Đạo khoảng hơn 50 km, nhưng từ huyện lỵ Nguyên Bình đến xã Tam Kim chỉ hơn 20 km, đường lại rất khó đi, có nhiều đoạn "tăng bo", cả tướng lẫn quân phải xuống đi bộ, đẩy xe. Song, ai nấy đều phấn khởi vì được tháp tùng người Anh Cả của lực lượng vũ trang nhân dân. Trong lúc hò dô đẩy xe, Bộ trưởng Trần Hoàn hứng khởi cất cao tiếng hát: "Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi..." khiến mọi người quên hết mệt nhọc.

Khoảng hơn 10 giờ, Đoàn đến xã Tam Kim. Chúng tôi tiếp tục lội suối, trèo đèo vào Khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo. Đứng trên bãi cỏ, nơi 50 năm trước, 34 chiến sĩ Giải phóng quân đã làm lễ tuyên thệ chiến đấu đến cùng vì nền độc lập tự do của Tổ quốc... trong lòng chúng tôi bồi hồi xúc động. Trên một bãi đất bằng phẳng, rộng khoảng gần hai nghìn m 2 , nằm ở giữa rừng, vẫn còn đó cây sấu già, thân sần sùi, cành lá sum suê, nơi treo lá cờ đỏ sao vàng trong ngày lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Giữa khu đất này là ngôi nhà bia ghi lại những chứng tích hào hùng xưa. Bốn mặt bia mầu nâu sẫm, nổi bật dòng chữ vàng khắc toàn văn bản chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và mười lời thề danh dự do đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc trong lễ tuyên thệ (sau này trở thành lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam) cùng danh sách 34 chiến sĩ.

Từ chân núi Slam Cao, leo 600 bậc xi-măng là tới đỉnh núi cao nhất trong dãy Khau Giáng, nơi đặt trạm quan sát của đồng chí Võ Nguyên Giáp và ban chỉ huy Đội. Khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo còn hai địa điểm bảo tồn ghi dấu chiến công oanh liệt, mưu trí đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngay sau ngày thành lập. Đó là đồn Phai Khắt ở xã Tam Kim và đồn Nà Ngần ở xã Hoa Thám, cùng ở huyện Nguyên Bình.

Được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm, bà con các dân tộc từ khắp các bản, làng kéo đến đông như trảy hội. Đứng trước đồn Phai Khắt, Đại tướng nói với mọi người về nguồn gốc và ý nghĩa của Khu Di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo. Đồng chí nhắc nhở mọi người phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa - lịch sử vô giá đó. Đôi bàn tay của Đại tướng nhẹ nhàng sờ lên bức tường trình của đồn Phai Khắt, giọng trầm xuống: Năm 1942, để án ngữ con đường vào khu vực căn cứ Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, giặc Pháp đã cho lập hai đồn binh ở nơi này. Nhưng thực chất quân Pháp đã xông vào chiếm toàn bộ ngôi nhà gia đình đồng chí Nông Văn Lạc, dân tộc Tày, ở bản Phai Khắt để làm đồn. Năm 1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời, tuy mới thành lập, chỉ huy và đội viên chưa trải qua chiến đấu quy mô lớn, vũ khí đạn dược lại rất thô sơ, thiếu thốn, nhưng quyết tâm thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: "Trận đầu phải chắc thắng", nên tôi và ban chỉ huy Đội đã trù liệu một kế hoạch hết sức chu đáo.

Đặc biệt, nhờ có sự giúp đỡ tận tình, khôn khéo, mưu trí, dũng cảm của nhân dân các dân tộc trong huyện nên trận tập kích diễn ra chớp nhoáng, ta tiêu diệt gọn hai đồn Phai Khắt, Nà Ngần, không một chiến sĩ hy sinh, thương tích. Như sực nhớ ra điều gì, Đại tướng cất tiếng hỏi: - Hôm nay ở đây có "Bé Hồng" không? Trong lúc mọi người chưa biết Bé Hồng là ai thì ở giữa đám đông, một người đàn ông hơn 60 tuổi, chạy đến ôm lấy Đại tướng. Xúc động và sung sướng, ông khóc như một đứa trẻ. Mọi người không hết ngạc nhiên, vì cái tên "Bé Hồng" mà Đại tướng vừa nhắc đến lại chính là ông Nông Văn Sương, dân tộc Tày ở xã Tam Kim. Đại tướng cười đôn hậu, giải thích, biệt hiệu "Bé Hồng" là do anh em trong Đội đặt cho. Đại tướng kể tiếp: Trong những năm địch tạm chiếm, cậu bé Nông Văn Sương mới 14 tuổi, thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát.

Được giác ngộ, nên Nông Văn Sương nhanh chóng trở thành chiến sĩ liên lạc của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ngày ngày thả trâu cạnh đồn Phai Khắt, lân la làm quen, nắm mọi hoạt động của bọn lính Pháp để cung cấp tin tức quan trọng cho bộ đội ta.

Hôm đó là ngày 23-12-1944, sau một ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, theo kế hoạch được bố trí, Nông Văn Sương mang rượu, thịt đến cửa đồn Phai Khắt. Bọn lính Pháp trong đồn ùa ra tranh nhau uống đến say mềm. Đúng giờ "G", các chiến sĩ trong Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân bất ngờ tập kích và chỉ trong vòng năm phút đã tiêu diệt và bắt gọn quân lính trong đồn, cùng toàn bộ vũ khí trang bị.

Một ngày tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại căn cứ địa cách mạng, được nghe những câu chuyện ông kể, được thăm lại khu di tích lịch sử hùng vĩ, linh thiêng - rừng Trần Hưng Đạo, với tôi là niềm tự hào, là kỷ niệm không bao giờ phai.