Một lực lượng đặc biệt của Công an Nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (*)


Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã diễn ra qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trong mỗi giai đoạn, kẻ thù luôn tiến hành những mưu đồ và thủ đoạn xảo quyệt nhằm phá hoại miền bắc XHCN và tiêu diệt lực lượng cách mạng ở miền nam, hòng chia cắt lâu dài đất nước ta. Cứ mỗi lần kẻ thù đưa ra một chiến lược, một thủ đoạn mới, chúng lại nếm chịu những thất bại lớn hơn, nặng nề hơn.

Tháng 9-1954, đồng chí Viễn Chi, người lãnh đạo đầu tiên của lực lượng Tình báo CAND (gọi là phái khiển), thực hiện nhiệm vụ của Bộ trưởng giao đã vào miền nam, phổ biến chủ trương của lãnh đạo Bộ Công an triển khai công tác nắm tình hình địch cho các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Ban Địch tình Xứ ủy với Bộ Công an. Do vậy, Ban Địch tình Xứ ủy Nam Bộ và một số khu ủy, tỉnh ủy đã hoạt động tích cực, thiết lập được nhiều đường dây thâm nhập các tổ chức địch như Nha Công an Nam Phần, Tổng Thanh tra ngụy quyền, Ty Thông tin...

Từ tháng 7-1956 đến tháng 9-1960, cách mạng miền nam gặp nhiều khó khăn và tổn thất do Mỹ - Diệm đàn áp dã man. Đây cũng là thời kỳ hết sức khó khăn của công tác phái khiển. Khu vực giới tuyến bị địch kiểm soát gắt gao, con đường thư tín, thông thương hai miền bị đình trệ. Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng phái khiển trong tình hình mới, tháng 10-1959, Bộ Công an ra Chỉ thị 1783/P5-V6 chỉ đạo củng cố, tăng cường lực lượng phái khiển ở Bộ và các địa phương, mở ra hướng mới, vừa tăng cường nắm tình hình địch phục vụ sự chỉ đạo của Đảng đối với địa bàn chính ở miền nam, mặt khác chỉ đạo lực lượng phái khiển T.Ư phối hợp phái khiển Vĩnh Linh tìm con đường khơi thông liên lạc qua giới tuyến và  đường biển.

Ở miền nam, Xứ ủy Nam Bộ và cấp ủy các địa phương chỉ đạo Ban Địch tình các cấp tập trung nhiệm vụ thu tin, nắm tình hình phục vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng. Ban Địch tình Xứ ủy Nam Bộ đã xây dựng được một số cơ sở nội tuyến trong Bộ Tổng tham mưu, Bộ Nội vụ ngụy, cung cấp nhiều tin có giá trị về mâu thuẫn nội bộ giữa các phe phái trong chính quyền Diệm, cơ cấu tổ chức một số cơ quan đầu não của địch, âm mưu của Mỹ - Diệm đối với cách mạng miền nam..., góp phần bảo vệ an toàn khu căn cứ và nhiều đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Nam Bộ lúc bấy giờ. Việc Ban Địch tình Tây Ninh tổ chức ám sát Ngô Đình Diệm ở Buôn Ma Thuột (7-1957) tuy không thành, nhưng đã làm gia tăng mâu thuẫn giữa các phe phái với chính quyền Diệm - Nhu, đồng thời củng cố lòng tin của nhân dân đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ - Diệm. Từ năm 1959, dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 15, phong trào Đồng khởi phát triển trên khắp miền nam. Ban Địch tình Nam Trung Bộ có công góp phần giải thoát đồng chí Nguyễn Hữu Thọ trở về chiến khu, làm Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam ra đời năm 1960.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, công tác xử lý tin mã thám của lực lượng phái khiển đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng trong việc phát hiện kịp thời nhiều kế hoạch đánh úp các cơ quan lãnh đạo của Đảng, quân đội ta ở miền nam, giúp ta chủ động di chuyển, đối phó kịp thời, tránh  được nhiều thiệt hại. Lực lượng phái khiển đã góp phần quan trọng phát hiện sớm âm mưu tình báo, gián điệp biệt kích của Mỹ - ngụy tung ra miền bắc bằng đường không, đường biển; âm mưu và hoạt động của Mỹ - ngụy tung gián điệp về miền bắc qua đường Việt kiều hồi hương, lập danh sách hàng trăm đối tượng nghi vấn phục vụ công tác phản gián ở trong nước.

Chủ trương đúng đắn và sự chỉ đạo trực tiếp, kịp thời của lãnh đạo Bộ là nhân tố quan trọng hàng đầu giúp lực lượng phái khiển tiếp tục phát triển tổ chức và đạt được kết quả ngày càng cao, phục vụ có hiệu quả các yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng. Số lượng tin tình báo chính trị, quân sự và phản gián ngày càng tăng, trong đó nhiều tin có giá trị đặc biệt quan trọng giúp Đảng kịp thời định ra chủ trương, đường lối đúng đắn cho cách mạng nước ta.

 Từ tháng 3-1965 đến 3-1968 là giai đoạn toàn quân, toàn dân ta ở cả hai miền đất nước đấu tranh chống chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ. Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc  Hoàn chỉ đạo trực tiếp và toàn diện công tác phái khiển. Tổ chức bộ máy phái khiển CAND được tăng cường và công tác phái khiển được đẩy mạnh cả ở T.Ư và các địa phương. Tin thu được ngày càng tăng, trong đó có những tin sâu, có hệ thống, như mâu thuẫn giữa các phe phái chính trị ở miền nam, khả năng sử dụng các con bài của Mỹ, âm mưu kế hoạch của Mỹ mở rộng "chiến tranh cục bộ", nhất là tin chính xác, kịp thời về nội dung Hội nghị Hô-nô-lu-lu của Mỹ bàn kế hoạch R6, tạo dựng sự kiện "Vịnh Bắc Bộ", lấy cớ tiến hành chiến tranh phá hoại miền bắc. Lực lượng điệp báo an ninh miền nam đã phát hiện kịp thời chiến thuật "Trực thăng vận" của Mỹ. Tin sưu tập cũng phát hiện sớm ý đồ của Lon-non - Xê-rích-ma-tắc âm mưu lật đổ Sihanouk; kế hoạch chiêu hồi và bình định của Mỹ; âm mưu thủ đoạn hoạt động của CIA, các căn cứ không quân của Mỹ ở miền nam và Thái-lan.

Sau Tổng tiến công Mậu Thân 1968, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, quan hệ đối ngoại của nước ta với các nước được mở rộng, nhất là các nước "không liên kết" và các nước dân tộc độc lập. Đây là thời điểm đổi tên Cục Phái khiển thành Cục Sưu tập với những yêu cầu nhiệm vụ mới. Công tác sưu tập tiếp tục được triển khai đồng bộ cả ba mặt công tác thu tin, tình báo chính trị, tình báo phản gián và tình báo kinh tế - khoa học kỹ thuật; tiến hành đồng thời hai phương thức (công khai  hợp pháp và bí mật bất hợp pháp). Tin tình báo thu được góp phần phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước kịp thời có những quyết sách đúng đắn trong chỉ đạo kháng chiến ở miền nam và xây dựng bảo vệ miền bắc. Một số tin tình báo được Bác Hồ trực tiếp xem xét cho ý kiến chỉ đạo. Trong thời gian này, lực lượng Sưu tập đã thu được nhiều tin có giá trị, đặc biệt là tin phát hiện trước âm mưu của Mỹ  - ngụy mở chiến dịch Đường 9 - Nam Lào; tin về cuộc tiếp xúc bí mật của giới chóp bu Mỹ để tìm giải pháp có lợi cho Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Tin phản gián đã phát hiện sớm âm mưu thủ đoạn của các cơ quan tình báo một số nước, đặc biệt CIA tiến hành các hoạt động chiến tranh tâm lý chống Việt Nam; tiến hành thành công kế hoạch nghiệp vụ TK69 (1969) và phá âm mưu của CIA cài nội gián thông qua con đường trao trả tù binh...

Trong thời gian này, công tác bảo vệ an toàn phái đoàn ta tại Hội nghị Paris là một nhiệm vụ trọng tâm của Cục Sưu tập. Trong suốt năm năm diễn ra Hội nghị Paris, Cục Sưu tập đã tập trung lực lượng vừa nắm tình hình địch vừa tổ chức vận động Việt kiều yêu nước ở Pháp, tạo hậu thuẫn cho các hoạt động của phái đoàn ta; bảo vệ bí mật mọi chủ trương  đàm phán của ta, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo và thành viên của đoàn Việt Nam, bảo vệ bí mật các cuộc hội đàm riêng của đồng chí Lê Đức Thọ với Kissinger.

Từ sau Hiệp định Paris về Việt Nam (2-1973) đến ngày miền nam giải phóng (30-4-1975), Mỹ ngoan cố tiếp tục đẩy mạnh chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam trước mắt cũng như lâu dài. Ở miền nam, An ninh Trung ương Cục xác định nhiệm vụ cấp bách trước mắt của điệp báo là phục vụ đấu tranh thi hành Hiệp định Paris, góp phần bảo vệ, phát triển lực lượng cách mạng, giữ vững vùng giải phóng. Điệp báo Tây Nam Bộ (T3) đã phát hiện sớm "kế hoạch Hùng Vương" của ngụy âm mưu "tràn ngập lãnh thổ" ở đồng bằng sông Cửu Long, góp phần đập tan ý đồ dùng ngụy quân lấn đất và cắm cờ ở một số khu vực giải phóng trước 48 giờ khi Hiệp định Paris có hiệu lực.

Đến đầu năm 1975, thời điểm tổng tiến công càng đến gần. Lực lượng điệp báo  đã tích cực tham gia các kế hoạch tiến công tiêu diệt địch, giải phóng các tỉnh Đác Lắc, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Nha Trang. Điệp báo Sài Gòn - Gia Định đã chủ động điều tra, vẽ sơ đồ cung cấp cho quân chủ lực về hệ thống bố phòng của địch, lập danh sách những đối tượng nguy hiểm cần trừng trị chuẩn bị kế hoạch kêu gọi quần chúng nổi dậy. Lực lượng điệp báo đã phối hợp cùng lực lượng an ninh bảo vệ tuyệt đối an toàn Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy mặt trận, bảo đảm bí mật các cuộc hành quân, vận chuyển vũ khí, hậu cần và các hướng tiến công của quân đội ta.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, triển khai sự chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Cục Sưu tập đã cấp tốc tăng cường 25 cán bộ cho Điệp báo Đà Nẵng, Khánh Hòa và Sài Gòn. Điệp báo An ninh T4 trực tiếp tham gia chiến dịch, dẫn đường cho quân chủ lực từ năm hướng đồng loạt tiến công vào nội thành Sài Gòn, chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng của ngụy quyền như: Phủ đặc ủy trung ương tình báo, Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia, Bộ chỉ huy cảnh sát Đô thành, Ty cảnh sát Gia Định... Nhiều chiến sĩ điệp báo đã nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí đột nhập tận sào huyệt địch để tác động địch đầu hàng, thu giữ tài liệu, hồ sơ mật của địch. Đặc biệt trong những ngày cuối cùng của chế độ ngụy Sài Gòn, cụm Điệp báo A10 đã dũng cảm tiếp cận và trực tiếp tác động Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh sớm đầu hàng, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, hạn chế được thương vong và xương máu của quân đội và nhân dân ta trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Nhân kỷ niệm 30 năm Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, lực lượng CAND hôm  nay càng thấy tự hào về những chiến công của thế hệ cha anh góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Trung tướng TRẨN QUANG BÌNH
(Bộ Công an)

(*) Trích tham luận tại Hội thảo Công an Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.