Theo một cuộc điều tra mới đây, Facebook vẫn là một marketplace (hình thức thương mại điện tử kết nối người mua và người bán trong cùng một nền tảng) chứng kiến tình trạng buôn bán động vật hoang dã trực tuyến tăng mạnh bất chấp cam kết chống lại nạn buôn bán bất hợp pháp từ phía “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ.
Trên các trang Facebook và nhóm công khai, các nhà nghiên cứu từ tổ chức vận động toàn cầu Avaaz đã tìm thấy nhiều cá thể động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng được rao bán, trong đó gồm hổ con, báo hoa mai (leopard), mèo gấm, vẹt xám châu Phi và pygmy marmoset - loài khỉ nhỏ nhất thế giới.
Buôn bán trái phép động vật hoang dã là hoạt động xuyên quốc gia bất hợp pháp lớn thứ tư trên thế giới, xếp sau buôn ma tuý, buôn người và buôn lậu hàng giả. Hoạt động buôn bán trị giá hàng tỷ USD này có liên quan đến vô số tác hại bao gồm đối xử tàn nhẫn với động vật, gây nguy hiểm cho các loài và hệ sinh thái, đồng thời thúc đẩy truyền bệnh từ động vật sang người như bệnh do virus corona, Ebola, sốt xuất huyết, cúm gia cầm và bệnh than.
Năm 2018, Facebook - mạng xã hội với hơn 2,9 tỷ người dùng hàng tháng - đã tham gia đồng sáng lập Liên minh chấm dứt buôn bán động vật hoang dã trực tuyến với mục tiêu cắt giảm 80% hoạt động buôn bán trái phép vào năm 2020.
Công ty cho biết họ đã đạt được bước tiến trong cuộc chiến này, nhưng báo cáo mà Avaaz công bố mới đây cho thấy Facebook vẫn là một nền tảng phổ biến cho những kẻ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Đầu năm nay, chỉ trong vòng 2 ngày, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 129 kết quả có nội dung liên quan “chỉ bằng 1 cú nhấp chuột” thông qua thanh tìm kiếm của Facebook, bao gồm các bài đăng bán hoặc tìm kiếm báo săn (cheetah), khỉ, sư tử con và ngà voi. Đây đều là những loài động vật được liệt kê trong Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES).
Trong số các kết quả tìm kiếm là 1 trang Facebook có tên “Wildlife Trade, Pangolin Scale & Rhino Horn” (buôn bán động vật hoang dã, vảy tê tê & sừng tê giác), kêu gọi đấu giá các loài động vật mà chủ trang cung cấp, đăng kèm bức ảnh 1 cá thể tê tê bị nhốt trong cũi.
Bà Ruth Delbaere, nhà vận động pháp lý cấp cao tại Avaaz cho biết: “Những kẻ buôn bán ngang nhiên niêm yết hàng hóa đăng bán trong các nhóm công khai, có kèm theo số điện thoại liên hệ. Trên Facebook, hoạt động buôn bán động vật hoang dã diễn ra giữa ban ngày”.
Một vài tuần sau đó, Facebook đã đưa ra 95 gợi ý tập trung vào động vật hoang dã cho các nhà nghiên cứu thông qua các thông báo (notifications) và tính năng “các nhóm được đề xuất” (suggested groups). Trong số này, 76% là các bài đăng tìm cách mua hoặc bán động vật sống.
Báo cáo của Avaaz kết luận rằng, việc dễ dàng chuyển hướng đến các trang này cho thấy các thuật toán của Facebook không phù hợp với các chính sách của chính công ty cũng như cam kết của hãng đối với việc ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã trực tuyến.
“Thay vì sử dụng dữ liệu để hỗ trợ cuộc chiến chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã, các thuật toán của Facebook sẽ giúp bọn tội phạm phát triển kinh doanh của chúng”, bà Gretchen Peters, giám đốc điều hành của Liên minh chống tội phạm trực tuyến cho hay.
Bốn nhà nghiên cứu của Avaaz đã nhập các cụm từ tìm kiếm như “thú cưng độc lạ”, “khỉ để bán” và “vảy tê tê” bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha. Họ tìm kiếm các bài đăng mà họ cho là nội dung cần được điều tra thêm để xác định xem nó có cấu thành hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã hay không.
Theo báo cáo, có vẻ như Facebook đã xóa 13% các bài đăng “đáng ngờ” liên quan đến buôn bán động vật hoang dã mà họ tìm thấy trước khi các nhà nghiên cứu của Avaaz thông tin về chúng. Một tuần sau khi Avaaz cảnh báo Facebook thông qua công cụ “báo cáo bài đăng” (report post), “gã khồng lồ” mạng xã hội này mới chỉ xóa được 43%.
Báo cáo của Avaaz kêu gọi Facebook tăng cường và thực thi các chính sách nhằm chấm dứt tình trạng buôn bán động vật hoang dã, bao gồm hạn chế một số kết quả tìm kiếm, thay đổi các thuật toán của họ, cũng như hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan chính phủ để ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã trực tuyến.
Phản hồi thông tin từ phía Avaaz, công ty mẹ của Facebook, Meta Platforms đã đặt câu hỏi về tính hợp lệ về phương pháp luận và quy mô mẫu của nghiên cứu, đồng thời cho biết kết quả nghiên cứu không phản ánh những công việc mà họ đã thực hiện để chống nạn buôn bán động vật hoang dã.
“Chúng tôi đã chủ động áp dụng công nghệ giúp tìm kiếm và xóa những nội dung này, đồng thời đưa ra các cảnh báo dưới dạng pop-up để ngăn cản mọi người tham gia vào các cuộc mua bán. Chỉ riêng ở Indonesia và Philippines, từ tháng 1 đến tháng 5/2021, chúng tôi đã xóa hơn 1.900 nhóm Facebook có liên quan đến buôn bán động vật hoang dã. Tuy nhiên, đây là một không gian đối đầu và nhiều người vẫn không ngừng áp dụng các chiến thuật mới để phủ nhận những nỗ lực của chúng tôi”, một phát ngôn viên của Meta cho hay.