Module Mộng Thiên ghép nối thành công với trạm vũ trụ Thiên Cung

Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) ngày 1/11 cho biết, module thí nghiệm Mộng Thiên của nước này đã ghép nối thành công với tổ hợp trạm vũ trụ Thiên Cung.
0:00 / 0:00
0:00
Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B Y4, mang theo module Mộng Thiên rời bệ phóng tại bãi phóng Văn Xương, tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc ngày 31/10/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B Y4, mang theo module Mộng Thiên rời bệ phóng tại bãi phóng Văn Xương, tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc ngày 31/10/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) ngày 1/11 cho biết module thí nghiệm Mộng Thiên của nước này đã ghép nối thành công với tổ hợp trạm vũ trụ Thiên Cung - một bước tiến lớn nhằm thúc đẩy các nỗ lực hoàn tất xây dựng trạm vũ trụ này.

Mộng Thiên là module thí nghiệm thứ 2 của trạm vũ trụ Thiên Cung. Module này được phóng lên quỹ đạo từ bãi phóng Văn Xương (miền Nam Trung Quốc), sau đó kết nối với Thiên Hòa - module trung tâm của trạm vũ trụ Thiên Cung - vào lúc 4 giờ 27 phút sáng 1/11 (theo giờ Bắc Kinh, tức 3h37 giờ Hà Nội). Toàn bộ quá trình này kéo dài khoảng 13 tiếng.

Có chiều dài gần 18m và nặng 23 tấn, Mộng Thiên là module thứ 3, đồng thời là module cuối cùng của trạm vũ trụ Thiên Cung được đưa lên quỹ đạo. Trung Quốc mất chưa đầy 2 năm để lắp ráp trạm vũ trụ có cấu trúc hình chữ T này trên quỹ đạo, bắt đầu với module trung tâm Thiên Hòa, phóng vào tháng 4 năm 2021.

So với Thiên Hòa và module thí nghiệm còn lại là Vấn Thiên (phóng lên quỹ đạo trong tháng 7), Mộng Thiên trang bị nhiều cơ sở nghiên cứu hơn và sẽ hỗ trợ hàng loạt thí nghiệm vật lý ở môi trường vi trọng lực.

Dự kiến, phi hành đoàn gồm 3 thành viên của sứ mệnh Thần Châu-14 hiện có mặt tại Thiên Cung sẽ cùng với 3 phi hành gia khác hoàn thành việc xây dựng trạm vũ trụ này vào cuối năm nay.

Sau khi hoàn tất, trạm Thiên Cung sẽ có khối lượng 90 tấn - tương đương 1/4 trọng lượng của Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Trạm này được thiết kế để hoạt động trong khoảng 10 năm và tiến hành nhiều thí nghiệm trong điều kiện gần như không trọng lực.