Ngày trước, cứ khoảng bốn giờ sáng, những người phụ nữ đã dậy, lục đục chuẩn bị bữa cơm sớm với ít cá đồng kho quẹt, vài cọng rau luộc. Gà chưa gáy sáng, những người đàn ông đã ăn vội chén cơm, chuẩn bị ra đồng nhổ cỏ bàng. Một vài đứa trẻ cũng được cha dắt theo để trải nghiệm với cuộc sống lao động trên đồng cỏ bàng thẳng cánh cò bay này.
Anh Danh Cua, ấp Tà Teng, xã Phú Lợi kể với chúng tôi, lúc anh hơn 10 tuổi nhiều lần được cha cho đồng hành vào những buổi sáng. Chiếc ghe chóng ra đến đồng, anh Cua ngồi trên ghe đợi, cha lội xuống nhổ cỏ bàng. Cỏ bàng nhổ lên được bó lại gọn gàng từng bó một rồi được chất lên ghe.
“Trời dần sáng, tôi nhìn thấy nhiều người cũng đến hái cỏ. Ai nấy đều rất tất bật tranh thủ hái thật nhanh. Tôi trèo lên bờ, chạy lòng vòng chơi, xa xa chỉ thấy những tấm lưng lặn hụp trong đám cỏ. Tôi cũng hái vài cọng làm cờ vừa chạy vừa phất, trông những cọng cỏ dưới ánh nắng ban mai có màu xanh bóng bẩy làm sao”- đó là những hồi ức mà anh Cua nhớ lại.
Nghề đan cỏ bàng là nghề truyền thống của người dân tộc Khmer ở vùng biên giới Giang Thành - Hà Tiên đã có từ nhiều thế kỷ trước. Ngày trước, nghề đan cỏ bàng chỉ là công việc kiếm thêm thu nhập vào thời điểm nông nhàn, hoặc vào những thời diểm khó khăn, ít việc. Nhưng thời gian qua, nghề này đã có bước phát triển ổn định và mang lại thu nhập khá cho người dân.
Trở lại vùng biên giới Giang Thành hôm nay, chúng tôi nhìn thấy một sự đổi thay khá toàn diện. Đường xá xe cộ thông suốt, nhà cửa khang trang, trâu bỏ thả nuôi trên đồng. Ruộng, ngoài cây lúa giờ đã có thêm con tôm sinh trưởng. Nhiều cánh đồng nuôi tôm công nghiệp, bạt phủ kín mặt đất, những cánh quay chong chóng tạo ô-xy trông lạ mà rất đẹp.
Còn ở xã Phú Lợi, Phú Mỹ rất nhiều nông dân đã thoát nghèo từ cây cỏ bàng. Bà con tự hào nói rằng, giờ cây cỏ bàng không chỉ là nghề ông bà truyền lại cho con cháu, mà còn là nghề ăn nên làm ra cho người dân nơi đây.
Chúng tôi ghé thăm một hợp tác xã (HTX) đan cỏ bàng do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Mỹ vận động thành lập ở ấp Trà Phọt. Tại đây có rất nhiều sản phẩm được tạo ra từ cỏ bàng được chất đầy trên kệ đang chờ người đến chở đi tiêu thụ. Nào túi thời trang, nón, giỏ xách, nào là chiếu, đệm, hộp đựng viết… trông rất tinh tế và đẹp mắt.
Trò chuyện với anh Lý Hoàng Bảo, Giám đốc HTX, anh Bảo vui vẻ kể: “Bà con mình giờ ngoài đan truyền thống thì còn học thêm những cách đan mới, làm ra nhiều sản phẩm theo xu thế thị trường. Khi sản phẩm làm ra, HTX thu mua lại và xử lý thêm các khâu may hậu kỳ, rồi xuất bán”.
Như lời anh Bảo, sản phẩm từ cỏ bàng không còn là sản phẩm quê nữa mà trở thành mặt hàng xuất khẩu đi nhiều nước. Sản phẩm cỏ bàng đã có đầu ra ổn định, mang lại thu nhập khá cho người nông dân.
Đây là một mặt hàng thủ công, truyền thống thân thiện với môi trường. Có lẽ vì vậy mà thị trường nước ngoài rất ưa chuộng, đặc biệt là các nước châu Âu. Chị Nguyễn Thị Ngọc Băng, thành viên HTX cho biết: “Sau khi thu mua các sản phẩm đan thô của người dân về, HTX cho thợ may và xử lý lại để phù hợp thị hiếu của khách. Đối với khách hàng ở châu Âu, những mặt hàng càng giản đơn, tự nhiên, gần gũi không dùng các chất tạo màu họ càng thích”.
Giờ đây, những cánh đồng cỏ bàng mọc um tùm xưa kia đã trở thành vùng nguyên liệu đắt giá cho các sản phẩm mang tên cỏ bàng. Hiện, bình quân mỗi thành viên trong HTX mỗi tháng kiếm thêm trên dưới ba triệu đồng từ những công việc có liên quan đến cỏ bàng. Rất nhiều chị em sau giờ ruộng rẫy, rãnh tay thì lấy cỏ bàng ra đan.
Được một chị cán bộ phụ nữ xã Phú Mỹ giới thiệu, chúng tôi đến gia đình bà Thị Thia, người đã có bốn đời làm nghề đan cỏ bàng. Từ đời cha mẹ của bà Thia truyền lại, đến nay đứa cháu gái 11 tuổi của bà đã đan rất thành thục. Sân nhà bà Thia phơi đầy những đống cỏ bàng, bên trong cỏ đã ép cũng rất nhiều.
Vừa đan dở tấm đệm, bà Thia vừa kể chuyện: “Hồi còn nhỏ xíu là tôi biết đan rồi. Học làm với mẹ, giờ hơn 70 tuổi rồi tôi vẫn còn đan. Xóm này nhà nào cũng đan, mấy đứa con tôi mỗi ngày dậy sớm đi hái cỏ về để kịp phơi, ép…”.
Ngồi cạnh bà Thia là cô cháu gái tên Thị Vi An, mới 11 tuổi nhưng cô bé vô cùng khéo léo, tay nghề đan không kém cạnh người lớn. An học đan khi mới năm tuổi, điều này với nhiều đứa trẻ khác ít làm được. Nhìn theo đôi tay nhanh thoăn thoắt của cô bé mà tôi hoa cả mắt.
Bé Vi An chia sẻ: “Mỗi ngày con làm phụ bà, khi đan khi thì phơi cỏ. Nếu mà đan thì mỗi ngày con làm năm cái đệm, không ảnh hưởng đến chuyện học mà kiếm thêm tiền cho nhà, con vui lắm”.
Nhìn bà Thia và bé An đan cỏ bàng, tôi lại nhớ tới câu chuyện của anh Danh Cua kể, ngày trước mẹ anh Cua làm nghề đan cỏ bàng, anh Cua cũng rất thích nhưng vì là con trai nên anh không theo nghề của mẹ. “Nghề đan là nghề của con gái mà, mình là con trai không khéo léo, mà tay chân còn vụn về nên cùng cha phụ trách việc nhổ cỏ, phơi, ép, còn việc đan do mẹ và mấy chị em gái đảm nhiệm”.
Hiện đồng cỏ bàng ở xã Phú Mỹ có hơn 2.500 ha, cho thu hoạch quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa nước nổi, từ tháng 8 đến 11. Đây cũng là Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ nhằm ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái đồng cỏ bàng duy nhất còn sót lại ở đồng bằng sông Cửu Long. Khu bảo tồn là nơi để cho đàn sếu đầu đỏ, một loại chim quý nằm trong Sách Đỏ về kiếm ăn hằng năm.
Hằng năm, khi có tin đàn sếu đầu đỏ về Phú Mỹ, thì vùng biên giới này cũng nhôn nhịp hẳn lên khi giới nhiếp ảnh tu về đây rất đông để săn ảnh sếu. Từ con sếu đầu đỏ trên đồng cỏ Phú Mỹ đã đưa tên tuổi của nhiều nhiếp ảnh ra vươn ra tầm Việt Nam và thế giới
Sau khi Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ được hình thành, người dân sống quanh khu vực đã được chính quyền tuyên truyền vận động, nhằm hiều về mục tiêu của việc bảo tồn. Đồng thời, người dân cũng được nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm. Những người theo nghề đan cũng được xã hội quan tâm thành lập tổ chức quản lý, tìm đầu ra cho sản phẩm. Điều này đã góp phần rất lớn, để các hộ gia đình tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Cỏ bàng giờ đây không còn là “cỏ” nữa!